Thời Ai Cập cổ đại: Lúa mì, lúa mạch, sữa mẹ, bia
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tài liệu bằng chữ tượng hình nói về việc phát hiện việc mang thai ở thời Ai Cập cổ đại. Năm 1350 trước công nguyên, ở Ai Cập, một người phụ nữa muốn biết mình có bầu hay không sẽ lấy một số hạt lúa mì và lúa mạch ngâm trong nước tiểu của mình vài ngày.
Nếu hạt lúa mạch nảy mầm, điều đó có nghĩa là người phụ nữ đó mang thai bé trai. Nếu hạt lúa mì nảy mầm thì thai nhi sẽ là bé gái. Nếu không hạt nào nảy mầm thì chứng tỏ người phụ nữ đó không có thai.
Ngoài cách thức trên, bản tài liệu cũng chỉ ra một cách khác là người phụ nữ uống sữa mẹ từ một người mẹ có con trai, sau khi uống xong nếu người phụ nữ đó nôn thì tức là cô ấy đã mang bầu.
Một thử nghiệm khác của phụ nữ thời Ai Cập cổ đại khi muốn biết mình có thai hay không là họ sẽ ăn hỗn hợp gồm bia, hạt chà là trộn đều. Nếu sau khi ăn hỗn hợp này, người phụ nữ đó nôn thì điều đó chứng tỏ cô ấy có thai.
Thời Hy Lạp cổ đại: Kiểm tra bằng mật ong
Hippocrates, một vị bác sĩ thời Hy Lạp cổ đại (năm 460 – 370 trước Công nguyên), tin rằng việc mang thai hay không có thể được tiết lộ thông qua một thức uống trước khi đi ngủ.
Ông đề cập rằng nếu một người phụ nữ khi thấy chậm kì kinh nguyệt, cô ấy nên uống một thức uống đặc biệt làm từ mật ong, nếu cô ấy có dấu hiệu đầy hơi và bị chuột rút vào ban đêm, điều có có nghĩa là cô ấy đã mang thai.
Thời Trung Cổ: Bài kiểm tra dựa trên nước tiểu
Thời Trung cổ, cách nhận biết một người phụ nữ có thai hay không là thông qua màu sắc nước tiểu của họ. Một tài liệu từ năm 1552 đã mô tả nước tiểu của phụ nữ có bầu là "có màu vàng nhạt đến trắng đục".
Một cách thử thai khác là trộn nước tiểu với rượu rồi quan sát kết quả. Bởi vì rượu phản ứng với một số protein trong nước tiểu, vì vậy thử nghiệm này có tỷ lệ chính xác nhất định. Tuy nhiên, thử nghiệm này sẽ không chính xác nếu người phụ nữ mắc một số bệnh như tiểu đường, trầm cảm hoặc ăn một số thực phẩm như cà rốt, dâu tây khiến màu nước tiểu thay đổi.
Ngoài ra, một phương pháp khác xuất hiện ở thế kỷ 15 là phụ nữ sẽ đi tiểu vào một chiếc bát có chứa chìa khóa kim loại. Sau khi chờ đợi khoảng 3-4 giờ, nếu chiếc chìa khóa sáng loáng thì chứng tỏ cô ấy đang mang bầu.
Cũng dùng nước tiểu, nhưng một số người lại dùng đến kim. Họ sẽ đi tiểu vào một cây kim, nếu sau đó cây kim bị rỉ sét đỏ hoặc đen thì chứng tỏ họ đã có “tin vui”.
Nước tiểu là một trong những công cụ được sử dụng để nhận biết việc mang thai của phụ nữ thời Trung Cổ (Ảnh minh họa)
Những năm 1500: Nhìn vào mắt
Jacques Guillemeau, một bác sĩ thế kỷ thứ 16, cho hay bạn có thể nhận biết được một người phụ nữ có mang thai hay không bằng cách nhìn vào mắt của cô ấy. Theo Jacques, đôi mắt của người phụ nữ mang thai sẽ nhìn sâu hoắm, đồng tử thu nhỏ, hai góc mắt sưng lên.
Thế kỷ 17: Sử dụng dải ruy băng ngâm nước tiểu
Một cách thử thai kỳ lạ ở thế kỷ 17 vẫn liên quan tới nước tiểu xuất hiện. Một người phụ nữ nếu nghi mình có thai sẽ đi gặp bác sĩ và tiểu vào chậu. Bác sĩ sẽ dùng một dải ruy băng, nhúng sâu vào chậu nước tiểu đó. Sau đó bác sĩ sẽ cho cô ấy ngửi dải ruy băng, nếu thấy buồn nôn thì nghĩa là cô ấy đang mang thai.
Đầu những năm 1900: Tiêm nước tiểu vào chuột hoặc thỏ
Năm 1928, các nhà khoa học người Đức là Selmar Aschheim và Bernhard Zondek đã xác định hormone trong nước tiểu phụ nữ mang thai dẫn tới sự phát triển buồng trứng. Họ đã tiến hành tiêm nước tiểu cho thỏ và chuột nhắt, nước tiểu sẽ thúc đẩy sự phát triển buồng trứng ở những con vật.
Theo mô tả trong tài liệu, họ sẽ tiêm nước tiểu vào động vật, sau 5 ngày, con thỏ hoặc chuột sẽ bị giết, họ kiểm tra tình trạng buồng trứng để kết luận xem người phụ nữ đó có mang thai hay không. Kết quả thử nghiệm được cho là khá chính xác.
Tiêm nước tiểu vào chuột hoặc thỏ là cách thử thai ở đầu những năm 1900 (Ảnh minh họa)
Cách tiên tiến nhất: Thiết bị thử thai sớm tại nhà
Đến những năm 1970, khoa học đã tiên tiến cho phép phụ nữ tự lấy nước tiểu tại nhà, sau đó mang đến bác sĩ hoặc gửi đến các phòng thí nghiệm. Các thử nghiệm cần phải tiến hành thông qua ống nghiệm và sự pha trộn hóa chất nên tương đối phức tạp
Cuối cùng đến năm 1977, thiết bị thử thai sớm tại nhà đã được bày bán rộng rãi tại Mỹ.