Những bức tường phân cách nổi tiếng lịch sử

GD&TĐ - Ngoài những bức tường nổi tiếng như chúng ta đã biết, như bức tường Berlin ở Đức dài 155km hay Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc dài 21.196km..., trên thế giới còn có những bức tường ngăn cách khác đáng nhắc đến, đi kèm theo chúng là những trang lịch sử đầy phức tạp.

Vạn lý trường thành của Ấn Độ
Vạn lý trường thành của Ấn Độ

Thành phố Đức xây dựng một bức tường bằng đá lớn cách ly dân địa phương với người tị nạn

Tọa lạc tại vùng ngoại ô Neuperlach Sud của Munich, bức tường đá nhằm ngăn cách các gia đình trong thành phố với khoảng 160 trẻ tị nạn. Hiện nay bức tường cao 4m sắp sửa hoàn thành này còn cao hơn bức tường Berlin ngày xưa. Những cư dân địa phương nhận ra điều này, đa số họ nói rằng họ không quan tâm đến tầm cỡ của nó, miễn sao cứ cách ly họ với những người tị nạn là được, những người tị nạn này đến từ Syria và châu Phi để tránh chiến tranh. Họ còn than phiền rằng giá nhà của họ bị giảm do ở gần trại tị nạn và vấn đề tiếng ồn từ trại gây ra. Những kỹ sư cho biết chiều cao bức tường có tác dụng như một rào chắn âm thanh hiệu quả.

 

Những bức tường xanh của thành phố Lucca

Thành phố lịch sử và đẹp ngoạn mục Lucca ở Ý là một trung tâm của thời Trung cổ. Nó được bao quanh hoàn toàn bằng những bức tường. Vòng đai tường chúng ta thấy ngày nay là bức tường cuối cùng trong hàng loạt những bức tường và từng là một bộ phận của một quảng trường La Mã truyền thống bao quanh trung tâm thành phố, được xây dựng vào khoảng năm 200 trước Công nguyên. Vòng tường thứ hai có niên đại khoảng từ năm 1100 – 1200 sau Công nguyên, việc xây dựng nó khiến cho vành đai của thành phố tăng lên gấp ba, làm cho những bức tường bị mất đi hình ảnh vuông vức ban đầu của nó.

Vào thời điểm này, gần như tất cả những tòa nhà của thành phố đều nằm trong những bức tường đó. Vòng tường thứ ba (1400-1500 sau Công nguyên) dẫn đến sự mở rộng về phía Đông Bắc. Công trình xây dựng vòng tường thứ tư bắt đầu vào năm 1513 và mất hơn một thế kỷ mới hoàn tất. Những bức tường không bị bất kỳ một cuộc tấn công nào và cũng chưa bao giờ được sử dụng trong mục đích quân sự. Tuy nhiên, chúng đã hữu dụng khi cứu thành phố thoát khỏi trận lũ do sông Serchio gây ra vào năm 1812.

 

Bức tường cát của Morocco

Bức tường cát ở Morocco được xây ở vùng tây Sahara vào năm 1987 để ngăn chặn những cuộc tấn công gia tăng của quân đội Sahrawi. Nó dài 2.700km và chia khu vực làm hai. Công trình bằng đá và cát này được gia cố với những con hào, dây thép gai và khoảng 7 triệu quả mìn sát thương và chống xe tăng, tất cả được tuần hành bởi 120.000 lính và vũ khí trang bị tận răng. Hơn 2.500 người dân Sahrawi đã trở thành nạn nhân của mìn.

Trong hơn ba thập niên, bức tường đã ngăn cách những gia đình Sahrawi và đóng kín những khu vực bị chiếm đóng khỏi thế giới bên ngoài với giao tiếp xã hội, kinh tế, chính trị, luật pháp, văn hóa, và các ảnh hưởng môi trường đối với dân cư ở cả hai phía. Nó cũng xâm phạm nhân quyền của người Sahrawi và là trở ngại chính đối với việc thực hiện quyền tự chủ và độc lập được quốc tế công nhận.

Không giống như bức tường Israel trong các lãnh thổ bị chiếm đóng ở Palestin, bức tường Morocco ít nhận được sự chú ý của phương tiện truyền thông, cho dù nó đã tồn tại hơn ba thập niên.

 

Hàng rào biên giới phân cách Morocco với Tây Ban Nha

Một hàng rào biên giới đã được hình thành trên một phần thuộc biên giới Morocco – Tây Ban Nha trong vùng Melilla. Công trình do Tây Ban Nha xây dựng, mục đích để ngăn chặn nhập cư và buôn lậu. Morocco đã phản đối việc xây dựng hàng rào vì họ không công nhận chủ quyền của Tây Ban Nha tại Melilla.

Sự xâm nhập ồ ạt của những người vùng hạ Sahara qua Melilla đã trở thành vấn đề của Tây Ban Nha và, đối với một số lãnh vực, cũng là vấn đề của Liên Minh Châu Âu (EU). Điều này thúc đẩy chính quyền Tây Ban Nha của thủ tướng José Luis Rodríguez Zapatero xây dựng một hàng rào thứ ba kế bên hai hàng rào có sẵn đã xuống cấp vào năm 2015, để đóng kín hoàn toàn biên giới bên ngoài với những trạm kiểm soát thường xuyên.

Hàng rào kéo dài 11km song song với những bức tường cao 3m, phía trên có dây kẽm gai, với những chốt giám sát thường xuyên và một con đường ở giữa cho những xe cảnh sát tuần tra hay xe cứu thương hoạt động. Các dây cáp điện ngầm kết nối với những chốt đèn, những thiết bị cảm biến tiếng động và sự di chuyển, kèm theo những camera ở các phòng điện thoại do trung tâm kiểm soát. Chiều cao của tường được gia cố tăng lên gấp đôi khi những người tị nạn sử dụng thang gấp tự chế để trèo lên những hàng rào.

 

Bức tường khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria

Cơ quan Quản lý Phát triển Cư trú Thổ Nhĩ Kỳ (TOKI) đã xây dựng thêm một bức tường dài 700km dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Bộ Quốc phòng và văn phòng thống đốc các tỉnh lân cận xây dựng bức tường bê tông ban đầu dài 200km. TOKI mong sẽ hoàn tất “bức tường an ninh” trong vòng năm tháng, hy vọng nó sẽ ngăn chặn dòng người vượt biên giới không thể kiểm soát được.

 

Bức tường ô nhục của Peru

“Bức tường ô nhục” cao 3m với dây thép gai bao bọc để ngăn chặn những người nghèo đến trộm tài sản của giới giàu có. Sự ngăn chia trên vùng ngoại ô Lima này đã bị một số cư dân chê trách, xem như mối ô nhục. Công trình có biệt danh là “Bức tường Berlin của Peru” được làm bằng xi măng và kẽm gai, ngăn chia các khu vực lân cận của San Juan de Miraflores và Surco. Dãy tường dài 10km ngăn chia những ngôi nhà sang trọng với những khu vườn rộng lớn và hồ bơi tách ra khỏi những căn nhà tạm bợ, không có các dịch vụ điện hoặc nước sạch.

 

Vạn lý trường thành của Ấn Độ

Kumbhalgarh, vạn lý trường thành lớn hàng thứ hai trên thế giới, tọa lạc tại bang Rajasthan, phía Tây Ấn Độ. Công việc xây dựng bức tường dài 36km được khởi công vào năm 1443, dưới triều vua Rana Kumbha. Phải mất một thế kỷ bức tường mới xây dựng xong và sau đó nó đã được mở rộng thêm vào thế kỷ 19. Trước đây bức tường đóng vai trò một pháo đài, nhưng hiện nay là một viện bảo tàng.

 

Bức tường Bờ Tây của Israel

Bức tường ở Bờ Tây Israel là một chướng ngại vật ngăn chia do Nhà nước Israel xây dựng và nằm bên trong Bờ Tây. Khi hoàn tất, tổng chiều dài bức tường sẽ vào khoảng 700km. Bức tường nằm phần chính ở Bờ Tây và một phần dọc theo lằn ranh Ngưng Bắn 1949 (tức Thỏa thuận Ngưng bắn ký kết giữa Israel với các quốc gia láng giềng Ai Cập, Lebanon, Jordan và Syria năm 1949), hay còn gọi là “Làn ranh Xanh” giữa Israel và Bờ Tây Palestin.

Theo Tổ chức Nhân quyền Israel, B’Tselem, 8,5% khu Bờ Tây nằm trên vùng rào cản của Israel, và 3,4% nằm phía bên khác. Israel xem nó như một bức tường an ninh, trong khi Palestin gọi nó là bức tường phân biệt chủng tộc.

 

Những bức tường ở Ireland chia cách người Công giáo và người theo đạo Tin Lành

Những lằn ranh hòa bình, hay còn gọi là những bức tường hòa bình, là hàng loạt những hàng rào biên giới ở Bắc Ireland phân cách người theo Thiên Chúa giáo với những khu vực theo đạo Tin Lành lân cận. Chúng được dựng lên ở Belfast, Derry, Portadown, và những nơi khác. Mục đích của lằn ranh hòa bình là hạn chế những xung đột chủng tộc và tôn giáo giữa người Công giáo (phần lớn là những người theo dân tộc chủ nghĩa tự nhận mình là người Ireland) và những tín đồ Tin Lành (phần lớn họ là những người theo chủ nghĩa hợp nhất giữa Anh và bắc Ireland, họ tự nhận là người Anh).

Hàng loạt những lằn ranh như vậy có chiều dài từ hàng trăm mét cho tới trên ba dặm (5km). Chúng được làm bằng sắt, gạch, hoặc thép và cao tới 7,6m. Một số có cổng, với cảnh sát đứng gác, cho phép đi qua vào ban ngày, nhưng đóng lại vào ban đêm. Tháng 5/2013, cơ quan Hành pháp Bắc Ireland hứa sẽ bỏ tất cả những ranh giới vào năm 2023.

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.