Những cô dâu hạnh phúc vì bỏ trốn thành công trước ngày cưới

GD&TĐ - Chỉ còn một ngày nữa sẽ đi làm dâu, Lan bỏ trốn lên Sài Gòn và chỉ trở về khi đã có thai với bạn trai.

Những cô dâu hạnh phúc vì bỏ trốn thành công trước ngày cưới

Cho đến nay, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM vẫn còn nhớ như in câu chuyện anh Minh (lúc đó 25 tuổi, Kiên Giang) gọi đến nhờ tư vấn ba năm trước, làm sao có thể đối diện với sự thật, khi mình phải hủy hôn.

“Giọng cậu ấy rất buồn và hoảng hốt. Tôi chỉ biết khuyên câu ấy hãy gọi điện xin lỗi khách mời và thông báo, hoãn thời gian tổ chức tiệc lại, để sự việc cứ thế dần quên lãng. Còn mình thì phải mạnh mẽ, vui vẻ, lạc quan và tiến tới tìm hiểu người khác”, vị chuyên gia nhớ lại.

Anh Minh và chị Lan (23 tuổi) là người cùng làng. Hai gia đình rất thân thiết, môn đăng hộ đối. Ngay từ bé, hai trẻ đã được bố mẹ hứa hôn cho nhau. Nhưng Lan bước vào tuổi đôi mươi thì phải lòng anh Quyền, hơn 4 tuổi, ở làng bên, gia đình không khá giả.

Mối tình của họ không được bố mẹ chị Lan chấp nhận. Ông bà một hai ép con gái phải cưới anh Minh. Dù đồng ý, nhưng khi chỉ còn một ngày nữa là lên xe hoa, Lan đã bỏ trốn lên Sài Gòn làm công nhân, mặc hai gia đình tìm kiếm khắp nơi. Anh Minh rất đau buồn vì bị tuột tay người con gái mình thầm thương nhớ bao năm. Suốt mấy tháng liền, anh chỉ biết tìm đến rượu để giải sầu.

Còn chị Lan, biết phía nhà trai hủy hôn mới trở về, xin làm đám cưới với bạn trai mới, vì đã mang thai ở tháng thứ tư. Đau buồn, nhưng nhìn thấy con gái hạnh phúc, được chồng thương yêu và sắp được làm ông bà, bố mẹ chị đã chẳng thể làm khác.

Theo bà Hoa, chuyện những cô dâu đột ngột bỏ trốn, nhà trai phải hủy hôn xảy ra rất nhiều, nhất là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Chị đã từng tư vấn cho nhiều khách hàng tương tự. Họ không chỉ là cô dâu, chú rể mà còn có cả các bậc phụ huynh tìm đến xin ý kiến. Riêng các cô dâu thường rất vui khi đạt được mục đích.

Cũng có không ít chú rể chủ động huỷ hôn, mà theo thạc sĩ Hoa, thường rơi vào ba trường hợp: Một - họ là người đồng tính. Ban đầu, họ chấp nhận yêu và làm đám cưới với một cô gái là do gia đình ép và để che mắt thiên hạ. Nhưng đến ngày vui, các chàng nhận ra nếu cứ tiếp tục đóng kịch thì sẽ gây nhiều nỗi đau cho người trong cuộc.

Trường hợp thứ hai là người song tính. Họ có thể yêu cùng lúc cả nam và nữ. Những cô dâu bị từ chối ở hai trường hợp này thì hãy biết ơn, vì mình là người may mắn. Bởi nếu cứ cố tình che dấu sự thật thì bước vào cuộc sống gia đình sẽ trải qua vô vàn khó khăn. “Có nhiều đôi cố tình cưới, nhưng chỉ sống với nhau thời gian ngắn là đưa nhau ra tòa chia tay trong thù hận”, bà Hoa nói.

Cuối cùng là những chú rể nhận ra người vợ tương lai ngoại tình trước hôn nhân hoặc các cô dâu bỏ trốn khi bị gia đình ép, như câu chuyện của anh Minh. Những bậc cha mẹ thường ép con gái phải cưới người người đàn ông ngoại quốc, hoặc có gia cảnh giàu có trong làng...

Hai năm trước, cả gia đình anh Luân (An Giang) và gia đình thông gia hụt đều cầu cứu nhà tư vấn Minh Hoa để tìm cách buộc Linh về làm cô dâu, vì cô đã bỏ trốn trước đám cưới hai ngày. Họ cho biết, hai gia đình đã chuẩn bị xong tất cả các khâu cho bữa tiệc chung đôi của các con, vậy mà lại gặp cảnh tréo ngoe. Sau khi hoãn đám cưới, xin lỗi từng khách mời, họ muốn cô dâu phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Còn người con gái ở tuổi 21 thì một hai không về, vì chẳng muốn lấy một người mà không có tình yêu. Cô chỉ muốn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn của mình.

“Đây là trường hợp rất đau buồn của những người trong cuộc khi phải đối diện với bạn bè, người thân và hàng xóm. Tôi chỉ biết khuyên họ, hãy tôn trọng quyết định của con, vì nếu lập gia đình trong cảnh bị ép buộc sẽ không hạnh phúc”, bà Hoa kể.

“Để hạnh phúc được trọn, các cặp đôi khi yêu nhau hãy tìm hiểu người bạn đời mình thật kỹ thông qua bạn bè, gia đình. Nếu có chuyện thầm kín khó xử thì hãy mạnh dạn nói ra cho gia đình, người yêu để có hướng giải quyết đẹp lòng hai bên. Nếu sự việc đã rồi thì hãy xin lỗi người thân, khách mời và hãy mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau. Bởi vì, chẳng ai muốn gieo uất hận cho người khác và một mình gặm nhấm nỗi cô đơn”, vị chuyên gia khuyên.

Bà cũng cho rằng, là cha mẹ thì nên để con tự quyết định về người bạn đời của mình. Chuyện ép cưới trong xã hội hiện nay đã lạc hậu và không phù hợp.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.