Theo phong tục truyền thống của Việt Nam, tắm nước thơm thảo dược nấu từ cây mùi già và các loại lá thơm như hương nhu, sả chanh, lá bưởi là một phần không thể thiếu của ngày tất niên 30 Tết.
Thông tin trên báo chí, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe. Bởi vậy, nước lá mùi tạo cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng, dễ chịu nên loại lá này rất thích hợp cho việc “tẩy trần”.
Người Việt xưa quan niệm rằng tắm nước lá mùi già sẽ xua đi những điều không may mắn của năm cũ. Ảnh minh họa. |
Trong ngày cuối năm, người Việt xưa quan niệm rằng tắm nước lá mùi già sẽ xua đi những điều không may mắn của năm cũ, đón năm mới với khởi đầu mới tốt đẹp hơn.
Bên cạnh đó, nước lá mùi còn giúp cho người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng. Rau mùi giúp giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, làm dịu cơn co rút cơ và được dùng chữa cảm.
Theo nhiều nghiên cứu, loại cây này còn có tính sát khuẩn, kháng khuẩn tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có thể giảm viêm da, chống viêm nhiễm…
Tắm lá mùi ngày 30 Tết là tục lệ lâu đời của người Việt. Ảnh minh họa. |
Cây mùi để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía, khi đun lên, cho mùi thơm. Khi dùng lá mùi để tắm, chúng ta cần rửa sạch sẽ, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun.
Ngoài việc dùng để tắm, nhiều người còn nấu nước lá mùi ngày tất niên để xông nhà, cầu mong tài lộc cho năm mới.
Còn theo ThS. BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, trong cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS. Đỗ Tất Lợi đã khẳng định, tất cả các bộ phận của rau mùi từ lá, thân, rễ và quả (hạt mùi) đều có tác dụng tốt với sức khỏe. Đặc biệt, hạt mùi khô là vị thuốc chữa bệnh.
Rau mùi có hương thơm dễ chịu, hay được dùng ăn sống hoặc trong các món nộm, salad. Rau mùi tươi được dùng để làm gia vị và trang trí trên các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết.
Rau mùi chứa nhiều chất dinh dưỡng như phốt pho, canxi, magiê, kali, natri, vitamin A, B, C và K… Tây y dùng quả mùi làm thuốc trung tiện, kích thích và giúp tiêu hóa. Trong công nghiệp dùng làm nước hoa, hương liệu và rượu mùi…
Cần lưu ý trước khi sử dụng cây mùi tắm cần rửa sạch trước khi đun sôi để tránh nhiễm khuẩn. Ảnh minh họa. |
Ông Trần Văn Bản, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, theo truyền thống, những ngày cuối năm các gia đình sẽ mua cây mùi già để đun nước tắm.
Bên cạnh ý nghĩa về tinh thần với mong muốn gột rửa những điều không may mắn thì trong đông y, cây mùi già còn có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe. Trong đông y có thể sử dụng tất cả các bộ phận để làm thuốc.
Cần lưu ý trước khi sử dụng cây mùi tắm cần rửa sạch trước khi đun sôi để tránh nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, những người đang mắc các bệnh như viêm da, trầy xước, nhiễm trùng da thì không nên tắm các loại nước lá, trong đó có cây mùi.
Trước khi tắm nên pha loãng nước lá mùi. Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, trước khi tắm nên pha loãng nước lá mùi, nhiệt độ ấm vừa phải. Với những người có da mẫn cảm, dễ kích ứng thì không nên tắm cây mùi.
Đặc biệt lưu ý, hạn chế dùng rau mùi cho các bệnh nhân bị hen phế quản hoặc viêm phổi mãn tính vì mùi hương của rau mùi có thể gây các phản ứng kích ứng, dị ứng đường thở, có thể nguy hiểm đến tính mạng.