Nhu cầu tuyển dụng hàng vạn lao động sau Tết tại Bắc Ninh, Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, số công nhân quay lại làm việc sau Tết đều đạt gần 100%.

Người lao động tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh.
Người lao động tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh.

Song nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong quý I/2023 tại các tỉnh này lên tới khoảng hơn 2,2 vạn lao động.

Không còn lo lao động “nhảy việc”

Chiều 31/1, chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Phạm Văn Hà - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang cho biết, tình hình lao động trong các doanh nghiệp sau Tết cơ bản ổn định với gần 100% lao động đã trở lại làm việc.

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Bắc Giang là 7.186 doanh nghiệp và sử dụng 303.000 lao động. Số lao động đã trở lại làm việc tính đến ngày 27/1 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023) là 252.580 lao động (chiếm 83,3%).

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may trên địa bàn có số lượng lao động lớn có kế hoạch từ ngày 30/1 (tức mùng 9 Tết Nguyên đán) mới trở lại làm việc.

Hiện nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sau Tết Nguyên đán (tháng 2, 3/2023) khoảng 17.000 lao động.

“Nhìn chung, nguồn lao động của tỉnh Bắc Giang và lao động từ các tỉnh lân cận về nghỉ Tết có nguyện vọng tìm kiếm việc làm tại địa phương cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, phần lớn lao động tại các doanh nghiệp đã trở lại làm việc bình thường và ít có sự biến động về lao động trước và sau Tết Nguyên đán...”, ông Phạm Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang nói.

Tại tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Kim Triều - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho biết, trong các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh có 1.190 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Đến ngày 30/1, 100% doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh đi vào hoạt động, 307.020/308.163 người trở lại làm việc, đạt 99,6%.

Bắc Ninh tin tưởng sau một vài hôm nữa người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc sẽ đạt 99,8%. Số lao động còn lại sẽ “nhảy việc” từ công ty này sang công ty khác có mức lương và chế độ tốt hơn hoặc do lý do bận việc gia đình.

Còn tại các doanh nghiệp ngoài các KCN Bắc Ninh thì tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động sau Tết đạt 95%, số người lao động quay trở lại làm việc sau Tết trong các doanh nghiệp đạt 99,5%.

Cụ thể, chủ yếu là lao động thuộc doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp: Khắc Niệm, Hạp Lĩnh (huyện Tiên Du), đa nghề Đông Thọ (huyện Yên Phong), làng nghề công nghệ cao Tam Sơn (TP Từ Sơn). Nhìn chung, các doanh nghiệp có tỷ lệ quay trở lại làm việc cao đều là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (trên 1.000 người).

Cơ hội việc làm quý I/2023 tăng

Anh Nguyễn Văn Huy (xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), công nhân tại khu công nghiệp Tiên Sơn cho biết, năm nay người lao động được nghỉ Tết dài ngày hơn các năm trước nên có nhiều thời gian dành cho gia đình.

“Công ty bắt đầu làm việc từ 27/1 (mùng 6 Tết). Chúng tôi được lãnh đạo công ty chúc Tết, lì xì đầu năm, ai cũng tích cực làm việc với hy vọng một năm mới may mắn, thành công”, anh Huy nói.

Còn chị Bùi Thị Lương (quê ở Thanh Hóa), công nhân khu công nghiệp VSip (Bắc Ninh) cho biết, chị đã ra nhà trọ ở Phù Chẩn (huyện Tiên Du) từ 29/1 (mùng 8 Tết Nguyên đán) để sẵn sàng cho công việc từ ngày 30/1.

“Xóm trọ đa phần là công nhân khu công nghiệp Vsip, mọi người 29/1 ở quê lên gặp nhau chúc Tết và chuẩn bị cho năm lao động mới. Người thuê trọ lâu năm và làm công ty có thâm niên ít khi “nhảy việc” đầu năm...”, chị Lương bày tỏ.

Ngay từ đầu năm 2023, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh thực hiện tốt việc tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động và các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ông Nguyễn Kim Triều - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho biết, qua khảo sát nhanh, đến hết quý I năm 2023, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh khoảng 5.000 lao động.

Trong đó, Công ty TNHH H&S Tech (KCN Quế Võ) 2.000 lao động, Công ty TNHH DHA (huyện Lương Tài) là 1.000 lao động và Công ty TNHH Synopex Việt Nam (CCN Đông Thọ, Yên Phong) 250 lao động.

Các công ty có nhu cầu sử dụng nhiều lao động tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực điện tử, may mặc và da giày. Trong đó, ngành điện tử có mức thu nhập cao cho công nhân hơn các ngành khác.

Còn theo Bộ LĐ-TB&XH, dự báo trong quý I và quý II/2023, tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số địa bàn có thể gia tăng từ 350.000 - 400.000 lao động.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...).

Qua đó, để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu. Đồng thời, tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?