Những "cột mốc sống" giữa trùng khơi

GD&TĐ - Không chỉ bám biển đánh bắt thủy hải sản phát triển kinh tế, ngư dân các tỉnh Tây Nam Bộ còn can trường, dũng cảm, luôn nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc.

Họ chính là những “cột mốc sống” giữa biển khơi.

Tổ quốc trong trái tim mỗi ngư dân

Ông Ngô Văn Bông trú tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại (Bến Tre) năm nay 51 tuổi nhưng có hơn 30 năm sống bằng nghề biển. Trong mỗi chuyến ra khơi, trên 2 phương tiện của ông chưa bao giờ thiếu vắng lá cờ Tổ quốc. Đối với ngư dân này, hình ảnh cờ Tổ quốc như cổ vũ thêm tinh thần, sức mạnh giúp ông vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm.

Ông Bông bày tỏ: “Gắn bó với biển khơi từ khi mới 16 tuổi, thời gian lênh đênh trên biển khai thác hải sản còn nhiều hơn ở nhà, nên với tôi biển gắn bó máu thịt. Đặc biệt, trước khi xuất bến ra khơi, ngư dân chúng tôi luôn treo lá cờ đỏ sao vàng ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất trên con tàu của mình”.

Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Nghĩa quê xã biển Lộc An, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong mỗi chuyến đi biển ông đều trang bị cho tàu cá của mình một lá cờ mới. Suốt bao năm qua, không lúc nào ông để lá cờ Tổ quốc phai màu. Ông Nghĩa cho rằng, lá cờ Tổ quốc là tượng trưng cho đất nước Việt Nam. Lúc phương tiện ra biển đánh bắt, mỗi lá cờ là một cột mốc sống động, như nhân lên sức mạnh cho ngư dân.

“Biển, đảo của mình đến đâu thì cờ của Tổ quốc mình có mặt đến đó”, ông Nghĩa khẳng định.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 5.500 tàu cá, trong đó, có gần 2.900 phương tiện khai thác xa bờ (chiều dài tàu 15m trở lên). Các phương tiện chủ yếu hoạt động các nghề lưới kéo (giã cào), nghề chụp, nghề vây, lồng bẫy, nghề hậu cần thủy sản.

Việc khai thác thủy sản trên biển là nghề mưu sinh, nhưng mỗi ngư dân đều ý thức rõ sứ mệnh mà Tổ quốc giao cho mình. Mỗi chiếc tàu treo cờ Tổ quốc như một cột mốc sống động, vững chãi trên sóng biển ngàn trùng.

Đại úy Trần Minh Nghĩa, chính trị viên đồn Biên phòng Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói: “Hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Tây Nam Bộ, thông qua hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay, ngư dân nhận ra nhau, chia sẻ thông tin ngư trường đánh bắt, hỗ trợ nhau trong khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

Đặc biệt, chính sự hiện diện của lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới các vùng biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế biển, mà còn tiếp thêm sức mạnh, khơi dậy tinh thần yêu nước của ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng”. 

Với ngư dân Ngô Văn Bông, cờ Tổ quốc là “báu vật” không thể thiếu trong mỗi chuyến vươn khơi.

Với ngư dân Ngô Văn Bông, cờ Tổ quốc là “báu vật” không thể thiếu trong mỗi chuyến vươn khơi.

Không vi phạm vùng biển nước ngoài

“Mỗi phương tiện trước khi xuất bến tôi đều trang bị 2 đến 4 lá cờ Tổ quốc để thay mới khi bị bạc màu, rách, hỏng. Đặc biệt, bản thân không trực tiếp tham gia khai thác, đánh bắt trên biển, nhưng phương tiện của gia đình đang đánh bắt vùng biển nào, tọa độ bao nhiêu, thông qua định vị tôi đều nắm rõ.
Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các thuyền viên không được làm trái các quy định của pháp luật, không thể vì lợi ích trước mắt mà phá hủy đi công sức gây dựng bấy lâu”, ông Phạm Văn Đẹp, trú tại xã Bình Thắng khẳng định.

Ở các tỉnh Tây Nam Bộ, có những tàu cá mỗi lần ra khơi phải từ 2 đến 4 tháng mới cập cảng. Vì vậy để ngư dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, trước khi tàu cá xuất bến, lực lượng Biên phòng đều phối hợp với cán bộ Tổ kiểm soát nghề cá tại các bến cảng tuyên truyền, phổ biến các quy định trong đánh bắt thuỷ sản cho các thuyền viên trên tàu.

Đồng thời yêu cầu ngư dân viết cam kết đánh bắt đúng theo tọa độ cho phép, không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tại địa bàn huyện Bình Đại có hơn 1.100 phương tiện tàu thuyền, với gần 600 tàu cá đánh bắt xa bờ. Đến nay có 544 phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Chỉ tính riêng trong khoảng 1 năm trở lại đây cán bộ đồn Biên phòng Cửa Đại đã tổ chức tuyên truyền cho gần 2.000 lượt ngư dân về các quy định trong quá trình khai thác, đánh bắt trên biển.

Trong đó tập trung vào các nội dung như: Sơ đồ phạm vi các vùng biển Việt Nam; chính sách của một số quốc gia có liên quan trong việc xử lý ngư dân, tàu cá nước ngoài vi phạm; tác động của “thẻ vàng” EC đối với xuất, nhập khẩu thủy sản, Điều 60 Luật Thủy sản quy định 14 hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp;...

Đại úy Nguyễn Thành Năng, chính trị viên đồn Biên phòng Cửa Đại nói: “Cán bộ phụ trách tại khu vực các cảng cá luôn duy trì nghiêm hoạt động kiểm soát, kiểm tra tất cả các phương tiện đánh bắt xa bờ.

Các phương tiện hành nghề có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Nếu như có phương tiện trước khi xuất bến không có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, sẽ không được phép ra khơi. Điều đáng mừng là hiểu và nắm rõ các quy định, nên ngư dân đều chấp hành nghiêm”.

Đặc biệt, để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, cán bộ đồn Biên phòng Cửa Đại đã phối hợp với các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh Bến Tre tổ chức tặng hơn 1.500 lá cờ Tổ quốc, 200 tấm ảnh Bác Hồ, gần 300 bồn chứa nước cho ngư dân huyện Bình Đại. Những món quà ý nghĩa đó đã kịp thời động viên bà con vững tâm theo nghiệp biển khơi.

Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà ngư dân huyện Bình Đại đã am hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nhất là vấn đề bảo vệ chủ quyền vùng biển của đất nước. Đặc biệt, thời gian qua, nhờ kết nối thông suốt hệ thống bộ đàm nên khi phát hiện vật lạ, tàu lạ xuất hiện trên vùng biển Tây Nam Bộ ngư dân đã thông báo kịp thời cho lực lượng Biên phòng để kịp thời nắm bắt, xử lý.

Trung tá Huỳnh Trung Dũng, Đồn trưởng đồn Biên phòng Cửa Đại nói: “Mỗi phương tiện đánh bắt trên biển đều thể hiện tinh thần trách nhiệm rất tốt.

Ra khơi, mỗi ngư dân không chỉ khai thác thủy sản, phát triển kinh tế mà họ còn đồng hành với các lực lượng trên biển, là “tai mắt” của lực lượng Biên phòng, cùng góp phần canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, trong hơn 1 năm qua, không còn tình trạng ngư dân huyện Bình Đại vi phạm vùng biển nước ngoài”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.