Ngựa gỗ thành Troy
Theo thần thoại Hy Lạp, con ngựa gỗ góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân Hy Lạp ở thành Troy sau 10 năm vây hãm không hiệu quả. Khi sức mạnh quân sự không thể khuất phục, quân Hy Lạp tháo dỡ tàu chiến, dựng thành một con ngựa khổng lồ bằng gỗ rỗng ruột. Trước khi rút lui, quân Hy Lạp để lại con ngựa gỗ cùng một người có nhiệm vụ đánh lừa binh sĩ thành Troy rằng nó là sự đền bù cho bức tượng bị phá hủy của họ.
Người ta hồ hởi kéo con ngựa gỗ vào thành mà không biết rằng nó chứa đầy binh lính tinh nhuệ của kẻ thù. Khi quân thành Troy no say sau bữa tiệc chiến thắng, binh sĩ trong bụng ngựa thoát ra ngoài, mở cổng thành để quân Hy Lạp tiến vào đánh chiếm. Thành Troy bị hạ do binh sĩ không kịp trở tay ứng phó.
Bucephalus
Đây là một trong những con ngựa bất kham nhất thời Alexander Đại đế. Không chiến binh nào có thể cưỡi lên mình nó. Khi cha Alexander cho phép ông chọn bất kể con ngựa nào mình muốn, ông đã chọn Bucephalus và thuần hóa nó trở thành con ngựa chiến gắn liền với tên tuổi của mình.
Chiến mã Bucephalus cùng Alexander Đại đế. Ảnh: Wikipedia.
Mặc dù những người trước đó không thể cưỡi lên mình Bucephalus nhưng Alexander lại dễ dàng thuần hóa con vật. Ông nhận ra con ngựa sợ cái bóng của chính mình. Để giải quyết vấn đề này, Alexander thường hướng con ngựa về phía mặt trời để nó không hoảng sợ. Sau khi trở thành chiến mã, Bucephalus đã cùng chủ chiếm thành phố Bucephala, một trong những chiến công lẫy lừng của Alexander Đại đế.
Nelson
Nó là chiến mã của George Washington, tổng thống đầu tiên của Mỹ. Con ngựa còn có biệt danh là Old Onzie. Tổng thống Washington mua Nelson năm 1779 và vô cùng yêu quý nó. Ông thích con ngựa này bởi nó khá lì lợm và khó bị kích động bởi âm thanh trận mạc.
Nelson, chiến mã của Tổng thống George Washington. Ảnh: Wikipedia.
Con ngựa sát cánh cùng George Washington trong trận chiến ở thung lũng Forge và Yorktown, trận đánh quan trọng nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông. Washington đang ngồi trên lưng Nelson khi người Anh đầu hàng. Sau chiến tranh, Nelson và một con ngựa chiến khác của Washington là Blueskin được đưa tới sống ở núi Vernon, nơi chăm sóc thú cưng của tổng thống.
Marengo
Đây là con ngựa chiến nổi tiếng nhất của Hoàng đế Napoleon Bonaparte. Ông đặt tên nó theo địa danh Marengo, nơi Napoleon giành chiến thắng vang dội năm 1800. Nó gắn bó cùng ông trong trận Austerlitz, trận Jena - Auerstedt, trận Wagram và trận Waterloo, trận chiến khép lại sự nghiệp cầm quân lẫy lừng của vị hoàng đế người Pháp. Con ngựa bị thương 8 lần trong những năm tháng ra trận cùng Napoleon.
Chiến mã Marengo cùng Hoàng đế Napoleon Bonaparte. Ảnh: Wikipedia.
Sau khi Napoleon bại trận, Marengo bị bắt và bán cho một trung tá người Anh. Con ngựa qua đời vì già yếu năm 1831, khi nó 37 tuổi. Người ta bảo quản gần như toàn bộ bộ xương của con vật và chuyển nó tới trưng bày tại Bảo tàng Quân sự Quốc gia ở Chelsea, London, Vương quốc Anh.
Copenhagen
Đây là tên con chiến mã của Công tước Arthur Wellesley, người dẫn đầu cuộc tấn công chống lại Hoàng đế Napoleon Bonaparte trong trận Waterloo. Copenhagen đưa vị công tước xứ Wellington băng qua làn đạn của quân Pháp, dẫn tới chiến thắng vang dội của quân Anh.
Chiến mã Copenhagen. Ảnh: Wikipedia.
Công tước Arthur Wellesley nhận xét, con ngựa Copenhagen rất khéo léo cùng sức chịu đựng dẻo dai. Sau khi chiến tranh kết thúc, người ta coi nó là báu vật quốc gia và đưa về nuôi tại một trang trạng ở London. Những năm cuối đời, Copenhagen bị điếc và mù. Tuy nhiên, con vật vẫn sống tới 27 tuổi. Đích thân Công tước Arthur Wellesley tới giám sát việc chuẩn bị chôn cất con ngựa theo nghi thức danh dự dành cho một quân nhân.