Thực tế khó khăn trong tuyển sinh nhó ngành đặc thù Nông-Lâm-Ngư nghiệp mang đến nhiều âu lo về chất lượng nguồn tuyển và nguồn nhân lực trong tương lai.
Xung quanh vấn đề này Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trò chuyện với NGND.GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp
Vài năm trở lại đây các ngành khoa học thuộc khối Nông- Lâm- Ngư nghiệp của nhiều trường ngày càng giảm sức hút với thí sinh. Theo GS nguyên nhân chính nằm ở đâu?
NGND.GS.TS Trần Văn Chứ: Số liệu thống kê của Vụ Giáo dục Đại học tại Hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ Sư phạm năm 2021 đã cho thấy rõ điều này khi các ngành khoa học khối nông lâm nghiệp và thủy sản thuộc nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh thấp với tỉ lệ nhập học thấp nhất.
Năm 2019 chỉ đạt 32,6% và năm 2020 là 43,91% (với lượng thí sinh nhập học là 4.135 thí sinh trong tổng chỉ tiêu là 9.416) trong khi điểm chuẩn xét tuyển của các ngành học này không cao so với các ngành học thuộc nhóm ngành khác.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là do chính sách đầu tư của Nhà nước chưa cao. Đầu tiên phải khẳng định đây là nhóm ngành đặc thù có vai trò rất quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng và có nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện các chủ trương, chính sách chiến lược quan trọng của quốc gia tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng biển và hải đảo.
Tuy nhiên, hiện chưa có những chính sách mang tính chất đòn bẩy nhằm hỗ trợ và thu hút người học vào học các ngành học thuộc nhóm ngành này như đã và đang đầu tư cho nhóm ngành sức khỏe và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Thứ hai là sự nhìn nhận của xã hội và người học về ngành học. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2020 đạt khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 41,2 tỷ USD, tỉ lệ che phủ của rừng đạt 42%, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài thì đây là những con số rất ấn tượng thể hiện vai trò và vị thế của ngành trong nền kinh tế quốc dân; phản ánh thành quả lao động không mệt mỏi của nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ đại học và sau đại học đang cống hiến cho ngành. Tuy nhiên, trong quan niệm của nhiều người, đây là nhóm ngành “không hot, không sang” khi so sánh với rất nhiều ngành học “vừa hot, vừa sang” đã và đang được các cơ sở đào tạo mở mới trong thời gian gần đây.
Thứ 3 là do đặc thù của ngành học, địa bàn làm việc và thu nhập. So với khối ngành kinh tế, xã hội và nhân văn và một số nhóm ngành khác thì nhóm ngành kỹ thuật nói chung thường vất vả hơn.
Trong nhóm ngành kỹ thuật thì nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản luôn gắn với hiện trường, môi trường làm việc ngoài trời rất vất vả, đòi hỏi cán bộ ngoài trình độ chuyên môn vững phải có sức khỏe tốt trong khi phần lớn thí sinh hiện nay có xu hướng chọn các ngành học có môi trường làm việc bàn giấy, chỉ cần có trí lực tốt mà không cần quá nhiều sức lực.
Vậy sinh viên kén chọn học nhóm ngành này là do sợ vất vả?
NGND.GS.TS Trần Văn Chứ: Đây là một trong những lý do chính. Bởi con số thống kê tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành thuộc nhóm ngành này trong những năm vừa qua tương đối cao.
Tuy vậy, địa bàn công tác với các ngành học thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản thường là vùng sâu vùng xa trong khi thu nhập của người học mới ra trường lại chỉ ở mức trung bình nên sức thu hút thí sinh đăng ký và nhập học không cao.
Để vực dậy nhóm ngành trên, Nhà trường đã thực hiện giải pháp truyền thông, hỗ trợ người học ra sao?
NGND.GS.TS Trần Văn Chứ: Trường Đại học Lâm Nghiệp hiện đang đào tạo 28 ngành học bậc đại học. Bên cạnh một số ngành học thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội và công nghệ... tuyển sinh tương đối ổn định thì một số ngành truyền thống đặc thù như Lâm sinh, Lâm nghiệp đô thị, Công nghệ chế biến lâm sản đang gặp rất nhiều khó khăn.
Với sứ mạng là “trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến lâm sản và phát triển nông thôn, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai...”, Nhà trường đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp không chỉ nhằm thu hút đủ số lượng mà còn mong muốn thu hút người học có chất lượng đầu vào tốt.
Cụ thể về chính sách vĩ mô, Nhà trường đã và đang tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành có liên quan xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo với các ngành học đặc thù; xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho người học và đảm bảo việc làm phù hợp dựa trên năng lực học tập của người học;
Nhà trường gia tăng số lượng học bổng toàn phần, học bổng bán phần có sự tham gia của doanh nghiệp hàng năm; hỗ trợ nhà ở trong ký túc xá cho sinh viên có kết quả xét tuyển đầu vào dựa vào điểm thi trung học phổ thông đạt loại xuất sắc, loại giỏi. Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong triển khai học kỳ doanh nghiệp nhằm tăng cường kỹ năng thực tế cho người học, tăng cường cơ hội tiếp cận việc làm tốt sau khi tốt nghiệp;
Đặc biệt, Nhà trường lựa chọn sinh viên có năng lực để bố trí tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trong trường; đầu tư tối đa để các em tham gia các dự án khởi nghiệp sáng tạo từ đó có thể khẳng định được bản thân ngay sau khi tốt nghiệp.
Đầu vào thấp sẽ gây nghi ngại cho xã hội về chất lượng đào tạo, GS đánh giá thế nào về vai trò, vị trí nhân lực nhóm ngành trên?
NGND.GS.TS Trần Văn Chứ: Phải khẳng định rằng, bất kể ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có chất lượng cao và cũng phải khẳng định đầu vào thấp sẽ rất khó để đào tạo được nguồn lực có chất lược cao.
Ở Việt Nam, ngành Lâm nghiệp - một ngành kinh tế, xã hội đặc thù có địa bàn hoạt động trên phạm vi 42% diện tích lãnh thổ và gắn sinh kế của trên 25 triệu đồng bào vùng miền núi thì nhu cầu nguồn nhân lực không chỉ là chất lượng mà còn đảm bảo cả số lượng.
Vì vậy, sự sụt giảm về nguồn tuyển sinh và chất lượng nguồn tuyển đã và đang gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp về lực lượng chuyên gia có chất lượng phục vụ cho ngành trong 10 năm tới. Giải quyết được vấn đề này cá nhân tôi cho rằng các trường cần phải có một chiến lược rất tổng thể như đã đề cập ở trên.
Hiện Trường ĐH Lâm Nghiệp đã thực hiện giải pháp gì để đảm bảo chất lượng đào tạo nhóm ngành đặc thù trên?
NGND.GS.TS Trần Văn Chứ: Hiện Trường ĐH Lâm Nghiệp chúng tôi đã xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành học đặc thù với sự tham gia của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, chất lượng nguồn tuyển sinh và yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của các đơn vị tuyển dụng. Trong đó, tập trung vào các chuẩn kỹ năng thực hành và năng lực nghề nghiệp thực tế của người học sau khi tốt nghiệp mà không quá nặng về chuẩn kiến thức hàn lâm.
Trường cũng đã rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường các nội dung thực hành, thực tập nghề nghiệp và dành 1 học kỳ để triển khai “học kỳ doanh nghiệp” nhằm mục tiêu nâng cao kỹ năng thực hành, năng lực tiếp cận thực tế của người học.
Ngoài ra, Nhà trường đã từng bước đưa các môn học liên quan đến khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo để các em có đủ năng lực và sự tự tin để khởi nghiệp khi chưa tìm được việc trong khối hành chính nhà nước.
Song song các giải pháp về đào tạo, Nhà trường cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành thực tập để sinh viên từng bước tiếp cận được những kiến thức, công nghệ mới theo phương châm “trăm hay không bằng tay quen”.
Ngoài các giải pháp trọng tâm nêu trên, phương pháp giảng dạy của giảng viên cũng không ngừng được điều chỉnh theo chất lượng thực tế của người học, thúc đẩy năng lực tự học của sinh viên; chủ trương đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên và thúc đẩy sinh viên tham gia các đề tài, dự án của giảng viên cũng đang được triển khai tương đối đồng bộ ở các quy mô khác nhau góp phần cải thiện chất lượng chất lượng đào tạo trong bối cảnh tuyển sinh gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi này