Trải qua quãng đường khoảng 4,88 tỷ km trong chín năm ròng rã, vào giữa tháng 7/2015, phi thuyền New Horizons của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã lần đầu tiên tiếp cận được sao Diêm Vương kể từ khi nó được tìm ra vào năm 1930. Hình trái tim độc đáo Quan sát những bức ảnh gửi về, các nhà khoa học phát hiện nổi bật trên bề mặt sao Diêm Vương là vùng màu trắng có hình trái tim, bên cạnh là các vùng có màu sẫm hơn. Các nhà khoa học đã đặt tên cho vùng hình trái tim này là Tombaugh Regio, tên nhà thiên văn học khám phá ra Sao Diêm Vương năm 1930. Hình trái tim được chia làm hai phần. Nửa bên phải dường như mượt mà hơn bên trái với những phần gồ ghề, nhấp nhô. Các nhà khoa học dự đoán, phần gồ ghề rất có thể là những miệng núi lửa chứa đầy khí lạnh như methane, carbon monoxide và nitrogen từ khí quyển. Tuy nhiên, một bức ảnh màu khác được NASA công bố lại cho thấy, hình trái tim đang có nguy cơ tách ra làm đôi. Dựa trên những màu sắc hiển thị, giới thiên văn học cho rằng, rất có thể hai nửa trái tim của sao Diêm Vương có cấu tạo địa chất hoàn toàn khác nhau. Sao Diêm Vương là một hành tinh Đỏ? Theo những hình ảnh đầu tiên được NASA công bố, hành tinh này cũng có màu đỏ gần giống như sao Hỏa. Tuy vậy, so với sao Hỏa hay còn gọi là hành tinh Đỏ, sắc đỏ của sao Diêm Vương cũng có nhiều điểm khác biệt. Nhiều chuyên gia suy đoán, màu đỏ trên sao Diêm Vương được tạo nên bởi những phân tử hydrocarbon gọi là tholins, được hình thành khi ánh sáng của các tia cực tím từ Mặt Trời và các tia vũ trụ tương tác với khí methane trong bề mặt khí quyển của sao Diêm Vương. "Quá trình tạo sắc đỏ trên sao Diêm Vương xảy ra ngay cả vào ban đêm ở những khu vực không có ánh sáng Mặt Trời và kéo dài đến cả mùa đông, khi Mặt Trời vẫn còn dưới đường chân trời", ông Michael Summers, chuyên gia thám hiểm không gian của tàu New Horizons cho biết. Hoạt động địa chất vẫn đang tiếp tục Các hình chụp cận cảnh mới nhất bề mặt của Sao Diêm Vương cho thấy dấu hiệu của các hoạt động địa chất, như núi lửa phun trào, trong vòng 100 triệu năm trở lại đây. "Chúng ta đang chứng kiến một hành tinh biệt lập, có kích cỡ nhỏ, bắt đầu hoạt động sau 4,5 tỷ năm. Khám phá này có thể sẽ khiến nhiều nhà khoa học địa chất phải bắt đầu lại từ đầu", ông Alan Stern, trưởng nhóm khoa học gia nghiên cứu về sao Diêm Vương nhận định. Các nhà khoa học dự đoán, địa hình dốc trên Sao Diêm Vương với lớp khí phía trên cho thấy phải có chuyển động bên trong làm nitrogen tuôn ra bề mặt thông qua quá trình phun trào núi lửa băng, mạch nước phun hoặc các hoạt động địa chất khác đang diễn ra trên hành tinh này. Tên "Pluto" là do một bé gái đặt Ít người biết rằng, tên của sao Diêm Vương (Pluto) vốn là do một bé gái 11 tuổi nghĩ ra. Vào một buổi sáng năm 1930, tại một gia đình ở thành phố Oxford (Anh), Venetia Burney đang ăn sáng cùng ông của mình là Falconer Madan. Ông Falconer Madan tình cờ đọc được mẩu tin thông báo về việc các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hành tinh mới ở xa nhất trong hệ Mặt trời. Ông Madan quyết định đọc to lên để cả nhà cùng nghe. Khi ông Madan đang dự đoán về tên của hành tinh mới, cô bé đã đề xuất: "Tại sao chúng ta không gọi nó là Pluto nhỉ?". Và đó là điểm khởi đầu cho câu chuyện về tên gọi của sao Diêm Vương. Vốn là giám đốc một thư viện ở Đại học Oxford, ông Madan đã chuyển ý tưởng của cô cháu gái tới một người bạn là nhà thiên văn học. Thật bất ngờ, người bạn của ông Madan cũng rất thích tên gọi này. Người này sau đó đã liên lạc với các đồng nghiệp tại đài thiên văn phát hiện hành tinh mới ở bang Arizona (Mỹ) và họ đã hoàn toàn nhất trí đặt tên cho hành tinh mới là Pluto (tức sao Diêm Vương).
Sẽ gọi tái ngũ hàng trăm tiêm kích MiG-31 trong kho dự trữ?
Thế giớiGD&TĐ - Các nguồn thông tin mở cho biết đến năm 2018, Nga có thể vẫn lưu giữ tới 130 tiêm kích MiG-31 trong các kho dự trữ.