Những bài học tiếp cận “công nghệ 4.0”

Những bài học tiếp cận “công nghệ 4.0”

Trong công tác giảng dạy môn Tiếng Anh, cô Loan thường tự làm những video clip bằng phần mềm Filmora về đa dạng chủ đề gây hứng thú cho học sinh cũng như hướng dẫn các em làm dự án đầy sáng tạo và ý nghĩa. Qua đó, vừa nâng cao được nghiệp vụ của bản thân, mà còn giúp học trò phát triển kiến thức về tin học, tiếp cận gần hơn với “công nghệ 4.0”.

Ngoài ra, trong các giờ dạy kĩ năng, phần liên hệ thực tế, cô còn sử dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả như tạo ra các tình huống để học sinh nhập vai vào các nhân vật, sử dụng ngôn ngữ, cấu trúc, cách diễn đạt văn phong giao tiếp tiếng Anh, để đóng một đoạn kịch với mục đích làm cho giờ học sinh động hơn và phát triển kĩ năng giao tiếp cho học sinh.

Trong năm học 2018 - 2019, cô Loan nghiên cứu áp dụng thành công phương pháp này vào bài học kĩ năng nói, chủ đề về phát minh cho học sinh lớp 10. Học sinh đóng vai là các đồ vật, các phát minh để nói về công dụng của mình để cho bà chủ không vứt chúng đi. Bài giảng này đã đoạt giải Nhất trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp cụm.

Ở Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cô Loan tiếp tục đoạt giải Nhất với bài giảng về chủ đề sự ô nhiễm. Cô đặt tình huống học sinh đóng vai là các Táo nước, Táo đất, Táo không khí để tâu với Ngọc Hoàng về con người có những hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như thế nào.

Ban đầu, học sinh còn rụt rè, lo sợ, nhưng nhờ sự khích lệ, động viên của cô giáo, các em dần trở nên mạnh dạn, tự tin. Thậm chí, các em còn tạo ra những sự bất ngờ, mới mẻ, làm phong phú hơn các kiến thức trong bài học.

Nhận thấy được những hiệu quả tích cực của các bài giảng nhập vai, cô Loan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mà mình có được trong quá trình giảng dạy với đội ngũ giáo viên trong tổ để mọi người có thêm những sự sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn.

Cô Nguyễn Thị Thanh Loan

Không chỉ trong các công tác giảng dạy, cô Loan còn có những đổi mới trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi như ứng dụng “quizlet”, “jump story” để ôn luyện các chuyên đề quan trọng. Đó là các chuyên đề cấu tạo từ, chuyên đề viết lại câu, chuyên đề cụm động từ; làm flashcard từ vựng, thành ngữ cho học sinh; chụp camscanner, sưu tầm các đề thi, đầu sách; chữa chấm liên tục các đề thi mỗi tuần ít nhất một buổi online để giải đáp thắc mắc.

Trước khi thực hiện phương pháp này, học sinh học các chuyên đề khó thường nhầm lẫn về từ vựng, thành ngữ, cấu trúc câu. Sau khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy đội tuyển, học sinh có hệ thống ôn tập hơn, nắm vững kiến thức chuyên đề nên đoạt giải cao hơn.

Nhận thức được sự khó khăn về khả năng giao tiếp cũng như các kĩ năng cần có của học trò, cô Loan đã phân nhóm hướng dẫn học sinh tìm đề tài nghiên cứu khoa học, kết hợp cho học sinh đi thực tế trong chương trình “Em tập làm hướng dẫn viên du lịch”.

Học sinh đã phát triển các kĩ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, nghiên cứu, kĩ năng sống rất tốt. Kết quả thực hiện: Trong 5 năm liên tiếp, câu lạc bộ Tiếng Anh đón đoàn giáo viên và học sinh Trường THPT Miyazaki Omya Nhật Bản trong chương trình giao lưu văn hóa nghiên cứu khoa học đầy ý nghĩa.

Năm học 2018 - 2019, cô Loan dẫn 3 học sinh sang Nhật trao đổi văn hóa và nghiên cứu khoa học với đề tài trồng cây trên cát hiệu quả. Từ những bài học nghiên cứu đó, khả năng nghiên cứa khoa học của học sinh có những bước tiến rõ rệt. Học sinh có nhiều nghiên cứu khoa học thuyết trình bằng tiếng Anh hiệu quả, được thầy cô và các bạn học sinh Nhật Bản đánh giá cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ