Mua thuốc Đông… bán thuốc Tây
Ngày 27/5, trong vai là bệnh nhân tìm đến mua thuốc, Báo GD&TĐ đã liên hệ với “lương y Vương Đình Thạc” thứ 2 qua số điện thoại: 0979.442.326.
Vị “thần y” này cho biết hiện tại dịch bệnh Covid-19 ở Điện Biên đang diễn biến phức tạp nên “nhà thuốc chưa thể mở cửa”. Theo phản ánh, một phụ huynh có tên N.K.T (Long Biên, Hà Nội) đã bị vị “thần y” này lừa dối.
“Ông ta tư vấn rằng đó là bài thuốc gia truyền từ nhiều đời. Thấy bảo phải lên rừng, đi hái đâu hơn 60 loại thảo dược về trộn vào nhau. Nhưng chỉ hai ngày sau là họ đã gửi “shipper” mang đến tận nhà cho mình 4 cái hộp, mỗi hộp 60 viên.
Khi mở ra thì nó như thuốc Tây, dạng viên con nhộng. Tôi cũng nghi ngờ rằng phải đi rừng xa, lấy hơn 60 loài thảo dược về tinh chế gì mà nhanh thế!”, chị N.K.T nói.
Nhận được 4 hộp “thuốc” về, chị T đã kiểm tra rồi “ngã ngửa” khi biết rằng “thuốc” mà chị nhận được lại là thực phẩm chức năng do Công ty Cổ phần sản xuất dược phẩm liên doanh Việt Pháp, có địa chỉ tại thôn 5, xã Song Phong, huyện Hoài Đức, Hà Nội sản xuất.
Trên bao bì có ghi tên sản phẩm là “An dương huyết” với chức năng “hỗ trợ giảm đường huyết, giúp giảm nguy cơ biến chứng do đái tháo đường”. Nhà sản xuất cho biết, giá của sản phẩm này trên thị trường được bán là 90 nghìn đồng/1 hộp, trong khi chị N.K.T phải mua với giá 650 nghìn đồng/1 hộp.
“Ban đầu khi tôi đề nghị gửi tiền qua chuyển khoản vì xa xôi, tôi lại không đi ra ngoài rút tiền được nhưng họ không nghe. Họ bảo sẽ chuyển thuốc đến tận nhà và lấy tiền mặt. Nhận thuốc xong, gia đình có liên lạc bằng số mà chồng tôi vẫn hay gọi với họ nhưng họ không nghe máy.
Tôi mới lấy số lạ gọi thì họ nghe. Khi đó tôi thắc mắc vì sao đặt thuốc Đông y mà họ lại cho thuốc dạng viên con nhộng với vài thành phần thảo dược. Họ nói là nếu đang uống thuốc Tây thì uống kèm thuốc này khoảng 1 tuần rồi bỏ thuốc Tây. Đó là liệu trình thứ nhất.
Sau khi hết 4 hộp này thì sẽ đến liệu trình nâng cao. Uống khoảng 2 - 3 tháng là dứt điểm bệnh tiểu đường. Vì sản phẩm không được quảng bá và tôi cũng không biết đó là gì nên mua về cũng chẳng dám dùng”, chị N.K.T kể lại.
Không chấp nhận bị lừa, chị N.K.T đã liên hệ với cơ sở sản xuất để tìm lời giải đáp. Một người phụ nữ ở đầu dây bên kia đã tiếp nhận thông tin và nhận trách nhiệm với sản phẩm của mình.
“Lúc tôi gọi, cô ấy cho biết là người bên phía công ty sản xuất. Sau một hồi thắc mắc, cô ấy xác nhận đấy là sản phẩm của công ty mình. Sau khi tôi cung cấp thông tin giao dịch, cô ấy bảo là đã kiểm tra và xác định được đại lý bán sản phẩm cho tôi. Cô ta cũng khẳng định rằng phía công ty sẽ họp và không cho người đó bán sản phẩm nữa.
Trong khoảng 3 ngày tới, nếu “đại lý” đó không hoàn trả số tiền thì bên phía công ty sẽ trả lại cho tôi. Chẳng biết thế nào, chỉ khoảng nửa tiếng sau là có người chuyển khoản số tiền 2,6 triệu đồng cho tôi rồi”, chị N.K.T kể lại.
Có tổ “chuồn chuồn”?
Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, chị N.K.T tin rằng sẽ có ông “Vương Đình Thạc” thật nên quyết tâm tìm kiếm. Càng tìm thì chị T càng thấy có nhiều uẩn khúc với vị “lương y ma” này.
Trên trang “yhocvacuocsong.com” cũng một ông “Thạc” khác xuất hiện với số máy “0927.023.760”. Vị “thần y” này cũng cho khách hàng biết thông tin liên hệ tại: “Phòng khám và chuẩn trị y học cổ truyền Vương Đình Thạc, địa chỉ: Bản Hồi Hương, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên”.
Rất nhiều hình ảnh bắt mắt được gắn logo của các cơ quan truyền thông uy tín trên mỗi hình ảnh điều trị với số đông người bệnh tham gia như để tạo thêm sự tin tưởng cho khách hàng. Kèm theo đó là vài hình ảnh của một người đàn ông ở độ ngoài 50 với mái đầu bạc phơ như đang “bắt mạch”, “tư vấn” cho người bệnh.
Báo GD&TĐ liên hệ với ông “Vương Đình Thạc” thứ 3 theo số điện thoại: “0927.023.760” để “cắt thuốc” điều trị thì đầu dây bên kia có một người nam giới nghe máy. Người này có hỏi han sơ qua về bệnh tình.
Sau ít phút trao đổi ngắn gọn, người kia cho biết “sẽ chuyển máy cho thầy để nói chuyện”. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi và thường xuyên liên lạc trở lại thì đầu dây bên kia liên tục báo “máy bận”.
Việc một khách hàng (Báo GD&TĐ) chủ động liên hệ tìm sự hỗ trợ của thầy thuốc song đã nhận lại sự thờ ơ bên phía thầy lang…
“Họ “chăm sóc” kỹ lắm. Ban đầu khi nghe, biết rằng có người cần chạy chữa thì cậu “phụ tá” đó nói là sẽ liên hệ với thầy để thầy tư vấn và điều trị. Họ sẽ chủ động gọi mình ngay”, chị N.K.T kể lại.
“Hôm tôi gọi, ông “phụ tá” bảo: “Em đang ở Hòa Bình, không có ở chỗ bác (Thạc - PV). Bác đang khám bệnh cũng đông, giữa trưa chị gọi lại”. Thế nhưng chỉ một lúc sau lại thấy một ông giới thiệu là thầy Thạc gọi bằng số điện thoại của cậu kia rồi nói chuyện, hỏi han bệnh tình.
Cách đó vài phút thì cậu kia bảo một người ở Điện Biên, người còn lại ở Hòa Bình. Tôi hỏi vì sao lại gặp nhau nhanh thế, trong khi cách xa nhau những mấy trăm cây số thì họ ậm ờ”, chị N.K.T chia sẻ.
Trước khi liên lạc với ông “Thạc” thứ 3, Báo GD&TĐ đã liên hệ với chủ thuê bao 0888.662.998 (đại diện Công ty Cổ phần sản xuất dược phẩm liên doanh Việt Pháp) cho biết là người thuộc Báo GD&TĐ trao đổi để làm rõ thắc mắc của chị N.K.T về sản phẩm của công ty.
Đồng thời đề nghị bên phía công ty cho biết lý do vì sao lại sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm khi khách hàng không trực tiếp mua sản phẩm với nhà sản xuất (?) thì người phụ nữ kia trả lời ngắn gọn: “Em đang bận”. Người này cũng cho biết vắn tắt rằng: “Đó là sự hiểu lầm”.