(GD&TĐ)-Làm thế nào để quản lý dạy học vùng khó có hiệu quả, đó là nỗi băn khoăn, trăn trở đối với hầu hết những người làm công tác quản lý. Dưới đây là những kinh nghiệm quý được chia sẻ từ chính những người có hàng chục năm gắn bó với trường lớp ở nhiều vùng khó khăn của Tổ quốc.
Lớp học tại điểm trường chính của trường THCS Phì Nhừ (Điện Biên) |
Với cô Trần Thị Năm - Trường TH số 1 Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị, việc cần làm đầu tiên là phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và toàn dân về giáo dục, từ đó có sự phối hợp có trách nhiệm và chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Cùng với đó là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Muốn làm được việc này đòi hỏi người cán bộ quản lý giáo dục phải tìm hiểu, nắm chắc tình hình mọi mặt đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường; biết và hiểu được tâm lý, điều kiện gia đình, hoàn cảnh cuộc sống của học sinh; đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương, sự quan tâm của cộng đồng đối với sự nghiệp giáo dục.
Với Trường TH số 1 Hướng Hiệp, ngay từ đầu năm học, nhà trường phải xây dựng và phổ biến trước Hội đồng sư phạm về ý nghĩa vai trò của nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để chỉ đạo và định hướng các giải pháp thực hiện. Từ đó để trưng cầu ý kiến, giải pháp thực hiện của tập thể sư phạm nhà trường...
Người hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sư phạm và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ giáo viên. Theo đó, mỗi hiệu trưởng cần nắm được những yêu cầu chuẩn đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên; nắm được nội dung công tác quản lý và xây dựng đội ngũ; nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ và những nguyên tắc, biện pháp quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ; biết đánh giá tình hình đội ngũ, lập kế hoạch quản lý, bồi dưỡng đội ngũ; đẩy mạnh phát triển chuyên môn cho tất cả cán bộ, giáo viên trong trường, giúp giáo viên có đủ năng lực tham gia vào công cuộc đổi mới giáo dục; nâng cao sự hiểu biết về văn hóa về các vấn đề giáo dục nói chung đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Ngoài ra, người đứng đầu nhà trường cần tổ chức tự học, tự bồi dưỡng các chuyên đề theo chu kỳ bồi dưỡng thường xuyên; tổ chức cho giáo viên tiếp cận với phương pháp dạy học mới; tổ chức dự giờ thăm lớp để rút kinh nghiệm giảng dạy; mạnh dạn sắp xếp, khuyến khích giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức học tập chính trị, thời sự một cách thường xuyên và nghiêm túc, tham gia các phong trào ở địa phương; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh; xây dựng tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên vững mạnh là đầu tàu trong mọi công tác của nhà trường.
Một việc cũng rất quan trọng, đó là phải làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng kêu gọi các dự án, các nhà hảo tâm, các đơn vị kinh tế quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động giáo dục của nhà trường...
Học sinh Điện Biên lấy nước sinh hoạt |
Cô Nguyễn Thị Thanh Tịnh - giáo viên trường THPT Chu Văn An, Tỉnh Đăk Nông cho rằng, để dạy học ở vùng khó khăn cần tận tụy sâu sát, thực sự vì học sinh, quan tâm đến từng em học sinh về tất cả mọi mặt từ học tập cho đến cuộc sống tình cảm gia đình. Trong hoạt động dạy học phải luôn chú ý giáo dục cho các em kỹ năng sống phù hợp với môi trường kinh tế xã hội.
Quan điểm dạy học của cô Nguyễn Thị Thanh Tịnh là thực hiện việc dạy đối với mỗi học sinh chứ không phải là dạy cho mỗi lớp học sinh, yêu cầu học sinh hoạt động học tập tiếp thu kiến thức là mục tiêu của mỗi tiết dạy đặt ra trong bài soạn.
Trong vai trò quản lý, theo cô Tịnh cần chú trọng đến năng lực cá nhân trong nhóm làm việc, luôn luôn ý thức rằng mình phải có trách nhiệm gắn kết đội ngũ thầy cô giáo trong tổ bộ môn, cùng hướng vào mục tiêu giáo dục toàn diện. “Tôi luôn quan tâm đến sự phát triển ổn định của tập thể tổ chuyên môn, của đơn vị nhà trường để hoàn thành sứ mệnh của nhà trường, để mỗi cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - Cô Nguyễn Thị Thanh Tịnh chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, cô Hoàng Thị Tuyền - Trường THCS Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng đặc biệt nhấn mạnh đến việc giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó. Để giảm bớt phần nào những khó khăn của các em, bản thân cô đã tìm mọi cách để khắc phục như: Phối hợp với giáo viên tổng phụ trách Đội phát động phong trào gây quĩ: “Vòng tay bạn bè”, “Áo ấm tặng bạn”...có những lúc học sinh không có tiền nộp phải nộp bằng vật chất như ngô, đỗ... giáo viên mang đi bán để qui ra tiền nộp kế hoạch nhỏ của các em.
Trong công tác chủ nhiệm, cô Hoàng Thị Tuyền lập danh những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trình lên chính quyền địa phương để các em được miễn giảm các khoản đóng góp, vận động các cấp các ngành như Hội cha mẹ học, Hội Chữ thập đỏ, Quĩ bảo vệ trẻ em, quĩ Hội khuyến học...cùng vào cuộc nhằm giúp các em giảm bớt được phần nào những khó khăn trong học tập.
Việc vận động học sinh đi học cũng cần rất nhiều công phu, đặc biệt là cái tâm với nghề, tình yêu trẻ. Cô Tuyền tâm sự: Các xã vùng cao biên giới hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, nhiều nơi học sinh phải đi bộ hàng chục cây số để đến lớp. Do ảnh của phong tục tập quán, ở bộ phận dân tộc ít người như Mông, Dao...có phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm, có học sinh đang học lớp 7 bỏ học về nhà lấy chồng, bản thân tôi đã lặn lội hàng chục cây số và đến nhà rất nhiều lần để động viên các em đi học, kết quả là 2 vợ chồng tiếp tục đi học và ngồi chung một bàn cho đến lúc học hết THCS.
Do trình độ dân trí thấp, có những phụ huynh đã phát biểu: “Chúng tôi không biết chữ, trồng cây ngô nó cũng mọc, cần gì phải đi học, để nó ở nhà giúp bố mẹ làm việc thôi”... Có những HS bỏ học cũng chỉ vì hoàn cảnh quá khó khăn có em chỉ có một bộ quần áo mặc đi học suốt cả mùa hè cũng như mùa đông, ...muôn vàn khó khăn khác nữa, nhiều lúc chúng tôi không thể tự đứng ra giải quyết được mà phải kêu gọi sự hỗ trợ của trưởng xóm, Tổ phụ nữ, cộng tác viên Kế hoạch hoá gia đình ở thôn bản... cùng chung tay giải quyết.
Việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc là khó khăn, trăn trở của rất nhiều giáo viên vùng khó. Trường THCS Pác Bó đã tìm ra những biện pháp khắc phục như tăng cường việc giao tiêp với học sinh kể cả ngoài giờ lên lớp, tổ chức các buổi ngoại khoá về tiếng việt, tăng cường các hoạt động để các em được bộc lộ những suy nghĩ của mình, mạnh dạn hơn trong giao tiếp...
Trường THCS PHì Nhừ - Điện Biên |
Phó Tổ trưởng tổ Lý Trường THPT Chuyên tỉnh Sơn La, ngôi trường giành được 1 huy chương Vàng Olympic Vật Lý Quốc tế năm 2012 Trần La Giang chia sẻ kinh nghiệm tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi. Theo đó nhấn mạnh việc tuyển chọn đúng học sinh có năng khiếu, năng lực đặc biệt, là khâu quan trọng, là điều kiện tiên quyết trong việc có được đội tuyển học sinh giỏi chất lượng. Để làm được điều này ngoài việc theo dõi quá trình học tập của các em trên lớp, cần cho các em thử sức mình qua nhiều vòng thi.
Tiếp đến, bên cạnh yếu tố năng lực, trình độ của học sinh, người giáo viên có vai trò rất quan trọng. Giáo viên phải là người gieo niềm hứng thú, khơi gợi say mê sáng tạo và dẫn dắt học sinh đi dến vinh quang bằng trí tuệ, tài năng và niềm đam mê của mình. Đặc biệt, việc mời các em học sinh đã đạt giải cao về trao đổi, hướng dẫn các em học sinh khóa sau cũng là một giải pháp quan trọng không chỉ có tác dụng về mặt kiến thức mà còn có tác dụng cổ vũ, động viên các em noi gương, phấn đấu.
Ngoài việc phải gắn mình với tập thể, đặc biệt là tổ chuyên môn để có thể huy động được sức mạnh của tập thể, người giáo viên cần thực sự tâm huyết, yêu nghề, say mê khoa học, ham học hỏi, không ngại khó, không bằng lòng với những thành tích sẵn có, không bằng lòng với chính mình; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Ngoài ra cần trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp ở các trường Chuyên trong toàn quốc. Xây dựng được mối liên hệ, kênh thông tin với các giáo sư đầu ngành, các chuyên gia khoa học để có thể tiếp cận nhanh, linh hoạt, hiệu quả các thông tin cập nhật về nội dung chương trình cũng như tiếp cận với phương pháp dạy học mới, có nhiều hình thức hữu hiệu để khuyến khích học sinh, phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu đối với học sinh giỏi.
Hải Bình