Âm thanh cuộc sống đi vào trong thế giới nghệ thuật, qua sáng tạo, bị chi phối bởi cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của người nghệ sĩ, trở thành một phương diện thẩm mỹ lóe sáng những tư tưởng và quan niệm của tác giả về con người và hiện thực. Cho nhân vật sống trong một thế giới âm thanh đặc biệt là cách để nhân vật tự cảm nhận về thế giới và tự bộc lộ chính bản thân mình. Trong Truyện Kiều, yếu tố âm thanh đóng một vai trò không hề nhỏ trong việc miêu tả con người và thể hiện cách nhìn của người nghệ sĩ trước hiện thực đương thời.
1.
Trong Truyện Kiều, âm thanh vũ trụ không ít lần cất lên những khúc nhạc với các âm hưởng khác nhau, luôn đem đến cho con người cảm giác mạnh về một hiện thực động, không bao giờ yên ổn. Đó là hiện thực của những bấp bênh luôn chờ đợi, bủa vây con người. Trước khi Đạm Tiên xuất hiện, khung cảnh buồn dịu đưa con người vào thế giới hư vô: “Một vùng cỏ áy, bóng tà/ Gió hiu hiu thổi một vài bông lau”. Tiếng gió trở nên mạnh mẽ, dữ dội dự báo hiện tượng bất thường xảy đến: “Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay/ Ào ào đổ lộc rung cây” và ngay sau đó, Đạm Tiên hiện lên một cách bất ngờ trong sự kinh hãi của Thúy Kiều.
Khi hồn ma biến mất, tiếng gió trở lại trong sự động tĩnh, khẽ khàng “Gió đâu sịch bức mành mành”. Tiếng gió đi liền với những sóng gió trong cuộc đời lênh đênh, phiêu dạt của Kiều, dự cảm về hiện thực đang đến và sẽ đến. Khi Kiều chấp nhận bán mình chuộc cha, bắt đầu chặng đường 15 năm lưu lạc, tiếng gió hiện lên với thanh âm thật kinh hãi và ghê rợn, vẽ ra một viễn cảnh mênh mông sóng gió cuộc đời: “Đùng đùng gió giục, mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Khi Kiều đứng cô đơn, trống trải trước lầu Ngưng Bích, tiếng gió rít từng cơn cùng tiếng sóng ầm ầm đem đến những dự cảm bất an cho thân phận lạc loài: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Thiên nhiên vũ trụ có khi giận dữ báo hiệu những ngang trái, bi kịch của cuộc đời: “Triều đâu nổi sóng đùng đùng/ Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường”. Âm hưởng đó trở lại khi Kim Trọng cùng gia đình Kiều lập đàn tràng giải oan bên sông Tiền Đường: “Ngọn triều, non bạc trùng trùng/ Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo”. Những âm thanh được miêu tả vừa có nhịp điệu nhanh, vừa có tiết tấu dữ dội tạo nên những sự rung chuyển không gian, chấn động tâm lý gây trạng thái bất ổn, hoang mang trong lòng người. Thân phận con người chìm vào khúc nhạc mạnh mẽ của đất trời lại càng nhỏ bé và mỏng manh hơn nữa.
2.
Âm thanh tiếng gà xuất hiện trong cảm thức về thời gian và không gian. Trong cái đêm Kiều chịu thất thân với họ Mã, tiếng gà từ đâu vọng lại dồn dập, như hối thúc, như giục giã: “Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường”. Tiếng gà không chỉ báo hiệu thời gian sắp sáng mà còn báo trước cảnh hãi hùng của bước đường lưu lạc, tạo nên không khí khẩn trương như tâm trạng gấp gáp, hốt hoảng, cuống quýt của Kiều. Trong đêm chạy trốn cùng Sở Khanh, tiếng gà lần thứ hai xuất hiện dồn dập cùng với tiếng gió cây trút lá, là dấu hiệu của tai ương đang chực chờ: “Tiếng gà xao xác gáy mau/ Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng”. Trong đêm trốn khỏi Quan Âm Các để thoát khỏi sự đày ải về tinh thần của Hoạn Thư, Kiều đã nghe thấy tiếng gà: “Mịt mù dặm cối đồi cây/ Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương”...
Trong Truyện Kiều còn xuất hiện kiểu âm thanh náo loạn, ồn ào gắn với hành động bất ngờ, khẩn trương khiến cho nhân vật không kịp trở tay:
Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
Ầm ầm khốc quỷ kinh thần, mọc ra!
Âm thanh náo loạn, ồn ào, gây ra sự kinh hãi của một hiện thực đầy oan trái và bất công bất giờ ập đến gia cảnh của Kiều:
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi
Những âm thanh rầm rập của tiếng chân đi, tiếng gươm tua tủa, hầm hầm sát khí của bọn chuyên đi săn người, giết mướn tạo nên một cảnh tượng dữ dội chà xát lên tấm thân bất động, đơn chiếc của Kiều. Tất cả những âm thanh ấy đều là âm thanh hiện thực của cái ác và sự bạo tàn gieo rắc lên cuộc sống của con người. Bị bủa vây trong âm thanh ấy, phận người trở nên mong manh, yếu ớt, bị giày vò, chà đạp không thương tiếc.
3.
Nguyễn Du đã xây dựng tiếng đàn như là một biểu tượng âm thanh, một tín hiệu thẩm mỹ đặc biệt, trở đi trở lại trong tác phẩm. Kiều bốn lần đánh đàn, mỗi lần mỗi khác, cất lên những âm thanh, tiết tấu khác nhau. Bản đàn bạc mệnh đi suốt cuộc đời Kiều như một dự cảm về hiện thực và tương lai. Đó là thứ âm thanh của định mệnh.
Lần một, Kiều đánh đàn cho Kim Trọng. Tiếng đàn đa nhịp, đa âm, dìu dặt, cung trầm, cung bổng, lúc nhẹ nhàng, thanh thoát đưa như tiếng gió thoảng, lúc dồn dập, mạnh mẽ như tiếng mưa: “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”. Tiếng đàn của khao khát yêu đương nhưng vẫn thấm thía dư vị cay đắng ngay cả trong lúc đang sống cùng tình yêu đẹp đẽ, mặn nồng khiến cho chàng Kim cũng phải “nao nao”, “ngơ ngẩn”, “chau mày”.
Mười năm sau, tiếng đàn của tình yêu lại cất lên, cũng người đàn ấy và cũng người nghe ấy. Đấy là âm thanh của con người đã trải qua nhiều thăng trầm đau khổ, những giằng xé khiến con tim thê thảm, những lăn lóc khiến thân thể bị dày xéo đến ê chề. Tiếng đàn xôn xao, não nùng, đầy tiếc nuối về mối tình giờ chỉ chênh vênh giữa hai bờ mộng - thực: “Khúc đâu đầm ấm dương hòa!/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?/ Khúc đâu êm ái xuân tình!/ Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên?/ Trong sao châu nhỏ duềnh quyên!/ Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!”. Âm thanh bật lên trong tiếng đàn thứ hai và thứ ba là giai điệu của những niềm đau. Tiếng đàn trầm buồn thê thiết, kéo giãn những đau đớn, muộn phiền trong những tiết tấu rề rà, những cách ngắt nhịp đột ngột, biểu thị cái uất ức, nghẹn ngào, cái tê tái, xót xa.
Lần thứ hai: “Bốn dây như khóc, như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng” (Đàn cho Thúc Sinh và Hoạn Thư nghe); Lần thứ ba: “Một cung gió tủi, mưa sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!/ Ve ngâm, vượn hú, nào tày/ Lọt tai, Hồ cũng nhăn mày, rơi châu” (Đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe). Tiếng đàn như bật ra từ máu và nước mắt biến thành nhạc điệu của tâm hồn. Cùng một cung “gió tủi mưa sầu”, nhưng so với khúc thứ hai, khúc thứ ba bi thương và thê thảm hơn. Các nỗi đau chồng chất cất lên những thanh âm đau đớn nhất trong toàn bộ bản đàn bạc mệnh của cuộc đời Kiều.
Như vậy, Nguyễn Du đã tận dụng khả năng của âm thanh trong việc diễn tả những cảm thức của con người về hiện thực và thân phận. Âm thanh mở ra như những giai điệu phong phú của cuộc sống, có khả năng lật mở những trạng thái của con người trước hiện thực không bao giờ yên ổn, luôn gây cho con người cảm giác xốn xang, thổn thức với những âu lo, muộn phiền. Đó là những âm thanh của thời đại, một thời đại bất thường của lịch sử tồn tại cùng với sự chênh vênh của những kiếp người.