Thông thường, nhiều bãi biển sẽ ngập tràn cát trắng, nếu có sỏi thì cũng nhỏ li ti, song ở nhiều nơi trên thế giới, bãi cát còn có nhiều màu lạ mắt.
Ví dụ như bãi biển Papakolea ở đảo Hawaii (Mỹ) và Cormorant Point ở đảo Floreana (Ecuador), cát có màu xanh lá cây do khoáng chất olivine bao phủ bề mặt và là một trong các loại bọt đá của núi lửa.
Trong trường hợp của Papakolea, khi magma giàu khoáng tan chảy từ ngọn Puu Mahana, nó đã lan tràn trên bãi biển và olivine là tinh thể đầu tiên được hình thành khi lava nguội. Do màu sắc xanh mát, hiếm quý, olivine đã được gọi là kim cương của đảo Hawaii.
Bãi biển của vịnh Ramla tại Gozo (Malta) lại có màu cá vàng. Theo tiếng Malta, Ramla il-Hamra có nghĩa là đồng cát đỏ, song thực tế nó có màu cam đậm. Bãi biển Cavendish của đảo Prince Edward (Canada) cũng có màu đỏ.
Nó được xem là bãi biển hay được chụp ảnh nhất nước vì màu cát như son môi (ngụ ý về một tình yêu mãi không đổi thay).
Ngược với đỏ là đen, đặc biệt đen nhánh như than là bãi biển Black Sand thuộc Vik (Iceland). Sở dĩ nó có màu như vậy vì đầy tro, than núi lửa của một đất nước trên là băng tuyết, dưới là các hỏa diệm sơn.
Trải dài gần 6 km với nước xanh như ngọc song bãi biển Pink Sands trên đảo Harbour (Bahamas) gây chú ý hơn cả vì có cát màu hồng thơ mộng. Thế nhưng, chúng không hẳn là cát mà là bột và mảnh vỏ của hàng triệu con sò mi ni màu hồng tên là foraminifera. Và những mảnh vỏ mang màu phấn hồng ấy đã tồn tại ở đây hàng nghìn năm.
Vịnh Alaska (Mỹ) cũng có một vùng gọi là Ocean Cape Area, nơi đây có hàng dặm cát xám. Cũng là cát “nhân tạo”, bãi biển Glass ở Fort Bragg (Mỹ) lại chứa đầy những mảnh thủy tinh sặc sỡ được sóng biển bào mòn trơn nhẵn.
Bãi biển Hyams tại New South Wales (Úc) thực chất là một bãi đá quý, do cát ven biển là những vụn thạch anh màu trắng tinh khiết, trắng xóa đến nỗi ai nấy đều phải đeo kính mát để chống lóa mắt. Cũng tại Úc, bãi biển Rainbow- Queensland là một bãi cát có tới 74 màu sắc khác biệt và kết hợp với nhau tạo thành những cầu vồng nhỏ.
Thổ dân Aboriginal cho rằng, cát rực rỡ như vậy là do có một tinh linh cầu vồng bị rơi xuống sau khi thua trận trước một người đàn bà đẹp. Song kỳ thực, đó là do trong cát lẫn vô số sắt ô xít, chỗ xanh, chỗ đỏ, nâu, vàng… và đã xuất hiện khi có sói mòn địa chất cuối kỷ băng hà.
Cứ hai lần một ngày vào bình minh và hoàng hôn, tại bãi biển Chandipur, Orissa (Ấn Độ), lại thấy biển biến mất hay ít ra là sóng lui xa khỏi bờ tới hơn 3km, tạo thành một con đường đi bộ. Vì đáy biển lộ thiên, nên bao nhiêu cua ốc mắc cạn, tạo nên một quần thể đa dạng sinh học.