Những cái nhất

Những cái nhất

Lớp học tiếng Việt khổng lồ nhất

Thầy Nguyễn Thiện Nam – nguyên giảng viên khoa Tiếng Việt (Trường ĐH Tổng hợp cũ) kể lại:

Tôi từng được giao nhiệm vụ sang Campuchia để dạy tiếng Việt tại Trường ĐH Y - Dược - Nha. Mặc dù chỉ có nhiệm vụ dạy những sinh viên trong trường chuẩn bị sang Việt Nam du học nhưng chúng tôi được Ban giám hiệu trường nhờ dạy cho tất cả sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ 4, khoảng hơn 1.000 sinh viên. 

Thế là, chúng tôi phải gộp lớp lưu học sinh làm một và kiêm thêm khoảng 5 lớp, học một tuần 2, 3 buổi nữa. Những lớp này có đến 400 sinh viên, ngồi trong một giảng đường rộng mênh mông. 

Điều làm tôi hết sức lo lắng là dạy thế nào, lấy sách đâu cho đủ hơn 1.000 sinh viên hàng năm? Tôi và anh Chính – đồng nghiệp cùng được cử đi Campuchia bèn soạn những bài đơn giản hơn cùng với một giáo viên của trường biết tiếng Việt, dịch sang tiếng Khơme những từ mới và lời giải thích dễ hiểu. Chúng tôi yêu cầu lớp trưởng của từng lớp lập sổ ghi danh sách sinh viên theo từng tổ và thường gọi tên kiểm tra bất ngờ. Nếu sinh viên không thuộc bài đọc sẽ bị cho điểm kém.

Tôi đã đọc và nhờ đọc sẵn phần luyện phát âm và các bài học cùng những lời chỉ dẫn bằng tiếng Khơme. Ví dụ “Bây giờ, các bạn mở trang 20, chúng ta bắt đầu học phần từ mới.”

Có một hôm, tôi mở máy cho sinh viên đọc theo, còn tôi thử đi ra sân để nghe xem những âm thanh ấy như thế nào. Nghe hơn 400 người cùng đồng thanh đọc “Ở giữa Hà Nội có một cái hồ xinh đẹp”, lòng tôi rưng rưng trào lên một tình cảm mà khi ở Việt Nam không thể nào tôi có được. 

Thật hạnh phúc vì hàng tuần có tới trên 1.000 sinh viên học tiếng Việt ở một trường học nơi đất bạn. Tôi dám chắc đó là những lớp học ngoại ngữ tiếng Việt khổng lồ nhất trên trái đất này.

Giáo trình Tiếng Việt dành cho người nước ngoài được sử dụng trong các khóa học
Giáo trình Tiếng Việt dành cho người nước ngoài được sử dụng trong các khóa học
 

Người viết giáo trình tiếng Việt đầu tiên

Thầy Đỗ Thanh là một trong những GV đầu tiên của nhóm “Việt Ngữ” – tiền thân khoa Việt Nam học và Tiếng Việt – Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) hiện nay. Thầy Thanh nhớ lại:

Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài khi ấy là một công việc rất lạ lẫm. Khi ấy, tôi được giao nhiệm vụ soạn theo kiểu “ăn đong” giáo trình tiếng Việt, dùng cho lớp dạy tiếng Việt. Phải nói là công việc này rất nặng nề vì tôi phải mò mẫm soạn và dịch các từ mới sang tiếng Nga, rồi lại phải tự tay viết xtăng xin trên giấy nến những từ tiếng Nga đó để in rô-nê-o. Kết quả là sau một năm, tôi đã “soạn” xong giáo trình tiếng Việt đầu tiên của khoa, khoảng 300 trang.

Ngoài ra, tôi còn được phân công dạy cô I-ri-na, thực tập sinh người Lêningrat. Trước khi sang Việt Nam, cô đã học hết năm thứ 3 hoặc năm thứ 4 gì đó của khoa Phương Đông, thuộc Trường ĐH Tổng hợp Lêningrat, học trò tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn. Hàng ngày, tôi dạy cho cô tiếng Việt và giúp cô “đọc hiểu” tác phẩm Chinh Phụ Ngâm. Sau này, chính cô học trò đó là người đã dịch nghĩa “Chinh phụ ngâm” sang tiếng Nga để nhà thơ Nga nổi tiếng Antô Kônxki dịch thành thơ và đã xuất bản ở Nga.

Hải Bình

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.