Trường đại học kết nối học thuật quốc tế, thúc đẩy mới trong kinh tế và quản trị

GD&TĐ - Hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong nước, quốc tế cùng luận bàn về quản trị vận hành và chuỗi cung ứng trong thời kỳ mới.

PUBEC 2025 nhận được trên 150 bài nghiên cứu đến từ các tác giả, nhóm tác giả của gần 8 quốc gia.
PUBEC 2025 nhận được trên 150 bài nghiên cứu đến từ các tác giả, nhóm tác giả của gần 8 quốc gia.

Đây chủ đề Hội thảo khoa học quốc tế về kinh tế và kinh doanh (PUBEC 2025) do Trường Kinh tế - Đại học Phenikaa tổ chức. Không chỉ là diễn đàn học thuật quốc tế uy tín, hội thảo còn góp phần thúc đẩy các giải pháp đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, quản trị và phát triển bền vững.

PUBEC 2025 nhận được trên 150 bài nghiên cứu đến từ các tác giả, nhóm tác giả của gần 8 quốc gia (Hoa Kỳ, Đức, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Bulgaria, Indonesia và Việt Nam).

Trong đó, gần 60 bài được chọn lọc để in kỷ yếu và trên 30 bài trong số này được chọn để trình bày trong 11 phiên song song, 4 keynote speakers/invited talk trong hai phiên tổng thể. Gần 50% số bài nghiên cứu và các tác giả đến từ các đơn vị ngoài Đại học Phenikaa.

Phát biểu tại phiên khai mạc, GS.TS.Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Đại học Phenikaa khẳng định: PUBEC 2025 không chỉ là nơi các nhà học giả, các nhà nghiên cứu chính sách, các nhà quản lý trao đổi chuyên môn, học thuật bổ ích mà còn đề xuất những đóng góp mới góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản trị du lịch.

gsts-pham-thanh-huy-hieu-truong-dai-hoc-phenikaa.jpg
GS.TS. Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Đại học Phenikaa.

Tại hội thảo, GS.TS. Cihan Cobanoglu, Hiệu trưởng Đại học Virscend (California, Hoa Kỳ), chuyên gia hàng đầu về công nghệ trong giáo dục và du lịch – khách sạn, đã chia sẻ với chủ đề “Chiến lược học tập trải nghiệm trong giáo dục kinh doanh thời đại AI”.

Ông đã đặt lại câu hỏi về sứ mệnh của giáo dục đại học: Liệu học thuật chỉ có giá trị khi kết nối trực tiếp với thực tiễn? Câu trả lời nằm trong mô hình trải nghiệm mà ông phát triển, nơi sinh viên không chỉ học mà còn làm việc, đối thoại và sáng tạo trong một môi trường toàn cầu thực tế.

GS.TS. Wendy Phillips, Đại học West of England, Vương quốc Anh, chia sẻ về "Tương lai của chuỗi cung ứng y tế". Bà đã phản ánh sâu sắc về sự mong manh của chuỗi cung ứng sức khỏe trong các khủng hoảng toàn cầu, từ dịch bệnh đến xung đột. Tham luận của bà là một lời cảnh báo chiến lược, nhấn mạnh sự chuyển dịch từ tư duy tối ưu hóa sang tư duy thích nghi, và từ mô hình tập trung sang mô hình sản xuất – phân phối phi tập trung trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

GS.TS. Gareth Edwards, Đại học West of England (Anh), đồng Tổng biên tập tạp chí Leadership, với kinh nghiệm dày dặn trong việc xuất bản và làm việc với các tạp chí học thuật hàng đầu thế giới, đã chia sẻ về “mặt sau” của học thuật: Xuất bản không chỉ là kết quả, mà còn là một phần quan trọng của quá trình phát triển tư duy nghiên cứu. Bài trình bày của ông, với chủ đề “Xuất bản trên tạp chí học thuật chất lượng cao: Điều cần lưu ý”, đã cung cấp những góc nhìn sâu sắc về quy trình này.

gsts-cihan-cobanoglu-hieu-truong-dai-hoc-virscend-california-hoa-ky.jpg
GS.TS. Cihan Cobanoglu, Hiệu trưởng Đại học Virscend (California, Hoa Kỳ).

Bên cạnh các phiên báo cáo toàn thể (plenary sessions), hội thảo còn tổ chức nhiều tiểu ban chuyên đề xoay quanh các chủ đề nổi bật như: Quản trị rủi ro và khủng hoảng, Quản trị sản xuất và vận hành, Quản trị logistics và chuỗi cung ứng, Quản trị du lịch và dịch vụ, cùng với Quản trị kinh doanh và phát triển bền vững.

Với 12 phiên song song, hội thảo chạm tới nhiều lĩnh vực như logistics, chuỗi cung ứng, xuất khẩu, ESG, du lịch, marketing, hành vi tiêu dùng, khởi nghiệp, kinh tế số… Điều đáng nói không chỉ nằm ở sự đa dạng chủ đề, mà ở phương thức tiếp cận: các báo cáo đều xoay quanh các vấn đề hiện thực – từ chính sách địa phương đến rủi ro toàn cầu – dưới lăng kính nghiên cứu có cơ sở lý luận vững và số liệu thực chứng.

Các nghiên cứu tại hội thảo đến từ nhiều quốc gia và tổ chức khác nhau: từ Việt Nam, Anh, Đức, Indonesia… với sự hiện diện của các nhà nghiên cứu trẻ, cho thấy một thế hệ học giả mới đang hình thành – gắn bó với thực tiễn bản địa nhưng tư duy toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ