Ở Điểm thi THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, TPHCM, thí sinh Nguyễn Minh Thiên Phong vừa trải qua ca mổ hôm 26/6, không thể ngồi, nhưng em vẫn quyết tâm uống thuốc giảm đau để tham gia thi. Điểm thi đã tạo điều kiện cho em nằm trên chiếc giường, thêm chiếc gối nhỏ trước ngực để làm bài. Dù cơn đau còn âm ỉ nhưng nam sinh vẫn cố gắng để hoàn thành bài thi một cách tốt nhất, với hy vọng có thể vào được Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Sát cánh bên sĩ tử tuổi 18, ở nhiều trường thi còn có thí sinh tóc đã điểm hoa râm. Dù tuổi cao, viết chậm hơn lớp trẻ, nhưng những sĩ tử tuổi 50, 60 vẫn kiên trì từng nét bút làm bài. Đó là thí sinh Nguyễn Duy Lam, 51 tuổi, ở Điểm thi Đông Thụy Anh, huyện Thái Thụy, Thái Bình; thí sinh Y Sem Ja, 51 tuổi, dân tộc M’nông ở Điểm thi THPT Lắk, tỉnh Đắk Lắk; thí sinh Ngô Thị Kim Chi, 64 tuổi ở Điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Quận 4, TPHCM)… “Không có gì quan trọng bằng kiến thức. Dù làm nghề nào cũng phải có kiến thức. Kiến thức là vô hạn nên học bao nhiêu cũng không đủ và ở tuổi nào cũng không muộn”, sĩ tử tuổi 64 Ngô Thị Kim Chi chia sẻ.
Khi mỗi cá nhân đầy nỗ lực và quyết tâm trên con đường chinh phục tri thức thì xã hội cũng ra sức đồng hành, tiếp sức. Mùa thi năm nay ghi nhận biết bao câu chuyện cảm động của cộng đồng cùng chung tay vì sự học. Ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An, thí sinh Hoàng Thị Hải Yến vừa mất cả bố lẫn mẹ trong vòng một tháng. Cú sốc về tinh thần ở tuổi 18 khiến em khó trụ vững.
Thế nhưng vượt qua đau thương, Hải Yến vẫn tự tin bước vào kỳ thi năm nay. Đằng sau sự tự tin của em là nỗ lực chung sức sẻ chia của nhà trường, chính quyền, bà con lối xóm. Ông Tưởng Đăng Hào, Chủ tịch UBND thị trấn Dùng, cho biết: “Địa phương đã làm việc với nhà trường, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể với Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn và các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để Yến yên tâm dự thi, đạt kết quả cao nhất”.
Ở vùng cao Lạng Sơn, trước ngày thi, những cơn mưa lớn ở thượng nguồn đổ về khiến đường sá hư hỏng nặng, cầu bị nước cuốn trôi. Cầu trôi, con sông cuộn nước lũ chia cắt, một số học sinh lớp 12 Trường THPT Lộc Bình ở xa khó có thể đến trường thi. Để học trò có thể qua được sông kịp ngày thi tốt nghiệp, nhà trường, chính quyền địa phương, người dân đã làm chiếc cầu tạm đón thí sinh. Chiếc cầu được dựng lên cấp tốc không chỉ kết nối các em đến trường thi, tương lai, mà còn kết nối bao tình nghĩa nhân văn.
Và, còn có biết bao câu chuyện xúc cảm khác nữa ghi nhận sự nỗ lực đồng hành của toàn xã hội trong mùa thi: Những người thầy, người cô ở miền Tây lặng lẽ bỏ tiền túi nấu cơm, sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho trò ở xa. Những sinh viên tình nguyện ở Hà Nội thà ướt mưa không để thí sinh ướt áo, lưng đẫm mồ hôi cõng bạn lên phòng thi; Những chiến sĩ công an ở TPHCM tình nguyện lái xe đưa rước thí sinh bị tai nạn...
Không chỉ góp phần tạo nên thành công cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, sự nỗ lực của thí sinh, chung tay của cộng đồng còn mở ra không gian trải nghiệm thực tế cùng những bài học hết sức quý báu cho tuổi 18. Mùa thi, có lẽ cũng là mùa học làm người của mỗi người trẻ.
“Không phải là những bài thi sẽ tính bằng điểm số, chính thực tế đẹp trong mùa thi đã cho chúng em nhiều bài học về tinh thần vượt lên chính mình, trách nhiệm cộng đồng, sự sẻ chia, lòng nhân ái… Đó là hành trang, động lực to lớn để chúng em chiến thắng trong cuộc vượt vũ môn, tự tin bước vào tuổi trưởng thành”, thí sinh Nguyễn Bình ở Điểm thi THPT Trưng Vương, TPHCM chia sẻ.