Những bài tập truyền cảm hứng

GD&TĐ - Nhiều trường học chủ trương không giao bài tập về nhà nhưng vẫn có nhiều cách thức để học sinh duy trì thói quen học tập...

“Dự án bí mật” thư gửi bố mẹ lúc Giao thừa của học sinh lớp 6, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC
“Dự án bí mật” thư gửi bố mẹ lúc Giao thừa của học sinh lớp 6, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Với quan điểm, ngoài dịp để học sinh nghỉ ngơi, Tết cổ truyền còn là cơ hội để cả nhà trường và gia đình định hướng giáo dục trẻ em về giao tiếp, lễ nghi…, nhiều trường học chủ trương không giao bài tập về nhà nhưng vẫn có nhiều cách thức để học sinh duy trì thói quen học tập.

Xuân hiếu hạnh

Ngày học cuối trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh lớp 6/1, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Ngọc Nhân phát lại phiếu kế hoạch cá nhân và thư gửi bố mẹ do chính các em viết.

Tùy theo từng điều kiện, hoàn cảnh gia đình của mình, mỗi học sinh sẽ tự xác định những công việc sẽ phụ giúp bố mẹ trong những ngày giáp Tết. Đó có thể là tự vệ sinh, sắp xếp lại phòng ngủ, bàn học của mình cho gọn gàng, ngăn nắp. Tham gia dọn dẹp, trang trí nhà cửa cùng gia đình; chơi cùng các em nhỏ… Cũng có những học sinh của lớp 6/1 đăng ký sẽ cùng làm vệ sinh ngõ xóm, gỡ các miếng dán quảng cáo ở khu vực công cộng nơi các em sinh sống…

Cô Nhân cho biết: “Dịp nghỉ Tết là cơ hội để giúp học sinh phát triển một số kỹ năng như tự phục vụ bản thân, kỹ năng xã hội, tăng thêm sự hiểu biết, gắn bó với gia đình, họ hàng… Đây chính là những ‘bài tập’ cho các em chứ không phải là những tập bài tập dày của các môn học buộc học sinh phải ngồi vào bàn để học”.

Một số giáo viên chủ nhiệm của Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) còn có phiếu bài tập với mục đích giáo dục cảm xúc cho học sinh. Giáo viên sẽ đưa ra một số câu lệnh như: 2 điều ấn tượng trong ngày Tết, dùng 2 - 3 từ thể hiện cảm xúc của em vào dịp Tết.

Ngày học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cô và trò các lớp sẽ tổ chức hoạt động khai bút đầu xuân và trang trí cây ước nguyện. Mỗi tấm thiệp trên cây ước nguyện sẽ là những mong muốn của học sinh trong năm mới, được thể hiện chỉ trong 3 - 5 từ hoặc một câu ngắn.

Cô Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Không giao bài tập nhưng nhà trường vẫn có nhiều hình thức để duy trì thói quen học tập. Bên cạnh Xuân hiếu hạnh, nhà trường còn phát động chương trình tặng sách cho học sinh trong dịp Tết”.

Tùy theo sở thích, học sinh có thể làm clip giới thiệu về quyển sách mà mình đã đọc; cùng đọc sách với ông bà, bố mẹ, làm post card để các bạn cùng nghe… Mỗi lớp sẽ tổ chức trò chơi nhỏ để giáo viên nắm bắt được mức độ và sự yêu thích việc đọc sách của từng học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cùng gia đình gói bánh chưng đón Tết cổ truyền trong chuỗi hoạt động Xuân hiếu hạnh. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cùng gia đình gói bánh chưng đón Tết cổ truyền trong chuỗi hoạt động Xuân hiếu hạnh. Ảnh: NTCC

Thư gửi đêm Giao thừa

Cô Nguyễn Thị Ngọc Nhân kể, trước dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023, cô đề nghị mỗi học sinh ở lớp mình chủ nhiệm viết một lá thư ngắn để gửi cho bố mẹ. “Đây là một ‘dự án học tập’ bí mật giữa giáo viên và học sinh. Có nhiều em không biết viết gì, cũng có em diễn đạt còn lủng củng. Nhưng cũng có nhiều học sinh viết rất tình cảm, chân thành. Lá thư nào, cô giáo cũng đều xem qua, nếu cần thiết thì sẽ gợi ý, sửa lại câu văn cho các em”, cô Nhân chia sẻ.

“Dự án bí mật” của cô Nhân và học sinh nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh. “Như phụ huynh em Nguyễn H.K đã tâm sự với cô giáo rằng không nghĩ sẽ nhận được một lá thư với nhiều cảm xúc từ đứa con trai ngày thường lầm lì, ít nói, đôi lúc còn cãi lại ba mẹ. Đúng Giao thừa, con trai lấy bức thư ra đọc cho cả nhà nghe. Con xin lỗi vì đã từng cãi lời mẹ khiến cho mẹ khóc và mất ngủ. Con cũng thấy được sự vất vả của ba mẹ và thừa nhận bản thân có những việc làm khiến ba mẹ buồn phiền”, cô Nhân kể.

Tuy không giao bài tập về nhà, nhưng học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) được thầy Hiệu trưởng nhắc nhở trong buổi đối thoại với học sinh rằng cần phải cân đối thời gian học tập và vui chơi hợp lý trong những ngày Tết. “Ngoài việc không được đốt pháo, giữ an toàn giao thông trong những ngày Tết, không chơi các trò chơi ăn tiền, học sinh lớp 12 nên tìm hiểu dần các thông tin liên quan đến sở thích nghề nghiệp” - thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Với những học sinh có nguy cơ bỏ học, Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My đã gặp riêng để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và có những hỗ trợ, động viên trước dịp Tết Nguyên đán.

“Mỗi em được tặng 1 đôi dép mới. Ngoài ra, nhà trường gửi thêm 1 gói mứt gừng để các em góp một chút Tết cùng với gia đình, dù phong tục của đồng bào chỉ có tết mùa”, thầy chia sẻ và cho biết thêm, có nhiều học sinh, những ngày nghỉ Tết cũng đồng thời là khoảng thời gian các em phụ giúp gia đình trong việc nương rẫy, đi rừng. Vì vậy, thầy cô cũng lưu ý các em cần đảm bảo an toàn trong khi lao động, khi di chuyển qua suối… và ghi nhớ mốc thời gian quay trở lại trường học.

Để cho học sinh tiểu học, nhất là khối lớp 1 vừa mới chuyển qua học phần tập đọc cần phải duy trì việc đọc để không quên mặt chữ, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) cho học sinh mượn truyện tranh về nhà để đọc trong dịp Tết. Với những khối lớp lớn hơn, nhà trường sẽ phân loại đầu sách phù hợp như sách khoa học, phổ biến kiến thức, sách truyện thiếu nhi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.