Những bàn tay viết nên huyền thoại giữa núi rừng biên giới

GD&TĐ - Vào những ngày tháng 8, chúng tôi đã đặt chân đến nơi “thâm sơn cùng cốc” Khe Gát- Chí Lời gặp gỡ,  chia sẻ với những Cựu thanh niên xung phong (Tổng đội TNXP trực thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh) bằng bàn tay, khối óc đã và đang viết lên những huyền thoại giữa vùng biên giới xa xôi này.

Mô hình trang trại của vợ chồng cựu TNXP Trần Đình Hoan
Mô hình trang trại của vợ chồng cựu TNXP Trần Đình Hoan

Làng thanh niên lập nghiệp

Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) Tây Sơn được thành lập nhằm khai thác tiềm năng khu vực miền núi để phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biên giới quốc gia. Đây là đơn vị sự nghiệp kinh tế do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trực tiếp quản lý. Đơn vị đươc giao 3.631,7 ha rừng, trong đó có 700 ha khoanh nuôi bảo vệ, 2100 ha rừng sản xuất, 350 ha đất nông nghiệp, còn lại là diện tích ao hồ mặt nước và đất sử dụng cho công trình nhà ở, công cộng.

Anh Hoàng Thế Lộc - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Tây Sơn chia sẻ: “Mười lăm năm kể từ khi thành lập đến nay, Tổng đội TNXP chúng tôi đã nếm trải bao vui buồn, đối mặt với nhiều thách thức và nỗ lực vượt lên chính mình để cắm chân, trụ lại, tồn tại và phát triển như ngày nay. Có thể nói, tập thể các thế hệ  Tổng đội đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật viết lên huyền thoại giữa núi rừng biên giới Hương Sơn”.

Còn nhớ, những năm đầu mới thành lập, Khe Gát, Chí Lời, Rào Tre là:” thâm sơn cùng cốc”, “nước độc, rừng thiêng”. Anh Nguyễn Thiện Trình nhớ lại: “ Cơ sở vật chất ban đầu của Tổng đội không có gì. Nơi làm việc, ăn ở đều tạm bợ, nói chi đến điện thắp sáng, nước sạch và công trình vệ sinh.  Bốn bề núi, vô núi, ra núi. Nắng đổ lửa. Mưa thối đất. Đã mưa là lũ. Lũ ống. Lũ quét. Thôn xóm bị chia cắt. Đường đi ngoằn nghèo lên dốc, xuống suối. Chỉ muỗi, bọ mắt, bùi nhùi là nhiều vô kể”.

Những khó khăn trước mắt đã làm không ít người nản lòng, nên trên 100 thanh niên từ Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc  đã lần lượt về xuôi. Chỉ còn lại 7 hộ quyết tâm ở lại vào rừng đẵn tre nứa dựng lều trên những đồi sim mua hoang dại. Những năm 2000, làng lập nghiệp thanh niên chỉ lèo tèo có vậy.

Lãnh đạo Tổng đội lại bươn chải về xuôi, tuyên truyền, vận động, hết đợt này đến đợt khác, nói rõ những khó khăn thách thức, thổi lên ngọn lửa của khát vọng, thôi thúc ý chí lập nghiệp của thanh niên và dần dần, những thanh niên từ dưới xuôi lên với Khe Gát - Chí Lời.

“Phải đến những 2006 khi Tổng đôị quy hoạch, giao hẳn đất cho hộ thanh niên khai thác, (bình quân mỗi hộ được giao từ 1 đến 2 ha đất nông nghiệp, 5 đến 10 ha đất trồng rừng). Tổng đội hỗ trợ giống, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm thì diện mạo của làng thanh niên lập nghiệp khác hẳn. Núi đồi được thức dậy, sinh sôi nẩy nở. Nhà cửa mọc lên. Các hộ không chỉ  trồng , khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng cao su, trồng chè nguyên liệu mà còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm” - anh  Hoàng Thế  Lộc kể lại.

Những con số 154 ha chè nguyên liệu được phủ khắp đất trống đồi trọc cho năng suất bình quân 12 tấn chè búp tươi/ năm; trồng mới 900 ha rừng nguyên liệu, trồng mới 120 ha cao su, 15 ha cây ăn quả, khoanh nuôi 2500 ha rừng tự nhiên, khai thác hàng chục ha  trồng lúa nước, đất bờ bãi ven khe suối trồng đậu lạc, và khai thác diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đã tạo cho làng thanh niên lập nghiệp sinh khí mới.

Cũng từ đây, trung tâm làm việc của Tổng đội được xây dựng khang trang. Con đường vào Tổng đội vào làng thanh niên được đổ nhựa hay bê tông hóa. Ô tô đi lại dễ dàng. Đường điện về tận thôn bản. Tổng đội đã cùng với chính quyền địa phương xây dựng trường mầm non kiên cố với đầy đủ tiện nghi cho con em học tập. Sân chơi bãi tập được đầu tư xây dựng.

Không ai ngờ được chốn “thâm sơn, cùng cốc” này mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc, trên sân bóng lại vang lên tiếng reo hò cỗ vũ cho các đội bóng. Nhưng đặc biệt nhất là Tổng đội bằng huy động nội ngoại lực đã đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến chè  công suất 12 tấn/ ngày có tổng đầu tư lên đến 3,5 tỷ đồng với công nghệ sấy, vò, xào, đánh sợi hiện đại đã giải được bài toán nâng cao chất liệu sản phẩm chè Tây Sơn làm vừa lòng khách hàng.

Chè, cây lập nghiệp của Làng thanh niên
Chè, cây lập nghiệp của Làng thanh niên  

Đến làng nông thôn mới

Sau 15 năm phát triển, Tổng đội có  218 hộ với 784 nhân khẩu được phân bố 2 thôn. Thôn Phố Tây (thuộc xã Sơn Tây) có 76 hộ và thôn Thanh Dũng (thuộc xã Sơn Kim 2) có 142 hộ.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 2 đánh giá rất cao đóng góp của Tổng đội TNXP Tây Sơn trong hành trình xây dựng NTM, họ đã cùng chính quyền, nhân dân chung tay xây dựng đường làng, ngõ xóm, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM.

Sự đổi mới ở Phố Tây hiện rõ mỗi ngày. Đổi mới không chỉ ở cảnh quan thôn xóm, điện đường, trường trạm, ở vườn tược, cây cối khu dân cư , nhà cửa, môi trường môi sinh mà đổi thay cả nếp cảm, nếp nghĩ. Cái được lớn nhất của sự nghiệp xây dựng NTM là cuộc sống làng quê đáng sống hơn, tình người, tình làng xóm, quê hương được thức dậy và gắn bó.

Cũng từ đây, nhiều mô hình kinh tế xuất hiện. Những trang trại chăn nuôi ngày một dày đặc, giải quyết hàng chục lao động nông thôn. Đáng kể đến, mô hình của gia đình anh Trần Đình Hoan. Năm 2003, lên khe Gát, Chí Lời, vợ chồng Hoan chỉ bàn tay trắng. Cùng với 6 gia đình khác, vợ chồng Hoan cắm lại nơi núi rừng heo hút này, đổ mồ hôi bạt núi, xẻ đồi, trồng trọt, chăn nuôi, mưu sinh. Năm 2015, cùng với một số gia đình bạn bè, vợ chồng Hoan mạnh dạn đầu tư 26 tỷ chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Từ đó đến nay, cứ bình quân trang trại anh giữ ổn định trên cả 500 con lợn nái, mỗi lứa xuất 5.000 con lợn giống, 4.000 con lợn thịt. Giải quyết hàng chục lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình trồng chè nguyên liệu của Tổng đội TNXP là mô hình ổn định, phát triển đảm bảo đời sống cho hơn 200 hộ sản xuất. Cây chè ở Tây Sơn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu,cây lập nghiệp, cây NTM.

Đến với làng lập nghiệp TNXP bây giờ, ra đồi: trước chè, sau chè. Vào sâu trong  rừng: cao su sắp thu hoạch. Hàng ngàn héc ta rừng tái sinh khép tán có độ che phủ trung bình. Về nhà trâu, bò lợn đầy chuồng. Gà ríu ran cục ta cục tác. Gần 100% các hộ xây dựng nhà kiên cố, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Chúng tôi đã nhìn thấy, “Biên giới không xa xôi. Biên giới vững chắc. Chủ quyền, an ninh quốc gia được bảo vệ”.

Thành công của Dự án xây dựng làng TNXP lập nghiệp, xây dựng và phát triển kinh tế mới vùng sâu, vùng xa vùng biên giới của Tổng đội TNXP khẳng định một hướng đi đúng. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích giữ vững và phát triển những thành quả đạt được lên tầm cao mới. Vì vậy, sau khi về đích NTM, thôn Phố Tây cũng như thôn Thanh Dũng tiếp tục có lộ trình xây dựng thôn kiểu mẫu – ông Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ