Nhu cầu tự thân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cộng đồng học tập phát huy rõ nhất lợi thế...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Chương trình GDPT 2018 có cách tiếp cận khác biệt và đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá so với Chương trình GDPT 2006.

Những thay đổi trên đặt ra yêu cầu mới về năng lực với giáo viên phổ thông. Bên cạnh hỗ trợ từ chương trình bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, sự cải thiện năng lực của giáo viên phụ thuộc lớn vào nỗ lực tự học.

Đây cũng là lý do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) triển khai mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Qua đó, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ cho đội ngũ.

Điểm mới quan trọng, cũng là mục tiêu cuối cùng của mô hình bồi dưỡng này là xây dựng các cộng đồng học tập nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo.

Trong thời gian Chương trình ETEP triển khai, các cộng đồng học tập hoạt động sôi nổi và phát huy hiệu quả rõ rệt. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cộng đồng này không bị bó hẹp bởi yếu tố địa lý, thầy cô vùng miền dễ dàng kết nối, những câu hỏi, băn khoăn luôn nhận được phản hồi nhanh chóng, kịp thời. Các nền tảng trực tuyến (qua Zalo, Facebook, Zoom, MS Teams, Google meet...) tạo môi trường thuận lợi để nhóm cộng đồng học tập giáo viên có thể hoạt động không giới hạn về không gian và thời gian.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cộng đồng học tập phát huy rõ nhất lợi thế, góp phần không nhỏ hỗ trợ thầy cô vượt qua khó khăn, triển khai Chương trình GDPT 2018 với nhiều điều mới mẻ. Cũng nhờ mạng lưới học tập đặc biệt, giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông có kết nối gần gũi chưa từng có trước đó, giúp giảng viên sư phạm gần hơn thực tiễn phổ thông.

Vấn đề đặt ra là làm sao tiếp tục duy trì, phát triển được cộng đồng học tập này khi Chương trình ETEP kết thúc, xây dựng, dẫn dắt cộng đồng học tập không còn là nhiệm vụ chính trị của trường sư phạm, giảng viên sư phạm.

Trên thực tế, có ý kiến bày tỏ băn khoăn khi hiện nay, hoạt động của một số cộng đồng học tập của giáo viên ngày càng chìm lắng, thậm chí “đóng băng”. Có câu hỏi của giáo viên đưa lên nhóm bị rơi vào thinh không, không có ý kiến phản hồi… Đó là một sự lãng phí, điều vô cùng đáng tiếc!

Chúng ta đã bước sang năm học thứ tư thực hiện Chương trình GDPT 2018 và đòi hỏi về sự phát triển nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của giảng viên, giáo viên ngày càng cao. Rõ ràng, phát huy hiệu quả của các cộng đồng học tập đang có là cách tốt nhất giúp đội ngũ kết nối với đồng nghiệp giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trên cả nước, để trao đổi, chia sẻ và học hỏi.

Khi không còn mệnh lệnh hành chính bắt buộc, sự phát triển của cộng đồng phụ thuộc vào tính chủ động, nhu cầu của từng thầy cô: Được học hỏi, tiến bộ hơn về chuyên môn, phát triển nghề nghiệp, bản thân, ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp… Hơn ai hết, nhà giáo cần học tập liên tục, học tập suốt đời.

Tất nhiên, việc này cần sự vào cuộc, trách nhiệm của trường sư phạm; động viên khích lệ từ trường phổ thông nhằm thúc đẩy nhu cầu, tạo động lực cho thầy cô đóng góp hiệu quả vào các cộng đồng học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ