Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Oanh (35 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) ở với mẹ chồng một năm, sau đó ra riêng. Chị không phàn nàn về kinh tế vì anh làm tốt, yêu con.
Tuy nhiên, mẹ chồng chị thường xuyên viếng thăm nhà riêng của họ, can thiệp mọi chuyện, từ ăn uống, sinh hoạt... Lúc không đến được thì bà gọi điện chỉ đạo từ xa. Đều đặn, cứ 5h sáng, vợ chồng chị Oanh đang ngủ say, bà đã gọi điện, giục con dâu: “Dậy đi nhé, chuẩn bị đồ ăn sáng cho chồng cho con”. Cứ 5h30 chiều mỗi ngày, bà sẽ gọi điện: “Về lo đón con cái không được đi đâu nhé”. Tuần tự, 7h30 tối sẽ là cuộc gọi nhắc ăn tối, 9h30 thì gọi điện nhắc đi ngủ.
Ban đầu chị Oanh còn cố gắng bắt máy, nhưng kéo dài, chị mệt mỏi không nghe nữa. Căng thẳng mẹ chồng nàng dâu lên đến đỉnh điểm. Chị Oanh nói với chồng, thì anh chỉ bảo: “Tính bà như thế, vợ lựa cách khéo khéo mà cư xử”.
“Khi tôi cần một người đồng cảm, cần một bờ vai để dựa thì anh lại không làm được, anh để mặc tôi chống chọi với "vòng kim cô" của mẹ chồng”, chị Oanh tâm sự. Cuối năm 2017, khi hôn nhân quá bế tắc, chị Oanh quyết định ly hôn.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Công ty Luật TNHH Fanci, người đồng hành với chị Oanh trong vụ án ly hôn, nhận định:
“Chị Oanh đã bị sức ép tâm lý trong thời gian dài từ thói quen kiểm soát của mẹ chồng. Nhẽ ra người chồng phải là cầu nối, giúp hóa giải mâu thuẫn. Tuy nhiên, anh lại để mặc vợ tự xoay sở. Không thể giải quyết mâu thuẫn trầm trọng bằng cách đơn giản, hời hợt, sự cố gắng quá ít ỏi như vậy”.
Luật sư Tú cho rằng: “Có thể anh chồng này yêu thương nhưng lại không đủ kỹ năng để ứng xử. Cuộc sống gia đình hiện nay chỉ yêu thương, chân thành là chưa đủ, còn phải khéo léo... Trong các mối quan hệ, nếu người chồng quá vụng về, người vợ phải căng mình ra che chắn hết thì khó có được hạnh phúc”.
Luật sư Ngọc Lan (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết chuyện vợ đưa đơn ly hôn do chồng quá vụng trong đối nhân xử thế không hề hiếm.
Anh Minh, chồng chị Hà (33 tuổi, sống tại Hà Nội) là dân công nghệ thông tin, đã mở một công ty riêng và khá thành đạt. Chị Hà là con một nên anh chị về sống chung với bố mẹ vợ.
Năm năm sau khi kết hôn, chị Hà lần lượt sinh 2 con. Chăm sóc hai con nhỏ vất vả nhưng chị có sự hỗ trợ lớn từ cha mẹ đẻ. Còn anh Minh thì vẫn sống như thời độc thân, vô lo vô nghĩ, đôi lúc cư xử cộc cằn với gia đình vợ. Khi cha mẹ vợ góp ý về việc chăm sóc gia đình, anh Minh đáp lại bằng thái độ hờ hững, có khi nói xẵng.
Cuộc sống chung ngột ngạt, nhưng khi chị Hà đề xuất ra ở riêng, chồng chị lại kiếm cớ thoái thác. Một mặt anh khó chịu vì phải ở rể, nhưng mặt khác vẫn muốn dựa vào nhà vợ để có nhiều thời gian rảnh. Không lâu sau chị đâm đơn ly dị.
Luật sư Ngọc Lan - người hỗ trợ chị Hà trong vụ ly hôn - cho rằng những người đàn ông như anh Minh thực chất là thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý các mối quan hệ. Khi sống riêng, mâu thuẫn của hai vợ chồng sẽ dễ xử lý hơn. Nhưng chị Hà và chồng sống chung với nhà vợ nên mâu thuẫn sẽ chồng chéo, phức tạp.
“Mỗi gia đình đều có những quy tắc riêng, muốn hòa nhập thì mình phải cố gắng thay đổi. Nếu không muốn hoặc không đủ khéo léo để thay đổi, thì chuyện chia tay là không tránh khỏi”, luật sư Ngọc Lan nhận định.
Mới đây trên Kênh VOH online (Đài tiếng nói ND TP HCM), trong chương trình Trò chuyện đêm khuya, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai đã trả lời một tình huống khúc mắc tương tự về hôn nhân.
Người gọi điện là một phụ nữ 31 tuổi, sống ở Quảng Ngãi, kết hôn 8 năm. Chồng chị không cờ bạc, không gái gú, rất chăm đi làm, đưa tiền lương đầy đủ. Nhưng nhược điểm của anh là kiệm lời, không mấy khi mở lòng trò chuyện.
Người vợ ở nhà mở cửa hàng may. Chồng chị làm công nhân, chiều tối về nhà ăn cơm xong là xách xe xuống nhà bố mẹ đẻ chơi, rồi 9-10 giờ tối về nhà chỉ để ngủ. Vợ tham công tiếc việc làm đến 12 giờ đêm nên dần dần đời sống chăn gối cũng nguội lạnh. Khi hai vợ chồng có chuyện cự cãi, anh chồng có thể im lặng hàng tháng trời. Chị vợ cho biết mình luôn là phải chủ động làm hòa.
Chị bảo nhiều lúc thèm nghe chồng nói: “Em làm việc khuya mệt rồi, thôi em nghỉ đi” mà không được. Hoặc chị hụt hẫng khi mình có làm đẹp, có thay đổi thế nào anh chồng cũng thờ ơ không hay.
Có lần chị nói với chồng về cảm giác của mình, nhưng người chồng chỉ trả lời: “Anh đi làm được bao nhiêu đều đưa hết cho em, em muốn ăn gì, muốn mua gì thì mua. Anh có nói gì đâu”.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai nhận định: “Anh chồng này có lỗi là vô tâm, không nhận ra cảm xúc của vợ. Anh ta nghĩ rằng mình đi làm đưa hết tiền cho vợ, về nhà ăn cơm xong với vợ con thì chạy sang thăm cha mẹ, vậy là đã hoàn thành đầy đủ trách nhiệm”.
Với tình huống này, theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, người vợ nên cởi mở, bộc lộ lòng mình trước. Nói bằng lời không đủ thì người vợ có thể viết thư bày tỏ cảm xúc của mình, dần dần, người chồng sẽ thay đổi.