Nhóm sinh viên đại học lừa bán sim số đẹp chiếm đoạt hàng tỷ đồng

GD&TĐ - Bằng thủ đoạn rao bán các sim số đẹp, nhóm đối tượng là những sinh viên đại học đã gây ra hàng chục vụ lừa đảo trên địa bàn toàn quốc với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng.

Nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo bằng hình thức rao bán sim số đẹp tại cơ quan chức năng. Ảnh: Công an Thanh Hoá.
Nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo bằng hình thức rao bán sim số đẹp tại cơ quan chức năng. Ảnh: Công an Thanh Hoá.

Ngày 21/4, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, Công an huyện Như Xuân đã bắt giữ 3 đối tượng gồm Phan Nam Tiến (SN 2001, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội); Đỗ Hồng Phi và Nguyễn Trọng Như Thành cùng sinh năm 1998, trú tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đọat tài sản bằng thủ đoạn rao bán sim số điện thoại đẹp trên các trang mạng xã hội.

Trước đó, Công an huyện Như Xuân nhận được tin báo của anh H.A.T. (SN 1984, trú tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân) về việc vào ngày 30/3 anh T. có vào nhóm trên mạng xã hội với tên miền "Shop sim số đẹp Hoàng Sa" và gọi điện thoại vào các số hotline: 08393333333 và 08582888888 để mua một số sim số đẹp.

Sau khi lựa chọn sim và trao đổi, thống nhất về giá, anh T. được đối tượng yêu cầu nộp trước tiền cọc là 69 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chuyển tiền cho đối tượng, anh T. không nhận được sim như thỏa thuận và không thể liên lạc được với đối tượng. Biết mình bị lừa, anh T. đã làm đơn trình báo với Công an huyện Như Xuân.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Công an huyện Như Xuân đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự tập trung xác minh, điều tra, làm rõ và lập án đấu tranh.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Như Xuân đã xác định nhóm Phan Nam Tiến, Nguyễn Trọng Như Thành và Đỗ Hồng Phi chính là các đối tượng gây ra vụ lừa đảo anh H.A.T. nên đã tiến hành phá án, bắt giữ đối tượng. 

Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, Công an huyện Như Xuân đã thu giữ 6 điện thoại di động, 2 thẻ ATM, 2 bộ máy vi tính và nhiều tài liệu khác có liên quan. 

Tại cơ quan công an, 3 đối tượng khai nhận đều là những sinh viên của các trường đại học khối công nghệ thông tin. Do ham mê cờ bạc và nợ nần nhiều nên bọn chúng đã rủ nhau thuê các số điện thoại đẹp làm số hotline và lập trang page lừa rao bán sim điện thoại số đẹp.

Sau khi rao bán các sim số đẹp và “hướng dẫn” các bị hại làm thủ tục hợp đồng mua sim này trên mạng internet, các đối tượng yêu cầu các bị hại chuyển tiền đặt cọc có trị giá 30% của tổng số tiền giao dịch trong hợp đồng thì sẽ chuyển sim cho bị hại và thanh toán nốt số tiền còn lại.

Sau khi các bị hại chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản, các đối tượng sẽ xóa hết dấu vết và chặn liên lạc với các bị hại. Bằng thủ đoạn trên, từ đầu năm 2021 đến khi bị bắt, 3 đối tượng nói trên đã gây ra hàng chục vụ lừa đảo trên địa bàn toàn quốc với tổng số tiền hàng tỷ đồng.

Hiện, Công an huyện Như Xuân đang tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo qui định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...