“Mẹ của em ở trường”
6 giờ 30 phút sáng, khi học sinh đến lớp cũng là lúc chị Hồ Thị Thủy (SN 1975), người Ca Dong, bếp trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cùng các đồng nghiệp có mặt tại trường để nấu ăn phục vụ bữa ăn sáng, trưa và tối cho học sinh bán trú.
Gắn bó với công việc này gần 20 năm nay, với chị Thủy, mỗi bữa ăn của trẻ không phải đơn thuần là chú trọng chất dinh dưỡng mà còn có sự yêu thương dành cho các em. Vừa nhặt rau, chị Thủy vừa cho biết, trường có hơn 647 học sinh với hơn 400 em thuộc diện bán trú, nhưng tổ cấp dưỡng chỉ có 6 người. “Mỗi ngày chúng tôi làm từ 6 giờ đến khoảng hơn 16 giờ mới xong việc. Ngoài việc nấu ăn, chia cơm ra cho học sinh, bộ phận cấp dưỡng còn phải rửa sạch toàn bộ dụng cụ, chén, muỗng… để chuẩn bị cho ngày hôm sau”, chị Thủy cho biết.
Theo chị Thủy, 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, cuộc sống của các em rất nhiều khó khăn. Những “bảo mẫu” nơi đây, vừa nấu ăn vừa kiêm việc chăm sóc cho các em. “Bởi các em sống xa nhà, nếu giáo viên và cấp dưỡng không lo thì các em sẽ sa sút về thể lực cũng như việc học hành sẽ đi xuống”, chị Thủy nói.
Nhìn các chị ân cần nhắc nhở học sinh ăn cơm, vệ sinh… không khỏi nhớ đến những bà mẹ đông con ngày trước, hiểu hết tính cách của các cháu.
“Tôi gắn bó với trường từ khi mới thành lập, đến nay cũng đã gần 20 năm nên bây giờ chỉ cần 1 tuần là tôi nhớ hết tên học sinh bán trú tại trường, em nào ăn ít hay ăn nhiều, thích ít canh hay nhiều canh… tôi đều nắm hết”, chị Thủy cho biết.
Chị Hồ Thị Minh Nhỏ (SN 1979) bộc bạch: Lịch trình làm việc của các “bảo mẫu” bắt đầu từ tờ mờ sáng. Bữa sáng của các em bán trú cũng đạm bạc, hôm thì bún xì dầu, bữa thì mì tôm, ngày thì mì Quảng, có ngày các em được ăn bánh mì hay xôi…
Xong bữa sáng, xe chở thực phẩm từ thị trấn lên trường, các cô lại nhận thức ăn và chuẩn bị cho bữa trưa và tối. Cứ thế, các “bảo mẫu” quay như “chong chóng” để lo 3 bữa ăn cho hàng trăm học sinh của trường.
Sau tiếng trống trường báo hiệu buổi học đã kết thúc, học sinh vội vã về phòng để thay áo quần rồi chuẩn bị vào nhà ăn trưa. Đây cũng là thời điểm các chị chạy “hết công suất” để phân chia đồ ăn ra khay. Chị Nhỏ lần lượt đi từng bàn để kiểm tra khẩu phần ăn của học sinh, đồng thời kiểm tra số lượng tham gia buổi ăn trưa, tránh tình trạng các em bỏ bữa.
Chị Hồ Thị Thủy đang tất bật chuẩn bị đồ ăn cho các em học sinh. |
Bám bếp vì thương trò
“Nhiều người nói nghề này rất khổ. Một lúc phải chăm hàng trăm em, mỗi đứa mỗi tính. Lương cũng chỉ được vài triệu đồng, nhưng cơ bản là mình thấy thích nghề này. Đã thích chắc sẽ làm được. Có nhiều em nhà nghèo quá, tôi thấy tội nên đã mua sắm sách vở, áo quần và thậm chí dẫn về nuôi nữa”, chị Thủy tâm sự.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Vũ Hoàng Tâm - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm - cho biết, toàn trường có 644 học sinh, trong đó có 410 học sinh bán trú. Số tiền ăn mà mỗi học sinh bán trú nhận hỗ trợ là 596 nghìn đồng/tháng và 15kg gạo/tháng. Mỗi ngày ăn của học sinh chỉ có 22.900 đồng/3 bữa ăn.
Để cải thiện bữa ăn cho học sinh, cán bộ nhân viên, giáo viên trong nhà trường cùng với các em học sinh tổ chức trồng rau xanh. “Khi có phần rau xanh, tiền sẽ được mua những thức ăn khác, giúp bổ sung dinh dưỡng cho các em”, thầy Tâm thông tin.
Theo thầy Tâm, nhiều năm qua, việc chăm sóc học sinh ở trường được các cấp dưỡng làm rất tốt. Mặc dù cuộc sống của các chị cũng khó khăn, nhưng không vì thế mà tình thương của họ đối với học sinh trong trường vơi đi. Các chị dường như trở thành người mẹ thứ 2 của các em học sinh bán trú.
“Trong trường, bảo mẫu là những người thiệt thòi nhất. Họ đến trường sớm nhất nhưng rời trường trễ nhất vì phải đợi học sinh ăn xong dọn rửa tươm tất mới về. Những bảo mẫu gắn với ngôi trường này phải chịu nhiều gian khó. Thấu hiểu những nỗi vất vả, thiệt thòi của con em, đồng bào dân tộc nơi đây… họ âm thầm làm việc, giúp đỡ các em. Họ mang trong mình trọng trách là những “bà mẹ” đóng thế ở trường”, thầy Tâm chia sẻ.
Chúng tôi đều thuộc tên các em học sinh nên mỗi bữa nếu em nào bỏ bữa là chúng tôi biết ngay. Chúng tôi sẽ để phần cơm và xuống phòng tìm nguyên nhân vì sao các em bỏ bữa để còn báo nhà trường. Bởi các em ở đây xa cha mẹ nên chúng tôi như người mẹ lo bữa ăn cho các con. Thương con mình thế nào thì thương học sinh ở đây như vậy, chị Nhỏ tâm sự.