Chiến thắng cái chết để trường sinh bất tử là ước mơ từ xa xưa của con người. Dưới đây là những cách giúp kéo dài sự sống được tổ tiên chúng ta áp dụng, theo Time.
Ảnh: TIP.
Năm 1.600 trước công nguyên
Các nhà khoa học phát hiện công thức chống lão hóa "biến ông già thành thanh niên" trên tờ giấy cói có niên đại 1.600 năm trước công nguyên. Nó gồm nước trộn với loại quả có tên hemayet, đun sôi rồi sấy khô.
Thế kỷ 6 trước công nguyên
Những tài liệu y học bằng chữ Phạn cổ thuộc bộ sách Sushruta Samhita (Ấn Độ) khuyên người muốn sống lâu ăn hỗn hợp bột rễ, vàng, mật ong và bơ sau khi tắm buổi sáng.
Năm 133 trước công nguyên
Hoàng đế nhà Hán được các nhà giả kim khuyến khích ăn các nông cụ làm bằng vàng chuyển hóa từ chu sa, một loại chất độc mà ngay nay được gọi là sulfua thủy ngân.
Thế kỷ 1 trước công nguyên
Nữ hoàng Cleopatra được cho là tắm bằng sữa lừa để lưu giữ vẻ đẹp trẻ trung.
Thế kỷ 1
Các tài liệu cho thấy người La Mã bị động kinh uống máu của các đấu sĩ để chữa bệnh và tăng cường sinh lực.
Khoảng năm 300
Đạo giáo cổ xưa quan niệm chế độ ăn lý tưởng để trường sinh bất tử bao gồm gia vị, rau củ, rùa, trứng hạc cùng nhiều loại động vật sống lâu khác. Bên cạnh đó, các bài tập thở và kiêng cực khoái cũng được khuyến khích.
Thế kỷ 4
Nhà giả kim Ge Hong đưa ra một loại thuốc làm từ não khỉ và thảo mộc giúp kéo dài sự sống thêm 500 năm.
Thế kỷ 13
Để đẩy lùi tuổi già, nhà sư kiêm triết gia Roger Bacon đề nghị người dân uống rượu vang và hỗn hợp bột làm từ vàng, ngọc trai, san hô và xương hươu. Ông còn khẳng định ăn rắn rất tốt.
Năm 1489
Đức Giáo hoàng Innocent VIII được cho là đã nghe lời triết gia Marsilio Ficino và uống máu các chàng trai để trẻ hóa bản thân. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, ngài qua đời.
Năm 1558
Luigi Cornaro, một quý tộc Italy bắt đầu viết loạt bài về cách sống thọ, trong đó nhấn mạnh sự điều độ.
Thế kỷ 16
Với hy vọng giữ mãi tuổi trẻ, tình nhân của Vua Henry II (Pháp) là Diane de Poitiers đã uống hỗn hợp vàng clorua và diethyl ether.
Năm 1623
Thừa nhận tinh thần vô cùng quan trọng, nhà triết học Francis Bacon khuyên con người hút thuốc phiện và tắm bồn.
Năm 1638
Tobias Whitaker, bác sĩ của vua Charles II (Anh) ủng hộ uống rượu để kéo dài sự sống. Về sau Whitaker qua đời ở tuổi 60.
Năm 1667
Bác sĩ Jean-Baptiste Denis (Pháp) lần đầu truyền máu từ động vật sang người. Bệnh nhân nhận máu sau đó hồi phục trở lại.
Năm 1740
George Cheyne, bác sĩ tiên phong có công cải tiến chế độ ăn chay, cho rằng những người chỉ uống nước ngay từ ngày trẻ có thể sống đến tuổi 100.
Năm 1796
Bác sĩ Christoph Hufeland (Đức) khẳng định nằm cạnh trinh nữ mà không quan hệ tình dục giúp giữ gìn vẻ trẻ trung.
Năm 1889
Ở tuổi 72, nhà sinh lý và thần kinh học Charles-Édouard Brown-Séquard tự tiêm chiết xuất từ tinh dịch, máu tinh hoàn của chó và chuột lang vào cơ thể mình suốt 3 tuần.
Năm 1897
Bác sĩ Maximilian Bircher-Benner (Thụy Sĩ) tuyên bố thực phẩm sống là chìa khóa của cuộc sống dài lâu.
Khoảng năm 1901
Nhà vi sinh vật Élie Metchnikoff (Nga) cho rằng quá trình lão hóa có thể bị ngăn chặn bởi chế độ ăn uống giàu axit lactic và tiêu thụ đều đặn sữa chua nhờ phục hồi ruột cùng các vi khuẩn tốt.
Năm 1920
Nhà tâm lý học Eugen Steinach thử nghiệm thắt một phần ống dẫn tinh nhằm tăng tuổi thọ. Sigmund Freud, một trong những bệnh nhân của Steinach hy vọng phương pháp này có thể trì hoãn tiến triển bệnh ung thư. Tất nhiên, điều này không xảy ra.
Năm 1921
Tiến sĩ Charles G. Davis viết về radium như một loại thuốc thần kỳ xua tan tuổi già và "tiếp thêm sức mạnh cho tế bào sống".
Thập niên 1920
John Brinkley, một nhà truyền giáo ở Kansas thực hiện ghép tuyến tinh toàn dê cho người. Năm 1930, toàn bộ giấy phép hành nghề của ông bị thu hồi.
Năm 1930
Báo chí Anh đưa tin người đàn ông tên Giocondo Protti trẻ lại thành công nhờ nhận máu của các nam thanh niên.