Những bí ẩn của Hệ Mặt trời

GD&TĐ - Hệ Mặt trời là khu vực gần chúng ta nhất trong vũ trụ, tuy nhiên chúng ta chưa biết rõ mọi điều về nó. Có một vài vấn đề liên quan đến Hệ Mặt trời mà các nhà khoa học có quan điểm khác nhau hoặc không có lời giải đáp. Sau đây là một số bí ẩn đó.

Hệ Mặt trời.
Hệ Mặt trời.

“Tường” của Hệ Mặt trời

Giới hạn của Hệ Mặt trời là ở đâu? Ở nơi kết thúc các ảnh hưởng hấp dẫn của Mặt trời. Thế nhưng, giới hạn đó có dạng vật lý nào không? Hóa ra là có, mặt dù bản chất của nó chưa được nghiên cứu đến tận cùng, bởi vì cho đến nay, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA chưa thu thập đủ dữ liệu từ rìa Hệ Mặt trời.

Cho đến nay, thông tin về “tường rào” của Hệ Mặt trời do 3 vệ tinh nhân tạo cung cấp: Vệ tinh Voyager 1,

Voyager 2 và New Horizons. Trên cơ sở các thông tin đó, các nhà khoa học của NASA khẳng định, chúng ta đang sống trong bong bóng khí hydro khổng lồ, ngăn cách chúng  ta với không gian liên sao. Trong hệ hành tinh của chúng ta, hydro do Mặt trời sản sinh ra, tuy nhiên chúng ta không biết rõ về bản chất bong bóng hydro và ảnh hưởng của các quá trình diễn ra trong đó.

Miranda – vệ tinh tự nhiên “xấu nhất”

Trong Hệ Mặt trời không thiếu vệ tinh tự nhiên (mặt trăng), tuy nhiên một số vệ tinh có đặc tính thật sự thú vị. Bản thân Sao Thiên vương có 27 vệ tinh tự nhiên, trong đó 3 vệ tinh mới được phát hiện vào năm 2003. Thu hút sự chú ý nhiều nhất là vệ tinh Miranda – vệ tinh lớn nhất và được phát hiện sớm nhất của Sao Thiên vương. Tàu thăm dò Voyager 2 đã bay gần vệ tinh này, ở khoảng cách 29.000 km và chụp được nhiều ảnh với độ phân giải cao. Trong các bức ảnh, có thể thấy Miranda là thiên thể khác biệt về hình dạng trên nền các vệ tinh khác. Bề mặt của nó là tập hợp các mảnh đá và băng, bị chia cắt bởi các khe nứt. Một trong những khe nứt tên là Verona Rupes. Khe nứt này có chiều dài hơn 5 km và được coi là rãnh nứt lớn nhất trong Hệ Mặt trời.

Tại sao vệ tinh Miranda lại bị “rạch ngang dọc” như vậy? Chúng ta chưa có câu trả lời hợp lý nhất. Một trong các giả thuyết nói rằng trước kia Miranda là khối đá khổng lồ phủ đầy băng tuyết. Do hậu quả của vụ va chạm với một thiên thể khác, vệ tinh này bị vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ. Sau đó, các mảnh vỡ này lại liên kết với nhau theo một cách hỗn độn.

Ngày nay, một số nhà khoa học lại cho rằng nhiệt độ và áp suât bên trong Miranda gây ra những kỳ dị địa chất như vậy.

Nhiệt độ vành nhật hoa

Tàu thăm dò New Horizons.
Tàu thăm dò New Horizons.

Mặt trời phát thải một lượng năng lượng lớn. Nhờ đó, trên Trái đất, chúng ta có ánh sáng và nhiệt. Bề mặt Mặt trời có nhiệt độ khoảng 5.500 độ C. Về mặt logic, có thể nói, càng ra xa bề mặt Mặt trời thì nhiệt độ càng giảm. Thế nhưng, xung quanh Mặt trời xuất hiện hiện tượng lạ: Vành nhật hoa – phần khí quyển ngoài cùng của Mặt trời, có thể có nhiệt độ lên tới 2 triệu độ C. Sự khác biệt về nhiệt độ là rất lớn, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ tại sao lại như vậy.

Cho đến nay, có thể tìm được một vài nguyên nhân khả dĩ làm nóng vảnh nhật hoa. Tuy nhiên, vẫn còn chỗ trống chưa được giải thích đầy đủ trong tất cả các thuyết. Một trong những hiện tượng được mô tả gần đây, có ảnh hưởng đến nhiệt độ xung quanh Mặt trời, là các “sốc giả” – đó là một loại sóng, xuất hiện khi plasma do Mặt trời phóng ra đạt tới vận tốc trên âm thanh.

Những cơn bão trên Sao Mộc

Bão không phải là hiện tượng khác thường trên Trái đất cũng như trên các hành tinh khác. Tuy nhiên, những cơn bão trên Sao Mộc khá là bí ẩn. Được hình thành tại 2 vùng cực, các cơn bão và lốc xoáy Sao Mộc có hình lục giác!

Trên cực Bắc, xuất hiện cơn bão khổng lồ, bao gồm 9 lốc xoáy, mỗi lốc xoáy có đường kính khoảng 4.000 km. Tại cực Nam, số lốc xoáy nhỏ hơn, chỉ gồm 6 lốc xoáy, nhưng mỗi lốc xoáy có đường kính 6.000 km.

Các nhà khoa học tham gia phát hiện hiện tượng này cho biết, họ chưa bao giờ bắt gặp các hệ thống bão như vậy. Trên Sao Thổ - một hành tinh khí khổng lồ khác, chúng ta cũng có thể quan sát thấy các lốc xoáy trên hai cực, nhưng chúng chỉ xuất hiện đơn lẻ.

Khí methane trên sao Hỏa

Sự hiện diện của khí methane trên nhiều hành tinh khác nhau không phải là hiện tượng bất thường, nhưng xứng đáng được ghi nhận, bởi lẽ methane có thể là một trong những sản phẩm của các quá trình sinh học.

Việc phát hiện methane trên sao Hỏa ngay lập tức thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Điều đặc biệt là nồng độ methane trên hành tinh này liên tục thay đổi, thậm chí dưới ảnh hưởng của các mùa sao Hỏa. Các nhà khoa học không biết chắc chắn, tại sao lại có hiện tượng như vậy; tuy nhiên có một giả thuyết cho rằng dưới bề mặt sao Hỏa có thể có các vi sinh vật sinh sống.

Các vệ tinh của sao Thổ

NASA khá đau đầu về những bí ẩn liên quan đến các vệ tinh của Sao Thổ. Có tổng cộng 82 vệ tinh với các kích thước khác nhau, ở trên các quỹ đạo khác nhau. Vệ tinh Titan có khí quyển, một số vệ tinh khác có đại đương. Nhiều vệ tinh Sao Thổ đang hình thành.

Câu đố lớn nhất liên quan đến vệ tinh Enceladus. Vệ tinh này có đại dương giống như Trái đất. Các nhà khoa học cho rằng, đây là một trong những nơi thân thiện với sự sống. Cho đến nay, chưa có đủ chứng cớ để khẳng định hoặc phủ định điều này.

Theo Interia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ