Những bệnh thường gặp về mắt

GD&TĐ - Người ta thường ví von “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Qua cửa sổ tâm hồn này, con người cảm nhận được một cách sâu sắc nhất về cảnh vật, sự việc của thế giới xung quanh.

Điều trị viêm kết mạc.
Điều trị viêm kết mạc.

Sẽ rất thiệt thòi cho những ai mà đôi cánh cửa sổ tâm hồn khép chặt. Những hiểu biết về một số bệnh lý thường gặp của mắt sẽ góp phần gìn giữ cửa sổ tâm hồn đặc biệt mà tạo hóa đã ban tặng...

Tật khúc xạ

Tật khúc xạ gồm nhiều bệnh lý khác nhau và gây ra nhiều rối loạn thị giác khác nhau, mà điển hình là cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị. Tật khúc xạ xảy ra do cấu trúc mắt bị biến đổi như thay đổi hình dạng của giác mạc, độ dài của nhãn cầu vì sử dụng mắt không đúng cách qua một thời gian dài hoặc do sự lão hóa tự nhiên vì tuổi tác. 

Mắt nhìn thấy rõ ràng là nhờ ánh sáng đi qua giác mạc và đến đúng võng mạc nhờ hiện tượng khúc xạ các cấu trúc của mắt. Khi mắt mất khả năng hội tụ chính xác, ánh sáng từ cảnh vật vào mắt không rơi đúng trên võng mạc sẽ gây ra tật khúc xạ, nên gặp khó khăn về thị lực.

Khi đó, người bệnh cần đeo kính để điều chỉnh điểm rơi của ánh sáng cho đúng lên võng mạc để được nhìn thấy rõ ràng hơn.

Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Viêm kết mạc tuy là một bệnh lý lành tính nhưng khả năng lây lan trong cộng đồng rất cao và rất nhanh. Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ và bùng phát thành dịch là do virus. Nó có khả năng lây qua đường hô hấp, dịch tiết và nhất là dùng chung các vật dụng cá nhân.

Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và không tạo miễn dịch nên một người có thể mắc đi mắc lại nhiều lần trong đời và thậm chí là ngay trong một đợt dịch, vừa khỏi bệnh lại... mắc tiếp.

Các biểu hiện luôn có ở bệnh nhân là ngứa, sưng, đau, đỏ mắt, chảy nước mắt và mắt có nhiều ghèn. Một số trường hợp có biểu hiện giảm thị lực. Bệnh thường khỏi sau vài ngày điều trị bằng thuốc nhỏ mắt.

Chắp - lẹo

Chắp và lẹo tuy là hai bệnh, nhưng bản chất chỉ là một, chỉ khác nhau ở vị trí. Lẹo xảy ra ở bờ mi, chắp thì nằm xa bờ mi và ở mặt trong của mi mắt. Chắp - lẹo chỉ xảy ra ở một mắt hoặc đồng thời cả hai mắt. Nhiều người bị hết mắt này chuyển sang mắc kia. Chúng thay nhau cứ thế và bị đi bị lại nhiều lần.

Khác với bệnh đau mắt đỏ, bệnh chắp - lẹo tuy là bệnh nhiễm khuẩn, nhưng lại không lây lan. Bệnh thường do vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra. Vi khuẩn xâm nhập vào mi mắt gây ra hiện tượng viêm nhiễm và hóa mủ tạo thành ổ áp xe nhỏ gây sưng, ngứa và đau. Bệnh cần khám và điều trị ở chuyên khoa mắt và thường được giải quyết nhanh bằng một tiểu phẫu.

Để phòng bệnh chắp - lẹo cần vệ sinh mắt hay khuôn mặt nói chung. Không dùng khăn bẩn, không dụi tay bẩn vào mắt. Đeo kính để bảo vệ mắt khi ở trong môi trường nhiều bụi bặm.

Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể.
Đục thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể còn được gọi là bệnh cườm mắt theo kiểu nói dân gian. Đây là hiện tượng thủy tinh thể trong suốt chuyển dần sang mờ đục gây cản trở tia ánh sáng khúc xạ qua mắt làm giảm thị lực. Người bệnh nhìn ngày càng mờ dần theo sự tiến triển của bệnh và kết thúc trong sự mù lòa.

Nguyên nhân hàng đầu gây đục thủy tinh thể là do lão hóa vì tuổi tác. Các nguyên nhân khác bao gồm tiếp xúc nhiều với tia tử ngoại, chấn thương mắt, viêm màng bồ đào và do có yếu tố di truyền. Tùy yếu tố nguyên nhân và cũng tùy trường hợp mà bệnh xảy ra ở một hoặc cả hai mắt.

Nhờ những kỹ thuật tiên tiến mà trong vài thập niên trở lại đây bệnh được giải quyết một cách nhanh chóng bằng phẫu thuật mổ thay thủy tinh thể nhân tạo.

Tăng nhãn áp (glaucoma)

Tăng nhãn áp thường được gọi là bệnh glaucoma. Bệnh thường xảy ra ở người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là những người có yếu tố di truyền của gia đình với nhiều người mắc bệnh glaucoma. Đây là nguyên nhân gây mù lòa xếp hàng thứ hai trên thế giới sau mù do đục thủy tinh thể.

Nguyên nhân gây bệnh glaucoma là do tăng áp lực của chất lỏng trong mắt vì một lý do nào đó. Sự gia tăng áp lực này tác động lên dây thần kinh thị giác khiến nó hỏng dần gây giảm thị lực và cuối cùng là mù lòa.

Bệnh glaucoma có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu nào báo trước. Do đó cần khám mắt định kỳ để đo nhãn áp phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm sẽ có hiệu quả cao, vì lúc đó dây thần kinh thị giác chưa bị hỏng.

Viêm loét giác mạc

Viêm loét giác mạc xảy ra khi giác mạc bị trầy xước và bị nhiễm trùng. Bệnh đe dọa sự suy giảm thị lực nghiêm trọng nếu như không được điều trị tốt. Vi sinh vật gây viêm loét giác mạc có thể là vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu), virus (zona, herpes) hoặc do nấm (nấm sợi, nấm fusarium).

Các biểu hiện thường thấy của viêm loét giác mạc là cảm giác khó chịu như đang có dị vật trong mắt, đau nhức âm ỉ, chảy nước mắt, sưng mi mắt và khó mở mắt. Nhờ người quan sát kỹ có thể thấy một đốm trắng trên giác mạc, đa số ở vùng trung tâm giác mạc. Đốm trắng đó chính là một áp xe rất nhỏ (microasbcess).

Người bị viêm loét giác mạc cần được khám chuyên khoa mắt và điều trị ngay lập tức. Nếu không, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng do sẹo giác mạc, teo nhãn cầu làm mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.

Bong võng mạc

Bong võng mạc là hiện tượng võng mạc bị tách rời ra khỏi vị trí vốn có. Điều này khiến cho thị giác bị trục trặc và thị lực giảm sút nghiêm trọng, ngay lập tức. Khi võng mạc bong hẳn sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng. 

Nguyên nhân gây bong võng mạc là do dịch lỏng chen vào giữa võng mạc và lớp lót bên dưới làm chúng tách rời dần nhau ra. 

Dấu hiệu đặc trưng của người có mắt bị bong võng mạc là đột nhiên nhận thấy có đốm sáng lóe và kế đó là đốm đen. Đốm đen to dần thành mảng tối che bớt tầm nhìn phía bên nó xuất hiện. Nếu giác mạc chưa bong hoàn toàn thì được giải quyết bằng một phẫu thuật “dán” nó lại.

Nếu phát hiện muộn thì võng mạc đã trôi khỏi vị trí ban đầu và lang thang đâu đó trong dịch mắt. Lúc đó, mắt vĩnh viễn chia tay với ánh sáng và chìm vào bóng đêm lạnh lùng.

Hướng dẫn chăm sóc mắt

Do tính chất rất quan trọng của đôi mắt, nên chúng ta cần phải thường xuyên quan tâm chăm sóc và bảo vệ mắt, để có một “cửa sổ tâm hồn” luôn tươi vui và long lanh. Sau đây là một số lời khuyên của các chuyên gia về mắt:

- Không đọc sách báo ở nơi thiếu ánh sáng, luôn giữ khoảng cách giữa mắt với sách báo, không dí chúng quá gần mắt. Lúc đang di chuyển trên xe tàu đang lắc lư cũng không nên đọc, vì làm cho mắt luôn phải điều tiết, mệt mỏi sinh bệnh.

- Những người bình thường cần có đôi kính râm tốt và đeo kính bảo vệ mắt mỗi khi ra đường, nhất là khi trời nắng gắt để hạn chế tác động của tia cực tím. Những người bị các tật khúc xạ cần đeo kính với các thông số phù hợp.

- Luôn mát xa nhẹ nhàng vùng mặt và mắt để tăng cường máu lên mắt, không ép mắt làm việc liên tục mà cần cho nó thư giãn và xả stress sau mỗi giờ làm việc bằng cách nhìn lên bầu trời xanh hoặc khoảng không gian xa xa...

- Luôn bổ sung vitamine A và các khoáng chất cần thiết như ăn các loại thức ăn có màu như cà rốt, gấc... Sử dụng các loại thực phẩm chức năng hoặc uống các loại thuốc có chứa acid béo omega-3, vitamine A, C, E...

- Không để các vật sắc nhọn đụng chạm vào mắt, nhất là không để cho các mảnh kim loại, dăm đó nhỏ... bắn vào mắt. Tránh dụi mắt quá mạnh để không làm trầy xước giác mạc.

- Sử dụng các loại dung dịch nhỏ mắt chuyên dụng khi làm việc nhiều với máy vi tính hoặc sử dụng kính chống ánh sáng xanh.

- Khám mắt định kỳ, nhất là người có các bệnh lý liên quan đến mắt, người trên 60 tuổi. Đặc biệt đi khám càng sớm càng tốt khi có bất cứ biểu hiện bệnh lý nào của mắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.