Những cách chữa bệnh lạ của người Việt qua ghi chép của người phương Tây

GD&TĐ - Các tác giả phương đã ghi chép nhiều thông tin về những phương pháp chữa bệnh lạ của “thầy lang” nước ta.

Thảo dược được người Việt ưa dùng đến ngày nay.
Thảo dược được người Việt ưa dùng đến ngày nay.

Trong cuốn “Ký sự xứ Đàng trong” của Christoforo Borri, vị tu sĩ dòng Tên, một trong những nhà truyền giáo đầu tiên tại Đàng Trong đầu thế kỷ XVII, dưới thời các chúa Nguyễn đã mô tả về trải nghiệm của chính bản thân ông khi được thầy lang người Việt chữa bệnh:

“Tôi bị ngã từ trên cao, ngực đập vào đá tảng, thổ huyết ngay lập tức còn vùng ngực thì bị thương nghiêm trọng. Chúng tôi lập tức áp dụng vài phương thuốc châu Âu quen thuộc nhưng không chút hiệu quả. Một thầy lang trong vùng được mời tới, ông dùng một nắm thảo dược (mà ở xứ ta gọi là cây kim nhu) làm thành miếng cao đắp lên ngực tôi, rồi ông ta sắc một món thuốc nước gì đó cho tôi uống. Thần kỳ làm sao. Vài ngày sau tôi đã bình phục hoàn toàn”.

Người phương Tây vốn trọng thực chứng, và vị giáo sĩ này đã trực tiếp thí nghiệm về phương pháp chữa bệnh này: “Để kiểm nghiệm phương pháp này, tôi đã bẻ gãy chân một con gà, bắt chước làm đúng món thuốc đó đắp lên chỗ gãy, vài ngày sau cái chân gà lành lại hoàn toàn!”.

Việc thầy lang Việt Nam chữa khỏi cho bệnh nhân bị bọ cạp cắn vết chí mạng cũng khiến tu sĩ người Italia kinh ngạc. Ông kể lại trong sách: “Rồi một ngày đồng đạo của tôi bị bọ cạp cắn vào cổ; ở xứ này, vết cắn của bọ cạp bị coi là chí mạng. Cổ họng người này sưng to ngay lập tức, và trong lúc chúng tôi sắp sửa làm lễ xức dầu (tức vĩnh biệt người bệnh) thì một thầy lang được gọi tới, ông này nhanh chóng cho đặt một nồi cơm đang sôi vào giữa hai chân bệnh nhân rồi dùng vải phủ kín sao cho hơi bốc từ nồi cơm không thoát ra ngoài. Ngay khi hơi nóng xông đến chỗ vết cắn, cổ họng bệnh nhân liền bớt sưng và người huynh đệ đó thấy đỡ đau hơn, anh ta bình phục nhanh chóng như chưa từng có chuyện gì xảy ra”.

Cha Borri cũng kể lại một câu chuyện khác về một thầy lang được nhờ chữa cho một người Bồ Đào Nha sau khi thầy thuốc châu Âu đã tuyên bố tình trạng vô vọng. Thầy lang Việt Nam đã hứa sẽ chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân trong vòng vài ngày với yêu cầu người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt rằng trong thời gian chữa bệnh, ông ta buộc phải kiêng gần gũi với phụ nữ, nếu không sẽ phải chịu đau đớn của cái chết. Đôi bên thỏa thuận giá cả và thầy lang hứa sẽ chữa khỏi cho người này trong ba mươi ngày. Người bệnh uống thuốc theo chỉ định và chỉ vài ngày sau đã thấy bệnh tình thuyên giảm. Ông ta cho rằng mình đã khỏe hẳn nên không làm theo lời dặn của thầy lang. Nhưng khi thầy lang tới thăm bệnh đã bắt mạch và phát hiện ra hành động trái với lời mình, bèn bảo bệnh nhân chuẩn bị hậu sự vì không còn thuốc nào chữa được nữa, tuy nhiên vẫn phải trả công cho ông vì đó hoàn toàn là lỗi của người bệnh. Vụ việc được đem ra tòa phân xử, người bệnh kia buộc phải trả tiền, rồi sau đó qua đời.

Một biện pháp chữa bệnh độc đáo của người dân miền Bắc nước ta cũng được nhà nghiên cứu nhân học, dân tộc học Gustave Dumoutier kể trong cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ”, đó là trích máu để chữa mụn lẹo ở mắt.

Qua quan sát của mình, Dumoutier tổng kết: Nếu mụn mắt trái, người bệnh sẽ luồn tay phải vào dưới vai trái, cố hết sức dùng ngón tay trỏ với trên xương bả vai càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Người chữa bệnh (mà thường chính là thợ cắt tóc, cạo đầu) cẩn thận lấy bút lông điểm một chấm đen vào chỗ đó, rồi dùng mũi dao trích một vết hơi sâu, đủ để rỉ máu. Ngay sau đó, anh thợ lấy ra một thứ cao làm bằng sáp ong và mỡ gà bôi lên vết chích. Mụn ở mắt bên kia cũng làm y như vậy, nhưng với tay trái luồn dưới vai phải.

Dumoutier cũng thống kê một số cách chữa bệnh lạ khác của người dân miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, như chữa đau răng thì dùng tăm bằng lông đuôi voi. Để ngăn cơn buồn ngủ, thì hứng nước mắt ngựa nhỏ vào mắt. Với bệnh đau dạ dày, thầy lang lấy da của những chiếc trống cũ cắt ra, cho vào ấm hãm như hãm trà và đổ nước đầu, uống từ nước thứ hai. Khi xử lý những cái nhọt mọc trên mặt trẻ con thì người ta bôi nước cốt trầu.

Nếu trẻ em đái dầm thì cách chữa là cho chúng nuốt những con nhện nướng. Còn khi trẻ khóc đêm, thì phải lén không cho ai biết, để dưới giường đứa bé một cái cọc lấy từ chuồng lợn.

Để chữa chứng đau bụng, chỉ cần bứt trên đầu người bệnh vài nắm tóc. Người ta gọi cách này là “nhổ bão”, tức nhổ cơn đau bụng đi. Bệnh bướu cổ thì được gọi là “bụng như cái bị”, và được chữa bằng cách đốt cái đáy bị cói, hòa chung với rượu, làm thứ cao đắp vào cổ họng bệnh nhân.

Để chữa mụn lẹo, người ta áp mảnh sành vỡ vào mụn mới phát, rồi ném mảnh đó xuống nước. Để lấy bụi rơi vào mắt, người ta lấy đầu lưỡi liếm vào cạnh môi nhiều lần.

Đặc biệt, có phương pháp chữa bệnh ngoài da bằng cá cũng được tác giả người Pháp này thích thú ghi lại. Đó là phép chữa bệnh ghẻ khi mà không thuốc nào chữa khỏi, thì vẫn có thể lành nếu khi tắm dưới sông, và được đàn “cá nướng rỉa” vào người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.