Những bệnh xương khớp thường gặp, ai cũng có thể mắc phải

GD&TĐ - Khung xương là giá đỡ của cơ thể. Nó vừa có chức năng “gánh gồng” vừa có chức năng bảo vệ các bộ phận cơ quan trong cơ thể con người. Khớp là cầu nối mang lại sự hoạt động linh hoạt cho các xương. Các bệnh về xương khớp ai cũng có trong đời…

Hình ảnh bệnh gai đôi cột sống.
Hình ảnh bệnh gai đôi cột sống.

Cấu tạo và chức năng 

Khung xương ngoài chức năng chống đỡ, còn có tác dụng giữ thăng bằng và ổn định hình dạng cơ thể con người. Bộ xương người có tổng cộng 206 cái. Các nhà chuyên môn về xương, chia chúng thành 2 nhóm xương chính: Xương trục và xương chi. Xương trục gồm 80 xương và xương chi gồm 26 xương. Hệ thống xương trục và xương chi nối nhau ở đai vai và đai chậu.

Riêng xương sườn có 12 đôi, tức là có 24 xương. Cột sống có 26 xương gồm: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực (tương ứng với 12 đôi xương sườn), 5 đốt sống lưng, 1 xương cùng và một xương cụt. Thật ra về mặt bản chất thì xương cùng do 5 xương sống thoái hóa và hợp nhất và xương cụt cũng do 3 - 5 xương sống thoái hóa và hợp nhất.

Các bệnh xương khớp thường gặp

Đau vùng thắt lưng: Nhiều người nghĩ đau vùng thắt lưng là một bệnh, nhưng thật ra không phải. Đau vùng thắt lưng chỉ là dấu hiệu bên ngoài của nhiều bệnh khác nhau mà việc chẩn đoán nguyên nhân đôi khi rất khó khăn và phức tạp.

Đau vùng thắt lưng có thể gặp trong các bệnh cảnh sau đây:

Bệnh nội tạng: Các bệnh lý ở đường tiêu hóa (loét dạ dáy tá tràng, viêm dạ dày, ung thư dạ dày...), bệnh lý gan mật (viêm gan, viêm túi mật, sỏi đường mật...), bệnh lý thân tiết niệu (viêm thận, thận ứ mủ, sỏi đường tiết niệu, lao thận, thận đa nang...), bệnh lý sinh dục (u nang buồng trứng, u xơ tử cung, sa tử cung...) và các bệnh lý khác như tổn thương cơ hoành, tổn thương đáy màng phổi, phình động mạch chủ bụng, bệnh lý ở tiền liệt tuyến...

Bệnh lý tại vùng thắt lưng: Viêm cơ vùng thắt lưng, viêm cột sống (do vi khuẩn lao hoặc các loại vi khuẩn khác), ung thư từ các nơi di căn đến vùng thắt lưng hoặc u tại vùng cột sống thắt lưng. Ngoài ra, đau vùng thắt lưng do ảnh hưởng của các bệnh về máu, các bệnh chuyển hóa và nội tiết khác.

Do bẩm sinh hay bệnh lý: Bao gồm các bệnh lý cột sống hay đĩa đệm như thoái hóa cột sống, mất vôi các đốt sống, thoát vị đĩa đệm, các dị tật cột sống (gai đôi thắt lưng, cùng hóa thắt lưng, trượt đốt sống...)

Bên cạnh các bệnh lý tổn thương thực thể gây đau vùng thắt lưng, còn có các nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng không do tổn thương thực thể như do đặc điểm nghề nghiệp, tư thế ngồi, stress và yếu tố tâm lý trong lao động...

Việc điều trị đau vùng thắt lưng tùy thuộc vào nguyên nhân. Sau đây là các nguyên tắc căn bản để giải quyết vấn đề:

Điều trị nội khoa: Sử dụng các loại thuốc giảm đau bằng đường uống, tiêm chích hoặc bôi, dán. Sử dụng các loại thuốc làm êm dịu thần kinh, giãn cơ và vật lý liệu pháp (xoa bóp, ấn huyệt, châm cứu, chườm nóng...).

Tất nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân có nhiễm trùng hay không mà sử dụng kháng sinh liều cao phối hợp.

Điều trị ngoại khoa: Chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp cần thiết ở các bệnh lý thoát vị đĩa đệm, di lệch cột sống gây chèn ép, gù vẹo nhiều, lún đốt sống...

Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm là một cấu trúc có tính đàn hồi nằm giữa hai đốt sống. Nhờ có các đĩa đệm mà cột sống hoạt động một linh hoạt. Gọi là đĩa đệm vì hình dạng trông giống như là cái “đĩa” và có chức năng “lót” giữa hai đốt sống nên gọi là “đệm”.

Các thành phần cấu tạo cơ bản của đĩa đệm bao gồm: Nhân nhầy (một chất dạng gel), vòng sợi (một tổ chức dạng sợi, phía sau dày hơn phía trước để ngăn cản nhân nhầy “lồi” vào ống cột sống) và mâm sụn (một tổ chức sụn, gắn vào tấm cùng của thân đốt sống).

Khi chụp phim X quang, đĩa đệm không hiện ra, trừ khi bị vôi hóa. Khoảng trống thấy được giữa hai đốt sống chính là vị trí của đĩa đệm.

Khoảng cách giữa hai đốt sống đúng bằng chiều cao của đĩa đệm. Tỷ lệ giữa chiều cao của đĩa đệm và thân đốt sống khoảng 1/6 - 1/4.

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng rách vòng sợi, làm cho nhân nhày và tổ chức khác của đĩa đệm thoát khỏi vị trí bình thường “lồi” vào trong hoặc ra ngoài. Sự di chuyển vị trí này chèn ép các tổ chức lân cận và gây đau.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm có thể là thoái hóa sớm các đĩa đệm, do chấn thương, do hoạt động quá tải của cột sống, do sai lệch tư thế. Các biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm thường thấy là:

- Đau từ từ do thoái hóa đĩa đệm hoặc đau đột ngột vùng thắt lưng hông sau chấn thương, sau khiêng vác nặng hoặc sau vận động sai lệch cột sống.

- Tính chất cơn đau của thoát vị đĩa đệm là tăng đau khi ho, khi hắt hơi, khi vận động, rặn lúc đi đại tiện, đứng ngồi lâu, đi lại nhiều cũng gây đau. Nằm nghỉ ngơi thì giảm đau một cách rõ rệt, nhưng nếu đưa thẳng chân lên cao sẽ gia tăng cảm giác đau.

- Khi có tổn thương rễ thần kinh do chèn ép: Cảm giác tê rần, giảm hoặc mất cảm giác, giảm phản xạ, giảm trương lực cơ và sức co cơ, teo cơ.

- Người bệnh có thể đi nghiêng người về một bên do vẹo cột sống thắt lưng.

Nói chung, hơn 90% bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đều được điều trị bảo tồn bằng nội khoa và tập phục hồi chức năng. Thời gian điều trị thường kéo dài khoảng 6 tuần. Sau khoảng thời gian đó, chỉ 5 - 10% được cân nhắc với chỉ định mổ, nếu mọi nỗ lực điều trị bảo tồn bị thất bại.

Cách phòng bệnh: Thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức bền của cơ thể. Không khiêng vác quá nặng; Đứng ngồi đúng tư thế. Không nhấc một vật quá nặng trong tư thế nghiêng cột sống.

Bệnh gai cột sống: Gai cột sống là tình trạng cột sống bị thoái hóa do quá trình sống và hoạt động. Vì vậy, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng theo độ tuổi.

Biểu hiện của bệnh trên phim X quang là tình trạng xương của thân đốt sống phát triển thêm ra trông giống như một cái “gai” nên gọi là gai cột sống.

Các nguyên nhân gây ra gai cột sống bao gồm: Viêm khớp cột sống mạn tính, sự lắng đọng calcium ở các dây chằng hay gân do rối loạn chuyển hóa của cơ thể và di chứng của một chấn thương trong quá khứ.

Đa số các gai cột sống xuất hiện ở mặt trước và bên, hiếm khi xuất hiện ở phía sau thân đốt sống nên ít gây chèn ép vào rễ thần kinh hay tủy sống. Các biểu hiện thường gặp ở gai cột sống nói chung là đau lưng, đau vai và bị tê tay hoặc chân. 

Điều trị thường dùng các loại thuốc giảm đau kết hợp với vật lý trị liệu (xoa bóp, day ấn huyệt, chiếu đèn...), tập thể dục, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng phù hợp như bơi lội, tập aerobic, yoga, ngồi thiền, đi bộ... Người bệnh nên tránh các công việc nặng như khiêng vác các vật có trọng lượng lớn. 

Ngoài ra, cần lưu ý chế độ ăn nhằm tránh tình trạng tăng cân quá mức hay béo phì gây gia tăng áp lực lên cột sống qua việc hạn chế ăn nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật. Cần tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây.

Bệnh loãng xương: Có thể nói loãng xương là bệnh gắn liền với tuổi tác. Tuổi càng cao thì nguy cơ bị loãng xương càng lớn, vì trong quá trình sống calci trong xương đã bị hao mòn hoặc thiếu hụt nguồn cung cấp để bồi đắp bởi nhiều lý do khác nhau.

Nhiều người thắc mắc rằng tại sao điều kiện kinh tế tốt, dinh dưỡng đầy đủ nhưng vẫn bị loãng xương. Có một điều cần nhớ là “không phải tất cả những gì chúng ta ăn vào đều nuôi dưỡng chúng ta, mà chỉ có những gì được tiêu hóa mới nuôi dưỡng chúng ta mà thôi”. 

Các nhà chuyên môn cho rằng, cơ thể hằng ngày cần khoảng 1.000mg canxi. Nguồn cung cấp chủ yếu từ thức ăn đưa vào. Với một số người thì lượng cung cấp này không có đủ trong thức ăn, nhưng với một số người khác thì lượng cung cấp này có thừa trong thức ăn, nhưng cơ thể không hấp thu được do các bệnh lý ở đường ruột.

Phụ nữ độ tuổi mãn kinh, những người dùng kéo dài các thuốc thuộc nhóm Corticoide (Dexamethasone, Prednisolone…) hoặc thiếu vận động ngoài trời cũng đều dễ bị loãng xương.

Loãng xương diễn ra từ từ, thầm lặng và kéo dài trong nhiều năm khiến cho bộ xuơng của cơ thể con người giảm cả về trọng lượng cũng như chất lượng. Tuy vậy, có thể chủ nhân hoàn toàn không hay biết, cho đến khi xảy ra một biến cố nào đó, thông thường là trượt chân té, có khi rất nhẹ nhàng nhưng cũng làm cho xương gãy. Lúc đó các bác sĩ mới kết luận gãy xương là do bị loãng xương.

Để phòng ngừa bệnh loãng xương chúng ta cần phải cung cấp nguồn thức ăn giàu canxi cho cơ thể (như tôm, cua, cá, nghêu, sò, ốc, hến, sữa, rau dền, rau ngót, đậu nành…), tích cực tham gia những hoạt động ngoài trời, nắng sẽ giúp cơ thể hấp thu vitamin D cần thiết cho quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi.

Nếu điều kiện kinh tế khá có thể dùng thêm một số loại sữa bổ sung canxi hiện đang được khuyến cáo rất nhiều trên thị trường, như Mama sữa non - For old, Obilac… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.