Vào một buổi sáng cuối năm, chúng tôi vượt hàng trăm km từ trung tâm thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) để về xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) tìm hiểu về cuộc sống cũng như nét văn hóa của người dân nơi đây.
Sau khi đi qua nhiều dãy cao su bạt ngàn và leo lên những con dốc lởm chởm đá chúng tôi cũng tìm về được đến bản Đoàn Kết (xã Đắk Ngo). Tại đây, những người phụ nữ cùng các em nhỏ H’Mông đang xúng xính váy áo cùng nhau đi sắm tết. Phiên chợ cuối năm vùng quê nghèo Đắk Ngo không ồn ào, náo nhiệt như ở phố thị. Tuy nhiên nơi đây lại đầm ấm, yên vui với những sắc màu của văn hóa đồng bào dân tộc Mông.
Tại một góc nhỏ của ngôi nhà ván giữa bản, những cụ già, phụ nữ, em nhỏ đang thử váy và xem các trang sức đi kèm. Những bộ quần áo truyền thống sặc sỡ được treo trên sào, những bộ váy áo rẻ hơn được xếp gọn gàng bên dưới nền bạt thu hút người dân trong bản.
Chị Vàng Thị Giàng (SN 1986, bản Đoàn Kết) cho biết, chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Nguyên đán nên chị tranh thủ thời gian rảnh rỗi ra sắm váy áo cho năm mới.
Theo chị, gia đình chị có 8 người, trước đây sinh sống ở phía Bắc, sau chuyển vào đây định cư, tuy nhiên những phong tục tập quán và trang phục hầu như không có gì thay đổi. Do đó, cứ đến dịp Tết chị lại sắm sửa cho mỗi người trong gia đình một bộ quần áo mới.
Với những gia đình có điều kiện thì những bộ váy áo khoảng 1 triệu đồng nằm trong tầm tay, còn với những người có hoàn cảnh khó khăn dường như không thể. Do đó, để phục vụ nhu cầu của bà con thì những bộ quần áo rẻ hơn cũng được thương lái mang từ ngoài Bắc vào.
Chị Vàng Thị Chiến (1988) cho biết, gia đình chị thuộc hộ nghèo ở địa phương, nhà lại đông con nên năm nay chị chỉ có thể sắm những bộ quần áo có giá từ 50.000 – 100.000 đồng cho mọi người trong gia đình.
Vui ngày Tết
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Tráng A Dơ-Trưởng bản Đoàn Kết cho biết, Tết nguyên đán năm nay cũng như những năm khác, mọi người đang nô nức, phấn khởi sắm tết và chuẩn bị cho các hoạt động trong Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019.
Theo ông Dơ, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, ông cùng vài người có uy tín tại các bản khác trên địa bàn lại xin phép chính quyền địa phương để tổ chức những trò chơi truyền thống, mang đậm bản sắc người dân tộc Mông như ném Pao, đánh cù…
Ông Dơ cho hay, đánh cù là trò chơi của trẻ em, còn ném Pao là trò chơi dành cho các đôi nam nữ trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Trò chơi này thường được tổ chức từ mùng 1 đến mùng 10 tết hàng năm. Tại đây, ngoài việc vui chơi, các đôi nam nữ có thể làm quen, tìm hiểu về nhau.
Cũng theo vị trường bản, trước khi chơi bên nam và bên nữ sẽ giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được Pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm theo yêu cầu của bên thắng.
“Quả Pao được phụ nữ người Mông may bằng vải rất tỉ mỉ, không quá cứng, cũng không quá mềm và có nhiều màu sắc. Khi ném Pao, các thanh niên nam đứng một hàng, nữ đứng một hàng rồi quay mặt đối diện vào nhau, khoảng cách giữa 2 hàng từ 6-7m. Trong lúc chơi nếu bên nào để rớt Pao xuống đất là thua.
Bên cạnh đó, trong cuộc chơi 2 bên nếu cảm thấy “ưng cái bụng” một người đội bạn thì sau đó sẽ tranh thủ tìm hiểu để tiến xa hơn. Hiện đã có nhiều đôi nam nữ quen nhau trong hội Pao sẽ tiến xa hơn và nên duyên vợ chồng.”, vị trưởng bản nói.
Cũng theo ông Dơ, năm nay do điều kiện người dân khó khăn, nông sản như hồ tiêu, cà phê, điều nếu không bị rớt giá thì cũng mất mùa nên việc sắm tết sẽ được nhiều như mấy năm trước. Tuy nhiên, những trò chơi dân gian như ném Pao, đánh cù và các hoạt động như văn nghệ, giao lưu bóng đá, bóng chuyền thì vẫn tổ chức như thường lệ để bà con trong vùng xích lại gần nhau, cùng vui xuân, đón tết.