Nhiều phụ huynh tràn cả xuống lòng đường ảnh hưởng tới giao thông |
(GD&TĐ) - Lâu nay hiện tượng ùn tắc giao thông tại các cổng trường thường xảy ra vào giờ tan học. Đặc biệt tại những điểm giao thông có từ hai trường học cùng đóng trên địa bàn thì việc ổn định trật tự là rất khó khăn. Đây cũng là bài toán không có “thuốc” khắc phục.
Cơ quan chức năng bó tay
Tại những thành phố lớn như Hà Nội, hiện tượng ùn tắc trước cổng trường vào những giờ tan tầm là vấn đề mà người dân khá bức xúc.
Chị Hương có con học ở trường Bình Minh trên phố Hàng Bông - Thợ Nhuộm chia sẻ: Phần lớn trên các tuyến phố cổ của Hà Nội, các trường học đều có khuôn viên quá nhỏ nên phụ huynh không thể vào trong trường để đón con vì vậy họ thường đứng chật trước cổng trường và tràn cả xuống lòng đường gây ách tắc giao thông.
Nhiều vụ cãi vã xảy ra giữa người đi đường và phụ huynh đứng chờ con cũng vì phần đường bị lấn. Những va chạm này cũng ảnh hưởng không tốt tới nhận thức của trẻ.
Không chỉ riêng tại Trường Tiểu học Bình Minh mà nhiều trường học khác như Lý Thường Kiệt, Đặng Trần Côn A, Đặng Trần Côn B, THCS Thanh Xuân Nam… đều có chung cảnh ngộ ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm.
Khoảng thời gian 16 giờ 30 phút - 17 giờ 30 hàng ngày thì tại phần đông các cổng trường đều diễn ra tình trạng quá tải cảnh phụ huynh chờ đón con chật kín vỉa hè thậm chí lấn xuống cả lòng đường gây ra ách tắc giao thông. Phố Thụy Khuê có 3 trường Mầm non, THCS và THPT Chu Văn An nên lượng người thường tăng đột biến vào các giờ cao điểm buổi chiều.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cổng trường đó là trục giao thông đi qua các điểm trường này không được thông thoáng. Bên cạnh đó quỹ đất dành cho các trường còn hạn chế vì vậy để bổ trí được chỗ dành cho phụ huynh đưa đón con là vấn đề hết sức khó khăn.
Khi tan học đồng thời cùng một lúc học sinh tại các lớp ùa ra vì vậy chắc không thể giải tỏa hết trong thời gian ngắn. Việc ùn tắc giao thông tại các cổng trường không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thời gian mà còn ảnh hưởng đến chi phí và sức khỏe của người tham gia giao thông.
Hết thuốc
Một trong những giải pháp để giảm thiểu hiện tượng ùn tắc tại các cổng trường đó là các cấp chính quyền sở tại, sở giao thông công chính đã kết hợp với nhà trường cho cắm biển chỉ dẫn và quy định nơi đỗ xe chờ con của các bậc phụ huynh.
Các trường có khuôn viên rộng hơn đã chủ động kẻ sân quy định chỗ chờ để phụ huynh đón con ngay trong trường. Việc thành lập các tổ hành động vì an toàn giao thông, tổ chống ùn tắc trong học sinh cũng được một số trường áp dụng có hiệu quả.
Bên cạnh đó nhà trường, giáo viên cũng động viên, khen thưởng những học sinh tích cực, gương mẫu chấp hành, vận động các học sinh khác tuân thủ chống ùn tắc.
Trường tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cũng thường xuyên bị ách tắc trước cổng vào giờ tan tầm. Để giảm sự ùn tắc BGH nhà trường đã thực hiện việc tổ chức HS xếp hàng theo lớp do GV chủ nhiệm điều hành nên đã không còn cảnh ùn tắc trước cổng trường.
Người dân cũng cảm thấy thoải mái hơn khi tham gia giao thông qua đây. Tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn B, để tránh ùn tắc nhà trường cũng đã bố trí chỗ cho phụ huynh đỗ xe để đón con và quy định hướng đi một chiều, do vậy lối ra cũng thông thoáng hơn, góp phần hạn chế tối đa hiện tượng ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Các cơ quan chức năng cũng chưa có phương án triệt để giải quyết vấn nạn này.
Việc ách tắc trước trường học thực sự đã “hết thuốc” vì người dân nhờn luật, chính quyền bó tay.
Ùn tắc giao thông tại các cổng trường vào giờ cao điểm gây bức xúc đối với khu vực dân cư xung quanh trường học cùng hàng nghìn phụ huynh đưa con đến trường. Đây là một trong những công việc khá khó khăn, đòi hỏi trách nhiệm phối hợp cao của các ngành và ý thức tuân thủ của người dân tham gia giao thông. Đảm bảo tuyệt đối an toàn mọi mặt đối với môi trường giáo dục là trách nhiệm chung của các lực lượng CATP và ngành Giáo dục. (Ông Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) |
Châu Anh