Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Bộ môn Sản, trường Đại học Y Dược TPHCM, để chọn lựa cho mình một phương pháp tránh thai “tốt” không đơn giản chút. Thông tin trên mạng rất nhiều nhưng như thế nào là phương pháp “tốt” nhất.
Công dụng của thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai uống loại phối hợp có hai thành phần nội tiết trong viên thuốc tránh thai rất hiệu quả trong việc tránh thai nếu dùng đúng.
Thuốc tránh thai sử dụng đường uống ra đời từ những năm 1950-1960 của thế kỷ trước và cho đến nay đã có hàng trăm loại được sản xuất. Có những loại đã đi vào dĩ vãng do những tác dụng phụ và hiện tại trên thị trường cũng có rất nhiều thuốc tránh thai khác nhau, chung quy chia làm hai loại:
Thứ nhất, thuốc tránh thai đường uống loại phối hợp (thành phần thuốc chứa hai loại nội tiết tố sinh dục nữ là Estrogen và Progestin).
Thứ hai, thuốc tránh thai đường uống chỉ chứa một loại nội tiết sinh dục nữ là Progestin.
Uống thuốc tránh thai vẫn có nguy cơ có thai ngoài ý muốn. |
Thuốc tránh thai đường uống loại phối hợp được đưa vào cơ thể nhằm mục đích ngăn cản sự rụng trứng. Ngoài tác dụng tránh thai, viên tránh thai còn có tác dụng như: Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, điều trị đau bụng kinh do ức chế phóng noãn, giảm lượng máu kinh và rong kinh.
Tác dụng phụ
Theo bác sĩ Trung, các dụng phụ có thể gặp khi uống thuốc tránh thai như: Rối loạn chuyển hoá đường, muối, nên có thể gây tăng cân nhẹ, tăng huyết áp, tăng đường máu khi uống.
Người uống còn có thể tăng acide mật nên có nguy cơ sỏi thận, tăng cholesterol và triglyceride, tăng đông máu, buồn nôn, nôn, nhức đầu, căng vú, nám da mặt, khô âm đạo, nặng chi dưới do ứ nước.
Các tai biến nặng hiếm gặp khi uống thuốc tránh thai như: Các khối u ở vú, làm xuất hiện u gan và u mạch máu gan, nhất là với những viên kế tiếp.
Ai không nên uống thuốc tránh thai
Mặc dù thuốc tránh thai chỉ định cho mọi phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản muốn áp dụng viên tránh thai mà không có các chống chỉ định của phương pháp này, tuy nhiên, những trường hợp không nên dùng thuốc tránh thai đường uống như: Người có tiền sử huyết khối, tăng lipide máu, mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường tuýp 1,2 các bệnh lý của gan, ung thư lệ thuộc nội tiết (nội mạc tử cung, vú), nghiện thuốc lá nặng, người có bệnh tâm thần, béo phì, cường giáp trạng, goutte.
Lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai
Khi muốn có thai trở lại, nên ngưng thuốc trước ít nhất 1 tháng. Nếu quên 1 viên thuốc thì phải nên uống bù vào sáng sớm hôm sau, ngay lúc nhớ ra và uống viên thuốc của ngày hôm đó theo lịch.
Bác sĩ Trung cho biết thêm, thuốc tránh thai không mang lại tỷ lệ tránh thai 100% nên vẫn có những trường hợp tránh thai thất bại khi dùng thuốc. Do đó, nếu thấy trễ kinh thì nên dừng thuốc và kiểm tra xem mình có thai hay không.