Nhóm sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành đạt giải cao cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đạt 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng tại Giải thưởng "Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng" lần thứ 13.

AroTrips – Bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe du lịch từ nghệ trắng của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đạt huy chương bạc Giải thưởng "Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng" năm nay.
AroTrips – Bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe du lịch từ nghệ trắng của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đạt huy chương bạc Giải thưởng "Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng" năm nay.

Giải thưởng “Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng” năm nay thu hút sự tham gia tranh tài của 76 dự án đến từ nhiều trường THPT, đại học, cao đẳng và trung tâm đào tạo tại TPHCM.

Trong đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành góp mặt với 8 dự án, trải rộng ở các lĩnh vực như dược phẩm, y sinh, nông nghiệp tuần hoàn, vật liệu mới và chăm sóc sức khỏe.

Vượt qua nhiều ý tưởng sáng tạo và mô hình ứng dụng nổi bật, các dự án của đoàn sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã xuất sắc mang về 3 huy chương: 2 huy chương bạc (“AroTrips – Bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe du lịch từ nghệ trắng”, “Cốm trà Thanh An – Nâng tầm giá trị trà thảo dược Việt Nam”) và 1 huy chương đồng (“BioKitty – Cát mèo tái sinh từ bã sắn”).

sv-nttu-giai-thuong-thiet-ke-che-tao-ung-dung-2025-6.jpg
Đoàn sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mang về 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.

Cụ thể, dự án “AroTrips – Bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe du lịch từ nghệ trắng” hướng tới việc ứng dụng dược liệu bản địa – nghệ trắng – vào chế phẩm chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, kết hợp đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và tái tạo da.

Đề tài “Cốm trà Thanh An – Nâng tầm giá trị trà thảo dược Việt Nam”, tập trung phát triển dòng sản phẩm cốm hòa tan từ các loại thảo dược có dược tính cao, phù hợp với xu hướng chăm sóc sức khỏe tự nhiên.

Đề tài “BioKitty – Cát mèo tái sinh từ bã sắn” là một sáng kiến xanh nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chế tạo cát vệ sinh cho thú cưng có khả năng phân hủy sinh học, hướng đến mô hình tiêu dùng bền vững.

Sinh viên Phạm Trần Minh Thư – Trưởng nhóm dự án “AroTrips” – cho biết: “Với dự án AroTrips, chúng em xem đây là cơ hội để lắng nghe phản hồi, hoàn thiện sản phẩm và quan trọng hơn là đưa sản phẩm nghiên cứu của cả nhóm đến gần hơn với người tiêu dùng”.

Theo Minh Thư, từ giải thưởng lần này, AroTrips không đơn thuần chỉ là kết quả nghiên cứu hay một bộ sản phẩm có giá trị ứng dụng thực tiễn, mà còn là động lực để cả nhóm tiếp tục phát huy niềm đam mê và sức sáng tạo của tuổi trẻ trong nghiên cứu khoa học.
“Chỉ cần nỗ lực, tự tin vào điều mình làm thì một phòng lab nhỏ cũng có thể tạo ra giải pháp lớn”, Minh Thư tự hào chia sẻ thêm.

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, các dự án sẽ tiếp tục được hoàn thiện mô hình, nâng cấp tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa. Nhà trường và Trung tâm Sáng tạo – Ươm tạo Khởi nghiệp sẽ đồng hành hỗ trợ kết nối với các chương trình ươm tạo, cố vấn chuyên môn và tìm kiếm nguồn quỹ phát triển.

Các nhóm có tiềm năng sẽ được định hướng tham gia thêm các sân chơi khởi nghiệp cấp trường, cấp thành phố và cấp quốc gia trong thời gian tới.

Giải thưởng “Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng” do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ và Thành Đoàn TPHCM phối hợp cùng tổ chức nhằm tìm kiếm, phát hiện và tuyên dương các tác giả, nhóm tác giả có các sản phẩm sáng tạo có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, tham gia giải quyết các vấn đề cuộc sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ