Những chiến dịch nữ quyền kỳ quặc: Nỗi kinh hoàng của một nửa thế giới

GD&TĐ - Valerie Jean Solanas (1936 – 1988) là nhà hoạt động nữ quyền người Mỹ theo xu hướng cực đoan. Một trong những văn bản mà bà đã soạn thảo làm kinh hoàng phái mạnh, đó là “Tuyên ngôn rác rưởi” (SCUM Manifesto). 

Những chiến dịch nữ quyền kỳ quặc: Nỗi kinh hoàng của một nửa thế giới

Sinh tại New Jersey (Mỹ), sau khi người cha qua đời, Solanas có một tuổi thơ cay đắng với người mẹ và cha dượng. Cô bé được gửi tới ở cùng ông bà. Không lâu sau, cô bé chạy trốn khỏi nhà vì bị người ông nghiện ngập đối xử tàn nhẫn. Những năm 1950, Solanas dần gia nhập cộng đồng đồng tính.

Cô gái theo học và tốt nghiệp Khoa Tâm lý ĐH Maryland bắt đầu viết bản “Tuyên ngôn”. Valerie Solanas tạo nên dấu ấn của mình vào những năm 60 sau khi công bố văn bản của mình, trong đó cho rằng đàn ông chịu trách nhiệm về mọi điều sai trái trên thế giới.

Trong bản “Tuyên ngôn” của mình, Solanas trút cơn thịnh nộ về phía những người thuộc giới bên kia với vô số lời mạt sát thậm tệ. Để khắc phục những vấn đề xấu xa còn tồn tại trên thế giới, Solanas đề xuất… hủy diệt sự sống trên thế giới và tạo nên một xã hội hoàn toàn nữ; đồng thời kêu gọi nữ giới lật đổ chính quyền, vô hiệu hóa hệ thống tiền tệ, tự động hóa hệ thống đào tạo và… hạn chế tình dục của nam giới.

Dưới ảnh hưởng của bản “Tuyên ngôn” của Solanas, nhà hoạt động nữ quyền Roxanne Dunbar đã thành lập một tổ chức quân đội nữ gọi là Cell 16, đồng thời đăng tin tuyển người cho “Mặt trận Phụ nữ Tự do” trên một tờ báo kín.

Các thành viên của tổ chức Cell 16 được huấn luyện một cách nghiêm ngặt, với chủ trương không khoan nhượng. Các thành viên Cell 16 đều tin rằng tình dục khác giới là không bình thường, trái tự nhiên và tự giải quyết các nhu cầu tình dục trong xã hội toàn nữ giới của mình. Mặc dù gây ảnh hưởng rộng rãi, nhưng dần dần Solanas cũng từ bỏ tư tưởng của mình. Thay vào đó, nhân vật này lập kế hoạch hành động riêng cho mình.

Giữa những năm 1960, Solanas chuyển đến New York làm nghề viết tự do. Solanas gặp Andy Warhol và mời anh tham gia vở kịch của mình. Solanas đưa cho anh kịch bản, sau đó buộc cho Andy đánh mất bản thảo, đã thể hiện sai tinh thần vở kịch và yêu cầu bồi thường bằng tiền. Để giải quyết vấn đề, Warhol mời Solanas tham gia bộ phim “I, a man” (Tôi là một người đàn ông) với thù lao… 25 USD. 

Năm 1967, Solanas tự xuất bản cuốn sách của mình. Giám đốc Nhà xuất bản Olymia Maurice Giroidias mời Solanas tiếp tuc viết sách. Bản hợp đồng với Maurice Giroidias khiến Solanas tin rằng Giroidias cùng Warhol âm mưu cướp đoạt “tác phẩm” của mình, năm 1968, Solanas tìm mua một khẩu súng.

Ngày 3/6/1968, Solanas tìm Warhol và nổ súng 3 lần, sau đó nhằm bắn nhà phê bình nghệ thuật Mario Amaya và tiếp tục tấn công người quản lý của Warhol là Fred Hughes, nhưng khẩu súng bị tắc. Solanas tới cảnh sát nộp súng và bị kết tội mưu sát, tấn công và sở hữu súng trái phép. Sau này, được chẩn đoán bị hoang tưởng tâm thần phân liệt, Solanas chỉ chịu án 3 năm tù giam. Sau khi ra tù, Solanas vẫn tiếp tục quảng bá bản tuyên ngôn của mình và qua đời năm 1988 ở San Francisco.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ