Ở vùng Tây Bắc
Ngược lên vùng núi cao Hà Giang, Điện Biên, Sa Pa, Lạng Sơn… khắp nơi đang tưng bừng tổ chức lễ hội xuân với các trò chơi dân gian đặc sắc như ném còn, múa sạp, nhảy lửa, uống rượu ngô, ăn thịt thú rừng…vô cùng đặc sắc của đồng bào người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó còn có các lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) của người Tày vào mùng 8 tháng Giêng với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội cầu an bản Mường: Đây là lễ hội của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu và đồng bào dân tộc Mường. Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Lễ hội được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hằng năm. Lễ hội này được gắn với tục giết trâu và tạ thần linh để cầu mong mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cả cộng đồng trong năm được thuận buồn, xuôi gió. Chính vì thế mà lễ hội này được tổ chức rất trọng thể, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng.
Lễ hội hoa ban: Đây là lễ hội của đồng bào dân tộc Thái và lễ hội này còn có tên gọi khác là hội Xên bản, Xên mường. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng Hai âm lịch, khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc. Hội hoa ban là ngày hội của tình yêu đôi lứa; ngày hội của hạnh phúc gia đình; hội cầu mùa, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, hát giao duyên trong những đêm trăng sáng….
Ở đồng bằng Bắc Bộ
Xuôi về các tỉnh đồng bằng, đây là nơi có nhiều lễ hội xuân lớn nhất cả nước.
Hà Nội có Lễ hội tại Gò Đống Đa cũng tổ chức lễ hội tưng bừng, tưởng nhớ công lao lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỉ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa;
Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) kéo dài từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch (chính hội là ngày 15 tháng Hai). Đây cũng là lệ hội có thời gian mở hội dài nhất so với các lễ hội khác ở nước ta. Theo tâm thức của người Việt xưa, Hương Sơn được coi là là cõi Phật và Chùa Hương là nơi thờ Phật Bà Quan Âm;
Lễ hội Gióng (Sóc Sơn): Lễ hội diễn ra tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở đồng bằng bắc Bộ. Chính hội vào ngày 9 tháng Tư âm lịch hằng năm (ngày ông Gióng thắng giặc An) để tưởng niệm và nhớ ơn người anh hùng làng Gióng đã có công đánh giặc cứu nước. Công việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu từ ngày 1/3 đến ngày 5/4 âm lịch, với các việc tập dượt chuẩn bị cho ngày chính hội. Ngày 9/4 có lễ rước từ đền Mẫu đến đền Thượng. Múa hát thờ, hội trận (diễn lại trận đánh thắng giặc Ân). Cuối cùng là việc khao quân và đêm đến có hát chèo. Ngày 10-4 là ngày vãn hội, làm lễ duyệt quân, lễ tạ ơn Thánh Gióng.
Ở Phú Thọ có Hội Xoan, Hội Xoan là lễ hội suy tôn bà Xuân Nương, một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Hội Xoan được tổ chức vào ngày 7 - 10/1 âm lịch tại xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Quảng Ninh có Lễ hội Yên Tử: Đây là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch). Đến với lễ hội du khách sẽ được thử thách leo núi để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.
Bắc Ninh có Lễ hội Lim: Hội Lim là một lễ hội lớn được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim có văn hóa đặc sắc với dân ca Quan họ nổi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc.
Ngày Hội Lim du khách khắp nơi lại nô nức tìm về đây để được nghe những anh liền chị giao cảm đắm say trong điệu hát lời ca quan họ và xem tục kết chạ, kết bạn đầy tình nghĩa.
Ngoài ra còn có các lễ hội khác nữa như Lễ hội bà Chúa Kho (Bắc Ninh); lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình); lễ hội Phủ Dầy (Nam Định) cũng được nhiều người dân tìm đến du xuân, vãn cảnh.
Ở miền Trung – Tây Nguyên
Trở vào miền Trung – Tây Nguyên chúng ta được biết đến: Lễ hội đền Huyền Trân diễn ra tưng bừng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức hằng năm vào mùng 9 Tết để kỷ niệm ngày mất của Huyền Trân công chúa. Đây là hoạt động thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi nước Việt.
Lễ hội cầu Ngư ở Thừa Thiên Huế. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hóa có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành. Thường cứ ba năm một lần, làng tổ chức đại lễ rất linh đình, có tổ chức các trò mô tả những sinh hoạt của nghề đánh cá, trong đó có “bủa lưới” mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét nghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển.
Ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung, ngay từ mùng 1 Tết diễn ra lễ hội bắt chồng của đồng bào các dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho…. Lễ hội diễn ra ban đêm (kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch).
Lễ hội Mùa xuân của người Êđê hay lễ hội mừng lúa mới là lễ hội mà người Êđê tổ chức sau mùa gặt hái, đón năm mới. Một số dân tộc ở Tây Nguyên khác, như Gia Rai, Ba Na, Xơ-đăng, M"Nông, cũng có lễ hội tương tự. Vào dịp này, mọi gia đình đều khẩn trương đưa lúa về chòi và rước hồn lúa về nhà, đồng thời tổ chức lễ ăn cơm mới để tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới thóc lúa đầy nhà. Là mùa "ăn năm uống tháng", mùa sinh hoạt văn hoá cộng đồng, mùa giao lưu văn hóa, mùa tìm bạn đời của những chàng trai cô gái. Mùa mà cả cộng đồng nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích.
Ở miền Nam
Dịp xuân này chúng ta được biết đến lễ hội Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết. Đây là lễ hội truyền thống nổi tiếng của các tỉnh Đông Nam Bộ. Du khách có thể lên Chùa Bà trên núi bằng cách đi bộ hoặc hệ thống máng trượt, cáp treo. Lễ hội kéo dài đến hết tháng Giêng.
Trên đường leo núi du khách có thể dừng chân tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu hoặc Miếu Sơn Thần. Du khách trẩy hội núi Bà Đen để cầu hộ, giải tỏa nhu cầu tâm linh và cũng là dịp ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi Bà Đen.
Lễ hội xuân – một nét đẹp văn hóa
Lễ hội xuân là nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam. Và điều phải nhấn mạnh trong lễ hội xuân đa phần là lễ hội chùa chiền, bởi vì Việt Nam đa phần theo đạo phật. Trở về đất phật vào những ngày đầu năm để được du xuân và xin sức khỏe, may mắn cho mình cho người thân là điều mà nhiều người hướng tới. Đó là nét đẹp văn hóa tâm linh, hướng mỗi người đến những điều thiện.
Cùng với đó là sự gắn bó, ngoài lý do tâm linh, còn bởi chùa chiền là những địa chỉ văn hóa và nghệ thuật. Bản thân mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc độc đáo và đặc sắc. Trong mỗi ngôi chùa lại lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật, văn học… có giá trị nghệ thuật cao, có tác động tích cực tới đời sống con người. Đó là hệ thống tượng, hoành phi, câu đối, các mảng chạm khắc, văn bia, sắc phong v.v.. Đặc biệt là những truyền thuyết, huyền thoại, giáo lý… có ý nghĩa giáo dục nhân sinh.
Nếu nhìn theo con mắt mỹ thuật hiện đại, thì chùa như là một điểm nhấn của một công trình nghệ thuật sắp đặt. Chùa gắn kết với cảnh quan môi trường, tạo nên dáng vẻ tuyệt đẹp của làng quê Việt Nam.
Điều đó cắt nghĩa vì sao trong mỗi dịp mùa xuân về, người người lại kéo nhau đi lễ chùa, hội chùa. Bởi vì ở đó người ta không chỉ tìm thấy những nét đẹp văn hóa đời sống mà còn tìm thấy nét đẹp văn hóa tâm linh, hướng mỗi người tìm đến cái chân, thiện, mỹ. Và mùa xuân này nhiều người cũng đang đi trảy hội.