Có ai chưa từng mệt mỏi bao giờ không? Câu trả lời là không!
Xua tan sự mệt mỏi
Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn có một ca khúc mà lời nhạc liên quan đến sự “mệt mỏi”. Khi hát hoặc khi đọc đoạn nhạc liên quan này mọi người chừng “ngộ” ra một ý nghĩa nào đó trong đời sống của mình: “Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi/ Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời”.
Với chỉ hai câu nhạc này thôi, cung bậc của sự mệt mỏi đã được khái quát từ mức đơn giản là còn có thể nghỉ ngơi cho hết mệt, đến mức nghiêm trọng là từ giã mọi người để thiên di về một thế giới khác.
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi, hệ lụy từ lời cảnh báo của mệt mỏi và những vấn đề liên quan chúng ta tạm thời chấp nhận định nghĩa: “Mệt mỏi là trạng thái rã rời của cơ thể và sự kém hưng phấn của tinh thần”.
Một khi cơ thể rã rời và tinh thần kém hưng phấn, con người chẳng muốn làm gì cả, ngoài sự muốn ngồi hoặc muốn nằm để nạp lại năng lượng cho cơ thể cả về thể chất cũng như tinh thần.
Nguyên nhân
Thủ phạm gây ra sự mệt mỏi thì nhiều. Dưới đây là khái quát vài nhóm tiêu biểu:
- Giấc ngủ và sự nghỉ ngơi: Khi chúng ta lao động hoặc học tập thì sự nghỉ ngơi hợp lý là điều hết sức quan trọng, nhằm thư giãn cho cả thể chất và tinh thần. Nghỉ ngơi là khoảng thời gian tái tạo năng lượng để có thể tiếp tục công việc một cách tốt hơn.
Mọi sự gắng sức mà không được bù đắp bằng nghỉ ngơi sẽ nhanh chóng làm cho cơ thể bị kiệt quệ và mọi hoạt động sẽ kém hẳn về mặt hiệu quả. Giấc ngủ cũng là khoảng thời gian để tái tạo “sức chiến đấu”. Một người thiếu ngủ hoặc mất ngủ chắc chắn cơ thể sẽ lâm vào trạng thái mỏi mệt.
Đừng thức quá khuya và hãy ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để các bộ phận trong cơ thể tạm thời nghỉ ngơi hoặc giảm thiểu tối đa hoạt động của chúng nhằm mục đích tái tạo năng lượng hoạt động cho cơ thể ở cấp độ tế bào.
- Thuốc lá và thức uống gây hưng phấn: Thuốc lá và một số loại thức uống, đặc biệt là cà phê tạo cảm giác tỉnh táo và sảng khoái cho tinh thần để có thể làm việc trong một khoảng thời gian nhất định nào đó đối với một số người.
Tuy nhiên, sự lạm dụng sẽ gây ra tác dụng ngược. Một lượng cafein dư thừa trong máu sẽ tiếp tục gây hưng phấn cho tế bào thần kinh khiến cho chúng ta khó tìm được một giấc ngủ ngon. Do đó, cơ thể sẽ mệt mỏi. Nước chè hoặc trà nếu uống nhiều vào buổi chiều hoặc ban đêm cũng cho tác dụng bất lợi tương tự như cà phê.
- Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn không hợp lý, ăn quá nhiều hoặc thiếu ăn cũng dễ khiến cho cơ thể mệt mỏi. Các chất dinh dưỡng được xem như là “xăng” cung cấp cho sự hoạt động của các bộ máy trong cơ thể.
Hãy hình dung tim, thận, gan, phổi, não… là các nhà máy đang ngày đêm hoạt động không ngừng. Một khi năng lượng bị cung cấp thiếu thì khó tránh khỏi sự trì trệ, khiến cho cơ thể lâm vào tình trạng mệt mỏi. Một chế độ ăn cân đối các thành phần dinh dưỡng sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động và tránh được sự mệt mỏi.
- Giai đoạn của cuộc đời: Ở phụ nữ, có một giải đoạn của cuộc đời lâm vào sự khủng hoảng toàn diện nên rơi vào trạng thái mệt mỏi. Đó là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Trong thời gian này do sự sụt giảm đột ngột của các loại hormone nên cơ thể kém hưng phấn vì thiếu chất gây xúc tác cho các tiến trình hoạt động của tế bào.
Các bệnh thường gặp
- Bệnh tiểu đường: Ngày nay, bệnh tiểu đường đã trở nên khá phổ biến. Người bệnh mặc dù đã được ăn uống đầy đủ, thậm chí là ăn nhiều một cách bất thường, nhưng do sự trục trặc của các bộ phận trung gian nên đường chỉ lưu thông trong mạch máu mà không được cung cấp đến cho các tế bào một cách có hiệu quả.
Do đó, tế bào thiếu năng lượng hoạt động. Tình trạng này kéo dài nên gây ra sự mệt mỏi cho cơ thể. Và sự mệt mỏi ngày càng trở nên nghiêm trọng nếu như bệnh tiểu đường không được phát hiện và điều trị đúng mức.
- Bệnh trầm cảm: Những người rơi vào trạng thái trầm cảm thường có các biểu hiện nhức đầu, chán ăn, thờ ơ và mệt mỏi. Nếu hiện tượng này kéo dài quá hai tuần hãy đi khám để nhận được tư vấn và điều trị của các chuyên gia về các bệnh tâm thần kinh. Việc khám phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả tốt trước khi trầm cảm trở nên khó cải thiện và bất biến.
- Bệnh thiếu máu: Hồng cầu trong máu là phương tiện vận chuyển oxy cho tế bào hoạt động. Bệnh thiếu máu sẽ gây sụt giảm số lượng những chuyển xe hồng cầu vận chuyển oxy cho tế bào và gây ra mệt mỏi thường trực. Biểu hiện này thấy rõ nhất khi cơ thể tăng cường sự hoạt động nhất là những hoạt động có tính gắng sức, vì lúc này nhu cầu oxy trở nên cấp bách.
- Bệnh lý tuyến giáp: Sự suy giảm hoạt động của tuyến giáp khiến cho lượng hormone do tuyến giáp cung cấp bị sụt giảm.
Hormone tuyến giáp giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng hoạt động cho các bộ phận trong cơ thể. Việc thiếu năng lượng hoạt động của tế bào sẽ gây ra cảm giác mệt mỏi. Diễn biến này sẽ kéo dài nếu như hormone tuyến giáp không được bổ sung để hoạt động chuyển hóa một cách có hiệu quả.
- Bệnh tim mạch: Các bệnh tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, cơn đau thắt ngực… đều là nguyên nhân tiêu biểu của sự mệt mỏi. Đây là các nguyên nhân đáng lưu ý và gây lo lắng nhất, vì nếu không sớm cải thiện bằng các phương pháp điều trị thì hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim là khó tránh khỏi.
- Bệnh xương khớp: Bệnh lý xương khớp gây ra sự đau đớn và mệt mỏi kéo dài do khả năng hoạt động bị hạn chế và sự vận động thường gây ra những cơn đau đớn. Cảm giác mệt mỏi là cảm giác bao trùm của bệnh nhân mắc các bệnh xương khớp.
Riêng các bệnh xương khớp có liên quan đến yếu tố tự miễn sẽ gây mệt mỏi mạn tính và việc cải thiện gặp rất nhiều khó khắn do hệ miễn dịch “tự sinh” và “tự diệt” làm cho năng lượng của cơ thể bị cạn kiệt dần.
Ngoài ra, các bệnh lý nhiễm trùng và gây sốt như sốt nhiễm siêu vi, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết, nhiễm trùng đường tiểu, viêm phổi, viêm gan siêu vi… đều gây ra sự mệt mỏi đi kèm với những biểu hiện điển hình khác của bệnh.
Những sai lầm thường gặp
Nhiều người có những thói quen sai lầm khi tìm cách chống lại sự mệt mỏi của cơ thể. Sau đây là những lời cảnh báo cho những thói quen sai lầm thường gặp:
- Truyền dịch: Nhiều người khi bị mệt mỏi thường có thói quen “nhờ vả” ai đó vào một vài chai “nước biển”. Với họ đây như là loại thần dược cải thiện tình trạng mệt mỏi. Điều này lợi ít mà hại thì nhiều, bởi nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi mới là cái gốc của vấn đề. Giải quyết được cái gốc thì sự mệt mỏi mới chấm dứt.
Việc truyền dịch cũng gây ra các tác dụng phụ như choáng dịch chuyền, sưng đau và nhiễm trùng các vị chọc kim. Các trường hợp mệt mỏi do suy tim, phù thận… thì việc gia tăng lượng dịch trong lòng mạch máu sẽ là gánh nặng. Điều này có thể kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng khác và thậm chí chết người.
- Ngủ nhiều: Một giấc ngủ đủ mang lại cho cơ thể cảm giác sảng khoái khi thức giấc. Tuy nhiên, nếu “lợi dụng” giấc ngủ, nghĩa là ngủ quá nhiều, ngủ nướng sẽ không làm cho cơ thể hết mệt mỏi mà trái lại sẽ làm cho cơ thể có cảm giác mỏi mệt thêm hơn.
- Bồi dưỡng: Nhiều người khi có cảm giác mệt mỏi thường nghĩ là do cơ thể “thiếu chất” nên ra sức bồi bổ. Việc đưa vào một lượng thức ăn dư thừa khiến cho cơ thể cũng… phiền lòng như lúc thiếu ăn! Việc dư thừa năng lượng sẽ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh béo phì.
Đây là nguy cơ của các bệnh lý tim mạch về lâu dài. Việc nạp nhiều và đủ các chủng loại thức ăn còn có khả năng gây ra bệnh ung thư hoặc viêm tụy cấp sau một “bữa ăn thịnh soạn”.
Các biện pháp xua tan mệt mỏi
Những trường hợp mệt mỏi thông thường do công việc chân tay hoặc trí óc thì chỉ cần rời bỏ công việc trong một khoảng thời gian ngắn để ngừng nghỉ chân tay, trí óc. Đây là khoảng thời gian giải lao cần thiết để cơ bắp và thần kinh tái nạp năng lượng trước khi tiếp tục công việc.
Nếu thời gian giải lao đủ dài, thay vì ngồi yên một chỗ, thì cách tốt nhất là chỉ ngồi yên một lát cho khỏe, rồi vươn vai, đi bộ thong thả ngoài hành lang, trong vườn cây để hít thở khí trời trong lành. Đây là cách phục hồi sức khỏe và xua tan sự mệt mỏi tốt nhất.
- Đi khám bác sĩ và làm các xét nghiệm nếu như sự mệt mỏi không rõ nguyên cớ kéo dài trên 2 tuần.
Các hình thức thể dục thể thao phù hợp cũng giúp tiêu trừ sự mệt mỏi sau những giờ lao động hay học tập miệt mài, căng thẳng. Thể dục thể thao được các nhà chuyên môn cho là biện pháp nghỉ ngơi tích cực nhất.
Các thói quen như uống cà phê, uống trà và hút nhiều thuốc lá vào bữa tối, thói quen ngủ muộn hoặc ngủ nướng, không ngủ trưa, nhịn đói vào buổi sáng cũng cần được xem xét thay đổi nếu những điều này được cho là có liên quan đến sự mệt mỏi. Một chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống đủ lượng nước trong ngày giúp cho cơ thể khỏe mạnh hơn.
Rèn luyện tính điềm đạm, tự tạo một tinh thần luôn luôn vui vẻ, lạc quan, hài hước, tìm kiếm những điều tích cực trong cuộc sống đều là các biện pháp tích cực chống lại sự tác động của stress.