Đón Tết tại trường
Cô Chu Thị Hòa quê ở Tuyên Quang, hiện đang công tác tại Trường Mầm non xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ - Hà Giang) bùi ngùi chia sẻ: Thực hiện theo công văn chỉ đạo phòng chống dịch, yêu cầu cán bộ, công chức gương mẫu trong việc hạn chế đi lại nên bản thân và một vài đồng nghiệp ở lại trường không về quê đón Tết.
“Từ cuối tháng 8 đầu tháng 9 em chưa về thăm nhà lần nào. Với GV quê xa chỉ trông đợi vào dịp nghỉ hè và Tết mới về. Mặt khác, bố mẹ hai bên đều gần 80 tuổi, sức khỏe yếu, con nhỏ… Lúc đầu nghĩ đến không về Tết chỉ khóc vì nhớ nhà và tủi thân. Nhưng vì trách nhiệm phòng chống dịch, sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội nên cũng dần nguôi ngoai và đỡ buồn. Gia đình nội ngoại, chồng con cũng đã hiểu và động viên ở lại trường. Đây là lần đầu tiên trong 40 năm qua em đón Tết xa nhà” – Cô Hòa chia sẻ.
Cô Lánh Thị Hằng quê xã Quý Quân huyện Hà Quảng, Cao Bằng cũng đang công tác tại Trường Mầm non xã Cán Tỷ cho rằng đây là cái Tết đặc biệt của cô và con trai 5 tuổi. Mọi năm dù từ nơi công tác về nhà hơn 300km, đi cả ngày đường tàu xe nhưng cô đều về quê đón Tết cùng bố mẹ, chồng con. Năm nay, vì Covid-19 cô đành ở lại trường để đảm bảo an toàn cho con, cho bản thân và xã hội.
“Nhớ nhà lắm chị ạ. Bố mẹ cũng có tuổi, sức khỏe yếu. Chồng em làm việc tận Thái Nguyên, vợ chồng, cha con ít được đoàn tụ dài ngày. Năm rồi em chỉ về nhà dịp hè rồi trở lại trường công tác tới nay đã 6 tháng… May mà mọi người đều hiểu và động viên mẹ con em ở lại đón Tết tại địa phương. Em vắng nhà, mọi việc trong gia đình đều do chồng em quán xuyến…”- cô Hằng chia sẻ.
Được biết, sáng 26 Tết, 2 cô đã đi chợ mua được ít lá dong, thịt, đỗ… về chuẩn bị gói 5-6 cái bánh chưng. Ngoài ra, các cô mua tích sẵn lương thực, thực phẩm cho gần 2 tuần nghỉ Tết bởi trường ở cách xa dân cư, chợ của bà con dân tộc cũng ngoài rằm mới hoạt động. Tinh thần của 2 chị em đã vui vẻ và chấp nhận. “Hết dịch chúng em sẽ thu xếp về thăm gia đình sau. Trước mắt việc ở lại địa phương cũng là góp phần cùng xã hội phòng, chống dịch…” – Cô Hòa hồ hởi bày tỏ.
Cô Hằng cho biết thêm: Trong những ngày nghỉ Tết tại địa phương cả 2 cô sẽ tích trong công tác phòng chống, dịch. Đối với phụ huynh HS, sẽ cập nhật tình hình mới nhất về dịch bệnh, nhắc nhở và hướng dẫn cách phòng chống dịch cho trẻ tại nhà thông qua nhóm zalo. Mặt khác, kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến từng thôn xóm các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thức của bà con dân tộc trong việc đeo khẩu trang khi ra đường, dùng nước sát khuẩn, không tụ tập…
Sẻ chia trách nhiệm
Không chỉ những GV ở lại đón Tết gương mẫu trong công tác phòng chống dịch, nhiều thầy cô là người địa phương cũng tự giác, chủ động gánh vác công việc phòng dịch.
Theo thầy Thào A Giăng, người dân tộc Mông công tác tại trường PTDTBT TH xã Sín Chéng (Si Mai Cai – Lào Cai) chia sẻ: Hiện tại mọi hoạt động tập trung đông người, lễ hội, trò chơi tập trung đông người… đã được chính quyền địa phương thực hiện tạm ngừng để giữ khoảng cách. Người dân cũng đã nâng cao nhận thức về dịch bệnh, biết sợ dịch, hạn chế ra đường, và khi ra đường dùng khẩu trang y tế…
Thầy Thào A Giăng cũng cho biết từ khi HS nghỉ học đã thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh qua nhóm Zalo, Facebook cho bố mẹ HS nắm tình hình; thường xuyên nhắc nhở phụ huynh và HS giữ gìn sức khỏe, không đi thăm thân, nhà nào ở nhà đó, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và phải đeo khẩu trang.
Đặc biệt, yêu cầu phụ huynh và HS không tham gia các lễ hội truyền thống, không tụ tập đông người… trong thời gian dịch bệnh. Thường xuyên liên lạc điện thoại với trưởng thôn xóm để nắm bắt tình hình sức khỏe và công tác phòng, chống dịch từ HS và gia đình.
“Mong dịch bệnh sớm được dập để sau Tết thầy trò sớm trở lại trường lớp, bắt nhịp ngay cùng học tập. Việc nghỉ học dài ngày sẽ vất vả cho cả GV và HS trong việc đảm bảo chương trình, ôn lại kiến thức cũ…”- Thầy Thào A Giăng bày tỏ
Cô Trịnh Thị Hương Nhài – Hiệu trưởng Trường MN Thanh Thủy (huyện Thanh Hà – Hải Dương) cũng cho biết: Trường nằm trong địa phương có dịch nên BGH yêu cầu GV không chỉ nghiêm túc phòng chống dịch cho bản thân, gia đình mà còn phải làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch tới phụ huynh HS, người thân quen, hàng xóm tại nơi cư trú.
Dịp trước trong và sau Tết, GV phải chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe của HS hàng ngày. Yêu cầu phụ huynh theo dõi chặt chẽ, nếu trẻ có biểu hiện ho sốt… phải thông báo ngay tới GV chủ nhiệm lớp và nhà trường để giải pháp ứng phó kịp thời. Duy trì trực trường, lớp không quá 3 người/ca để bảo đảm giãn cách…
“Nằm trong vùng có dịch nên chúng tôi đã xác định tâm lý cùng GV, NV có thể 1 năm không đón Tết, công tác phòng, chống dịch phải đặt ở mức cao nhất, tránh để xảy ra lây lan ảnh hưởng tới địa phương, cộng đồng. GV hạn chế tối đa đi lại, di chuyển để phòng chống dịch cho bản thân và toàn xã hội. Nếu GV nào không nghiêm túc phòng, chống dịch và để xảy ra hậu quả nhà trường sẽ kiên quyết xử lý…” – Cô Trịnh Thị Hương Nhài khẳng định.