Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não là căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ mỗi 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ.
Nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam
Ở Việt Nam mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ. Tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%. Như vậy, đột quỵ chính là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Một người trẻ tuổi đang có vẻ rất khoẻ mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào.
Hơn thế nữa, hậu quả mà đột quỵ gây ra rất trầm trọng. Người bệnh có thể bị liệt nửa thân, mất khả năng giao tiếp, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, thậm chí hôn mê sâu và tử vong.
Theo TS BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Đơn vị đột quỵ, Phó Trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cho biết, đột quỵ có rất nhiều nguyên nhân.
Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe.
Tuy nhiên, 3 nguyên nhân phổ biến nhất là:
- Tăng huyết áp làm thoái hoá tắc mạch hoặc làm nứt vỡ mạch máu não,
- Bệnh lý xơ vữa gây hẹp và tắc động mạch não,
- Rung nhĩ tạo cục máu đông trôi làm tắc mạch não.
Theo các bác sĩ, thời gian vàng để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là thời gian "kim cương".
Với đột quỵ mỗi giây đều quý, người được chữa sớm hơn sẽ có kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên thay vì đưa người nhà đến viện ngay, một số người dân nghe theo lời truyền miệng, chọn để tại nhà sơ cứu theo cách dân gian khiến bệnh nhân đột quỵ qua giai đoạn vàng trong cấp cứu.
Nặn máu ngón tay, bấm huyệt: Đẩy người đột quỵ đến gần cửa tử
TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM chia sẻ, nhiều trường hợp sử dụng những phương thức dân gian như cho sử dụng an cung ngưu hoàng, trích máu, nặn máu ở đầu ngón tay, dái tai, bấm huyệt, châm cứu... đến khi đưa bệnh nhân đến viện thì đa số đã muộn.
"Chúng tôi thường khuyến cáo bệnh nhân không nên làm những điều đó. Bởi vì một số bệnh nhân bị đột quỵ, chức năng nuốt bị ảnh hưởng và nếu như chúng ta cố tình cho bệnh nhân uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc vô tình làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít sặc, do thức ăn, do thuốc rơi vào phổi.
Còn những biện pháp đâm kim đầu ngón tay, dái tai đó là biện pháp hoàn toàn phản khoa học" - bác sĩ khẳng định.
Những biện pháp đâm kim đầu ngón tay, dái tai đó là biện pháp hoàn toàn phản khoa học.
Ngoài ra, nhiều người lầm tưởng rằng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ vì dễ dẫn đến những nguy hiểm. Quan niệm này hoàn toàn sai, vì động tác đầu tiên khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ đó là đưa họ tới cơ sở y tế có khả năng chữa được và gần nơi mình nhất.
Nếu người bệnh đột quỵ không được cấp cứu trong quãng "thời gian vàng" thì hậu quả phải chịu rất nặng nề, có thể liệt nửa người, hôn mê sâu, thậm chí tử vong.
Như trường hợp của chị G. (47 tuổi, ngụ TP.HCM). Sau một đêm uống rượu say, chị G. không tỉnh lại. Người thân vì không gọi dậy được nên đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện chị trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, không phản ứng gì với lời nói người khác.
Các bác sĩ khuyên thân nhân khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ nên đưa đi viện ngay.
Các bác sĩ khẩn trương tiến hành khám và chẩn đoán chị bị đột quỵ thiếu máu não nặng. Tuy nhiên lúc đến viện đã hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não. Bệnh nhân được cứu sống nhưng vĩnh viễn liệt nửa người, suy giảm nhận thức và khả năng giao tiếp, cuộc sống phía trước chỉ có thể ngồi xe lăn.
Các bác sĩ khuyên thân nhân khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ (như bị méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân...) thì đừng dại dột làm những biện pháp dân gian, truyền miệng như đã kể ở trên.
Thay vào đó, hãy gọi ngay xe cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng những phương tiện phù hợp nhất