Những câu chuyện “nổi da gà” của người phụ nữ ven sông Hồng

Hơn 40 mươi năm, bà Trần Thị Bình (ở Thụy Phương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) làm cái nghề lặng lẽ, dị biệt - vớt xác các nạn nhân sa sẩy ở sông Hồng để gia đình họ an táng. Bằng đó năm làm nghề chẳng ai muốn theo để lại cho bà nhiều câu chuyện không thể nào quên.  

Những câu chuyện “nổi da gà” của người phụ nữ ven sông Hồng

Nghiệp tự vấn vào thân

Ngôi nhà tuềnh toàng của mẹ con bà Trần Thị Bình nằm cuối con xóm nhỏ, gần sát mép sông Hồng, cách cầu Thăng Long chừng mấy cây số. Hơn 40 năm nay, người dân ở khắp nơi đều biết đến “bà Bình vớt xác” bởi bà làm cái “nghề” đặc biệt này.

Trên sông Hồng, nhiều người làm nghề chài lưới, nhưng chỉ có bà Bình làm cái nghề đặc biệt này. Hỏi bà đã vớt được bao nhiêu cái xác, bà xua xua tay: “Làm sao tôi nhớ hết. Làm nghề này mấy chục năm, tôi chỉ nhớ bắt đầu vớt được cái xác đầu tiên năm mười mấy tuổi. Năm nay tôi đã 63 tuổi rồi. Nghề này tự vấn vào thân sau khi tôi vớt được cái xác đầu tiên ấy. Tôi thấy mình làm được việc đó nên cứ có người nhờ thì làm, hoặc thấy xác thì vớt. Lâu dần thành biệt hiệu “bà Bình vớt xác” từ khi nào”.

Bà Bình lẩm bẩm ước tính: “Mỗi năm tôi cũng vớt được chừng trên dưới 10 người. Mà tôi làm nghề này đã hơn 40 năm rồi, số xác vớt được có khi lên tới cả trăm rồi ấy chứ. Phần đa là người tự tử, trong số đó có rất nhiều thanh niên. Thật xót xa”.

Những tưởng khi làm nghề vớt xác trên sông, bà sẽ trang bị những dụng cụ đặc biệt, nhưng kỳ thực lại giản đơn vô cùng. Bộ đồ nghề của bà bao năm là mấy trăm cái dây câu vương với vô vàn lưỡi sắc nhọn thả hờ mọc tua tủa như gai xương rồng.

Bà Bình cho biết, mỗi khi gia đình nạn nhân biết được tin người nhà mình tự vẫn trên sông Hồng, họ lại nước mắt ngắn dài tìm đến nhờ cậy bà. Một mình bà chèo thuyền xung quanh khu vực nơi nghi có xác, thả dây câu vương xuống, rà đi rà lại, không phải mấy giờ mà có khi hàng tuần trời.

Chúng tôi hỏi số tiền công bà được trả mỗi khi vớt được xác người, bà Bình khẽ xua tay: “Không nói đến chuyện đó. Ai lại đi tính toán tiền công chi ly làm gì. Tôi làm nghề này nhưng đâu sống nhờ vào nó. Vớt xác chỉ là công việc làm phúc làm đức. Ai thương thì bồi dưỡng. Ai không nghĩ đến cũng không sao. Có nhà nghèo quá, tôi phải mua giúp đồ khâm liệm cho họ nữa”.

Bất lực trước dòng sông “nuốt người”

Bà Bình chia sẻ: “Tôi làm đủ việc để cầm cự cuộc sống, chắt chiu, dành dụm để sống qua ngày. Ông nhà mất rồi, tôi chỉ có mỗi một mình, khổ lắm. Nhưng bù lại, con cháu được đến lớp đến trường là cũng thấy vui rồi”.

Dù ngày nắng hay mưa, bất cứ khi nào có người tìm đến cậy nhờ bà tìm xác là bà quên hết bệnh tật. Nói đến làm việc khác thì bà ngại đụng chân đụng tay, nhưng nói đến sông nước là bà tươi tỉnh, hăm hở lạ kì.

Tháng trước, có một bà mẹ tìm đến nhà xin bà giúp gia đình tìm con gái. Đó là một cô gái tuổi đời còn rất trẻ, chỉ vì một phút bồng bột đã gieo mình xuống dòng sông tự tử. Nước sông dâng cao, cuộn xoáy, réo rít ầm ào nhìn đã thấy choáng. Bà bơi thuyền thả dây câu vương dọc một đoạn sông mấy cây số mà mãi không tìm thấy.

Vừa thất vọng vừa thấy như có lỗi với gia đình nạn nhân. Còn người mẹ cô gái cứ đứng trên bờ khóc ngất đi, cầu xin con hãy sống khôn thác thiêng nổi lên để gia đình “đón” con về mai táng cho chu toàn, cẩn thận.

Cuộc đời của bà Bình ít có khi nào được thư thả, luôn là những ngày hối hả với công việc. Có thời điểm bà xếp đồ ăn, thức uống, đi miết dọc con sông đến mấy tháng liền với chiếc lưới cào móc. Có những thi thể khi dùng móc quăng, mới chỉ động vào thân thể đã rã rời. Trong tình huống ấy, bà chỉ còn cách là “vớt vát được chút thi thể nào hay chút đó”. Tay cầm chiếc lưới với tua tủa những chiếc móc, bà Bình nói rằng, chiếc lưới câu này đã gắn bó với bà biết bao kỉ niệm trong mấy chục năm làm nghề đặc biệt này.

Nghe xong câu chuyện ấy, chúng tôi chỉ thầm mong cho bà luôn “chân cứng, đá mềm”, tiếp tục làm công việc thầm lặng để cuộc đời bớt đi những tiếng khóc giữa dòng nước xoáy vô vọng.

Theo giadinh.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ