Khi trả lời các câu hỏi về hướng nghiệp và tuyển sinh, nhóm tư vấn viên cần chú ý là chỉ nên vạch ra các hướng đi bằng cách vận dụng lý thuyết hướng nghiệp hoặc thông tin tuyển sinh, không đưa ra quyết định hay quyết định cho học sinh phải đi theo ngành nghề nào hay cơ sở đào tạo nào. Nói cách khác, vai trò của tư vấn viên là hỗ trợ các em ra quyết định của bản thân, không quyết định thay cho học sinh.
Khi trả lời các câu hỏi, nhóm tư vấn viên nên phân chia các câu hỏi của học sinh thành các thành các cụm câu hỏi khác nhau để trả lời cho có hệ thống.
Dưới đây là gợi ý những câu hỏi thường gặp dành cho tư vấn viên hướng nghiệp
1. Các câu hỏi thuộc về các nhóm ngành công an, an ninh, quân đội…
Đối với các câu hỏi loại này, nhóm tư vấn viên nên tư vấn với những nội dung sau:
Tất cả những học sinh muốn dự tuyển vào các trường công an, an ninh, quân đội thì phải nộp hồ sơ sơ tuyển tại công an quận, huyện (nếu thi vào trường cảnh sát, an ninh) và tại Ban chỉ huy quân sự quận, huyện (nếu thi vào các trường quân đội).
Các nơi này sẽ nhận hồ sơ sơ tuyển vào khoảng tháng 4 hàng năm và cho kết quả sơ tuyển trước kỳ thi tháng 7 hằng năm của Bộ GD&ĐT. Chính vì vậy, học sinh khi nộp đơn thi tuyển vào các trường thuộc nhóm ngành này bao giờ cũng nên nộp thêm các bộ hồ sơ thi tuyển vào các trường đại học ngoài khối công an và quân đội để dự phòng, nếu sơ tuyển không đạt thì học sinh vẫn có hồ sơ để thi vào các trường khác;
Học tại các trường công an, an ninh, quân đội thì học sinh không phải đóng học phí, học xong nhà trường sẽ phân công công tác. Chính vì có nhiều quyền lợi như
Vậy nên học tại các trường này, học sinh phải tuân theo kỉ luật thép và điểm trúng tuyển cũng nằm ở “top” cao nên học sinh lưu ý khả năng của mình.
Ví dụ, có câu hỏi em là nữ, em có học ngành công an được không?
Tư vấn viên vận dụng các giải đáp chung vừa nêu trên để trả lời cho học sinh, bên cạnh đó cũng cho học sinh biết là tỉ lệ thu nhận học sinh nữ do công an quận, huyện và Ban chỉ huy quân sự quận, huyện tại địa phương quyết định, thông thường tỷ lệ này dao động từ 5 đến 10% hằng năm.
2. Nhóm câu hỏi về các môn văn hóa tương ứng với các khối thi và đợt thi
Ở nhóm câu hỏi này tư vấn viên hướng nghiệp nên tư vấn với những nội dung sau:
Cần giới thiệu và nhắc lại sơ lược các nhóm nghề để các em biết được hiện nay có 6 nhóm nghề diện rộng được phân chia theo tâm lý học hiện đại. Khi học sinh hỏi những câu hỏi này là những học sinh đó hiểu rất ít về hướng nghiệp và hầu như chưa định hình trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.
Vì vậy, ngoài việc giải thích các lý thuyết hướng nghiệp cho học sinh, tư vấn viên cần cho học sinh làm thêm trắc nghiệm hướng nghiệp về kĩ năng và trắc nghiệm về sở thích nếu thấy cần thiết.
Tư vấn viên nên giới thiệu các khối thi và môn thi tương ứng như: Khối A: Toán, Lí, Hóa; Khối A1: Toán, Lí, Anh; Khối B: Toán, Sinh, Hóa; Khối D: Toán, Văn, Anh; Khối C: Văn , Sử, Địa; Khối V: Toán, Lí, Vẽ; Khối H: Văn, Vẽ, Vẽ; Khối M: Văn, Múa, Hát, Đọc diễn cảm; Khối T: Toán, Sinh, Năng khiếu thể dục; Khối N: Văn, 2 môn năng khiếu nhạc; Khối R: Văn, Sử, Năng khiếu báo chí; Khối S: Văn, 2 môn năng khiếu sân khấu, điện ảnh; Khối K: Toán, Lý, Kỹ thuật nghề.
3. Nhóm câu hỏi về các nguyện vọng
Ở phần câu hỏi này, tư vấn viên nên tư vấn thật kĩ cho học sinh về việc điền thông tin trong Hồ sơ đăng ký dự thi cao đẳng, đại học của Bộ GD&ĐT. Cần chú ý ở mục số 2 của phiếu đăng kí dự thi là nơi mà học sinh ghi đầy đủ thông tin trường mà mình muốn dự thi (trường này có tổ chức thi tuyển), và mục số 3 là ghi trường mà học sinh muốn vào học nhưng trường đó không tổ chức thi.
Nếu muốn vào học ở trường có tổ chức thi thì học sinh cứ điền đầy đủ thông tin vào mục 2 (tên trường, mã trường, mã ngành, khối thi) và không ghi gì vào mục số 3 cả.
Nếu học sinh muốn vào học ở trường không tổ chức thi thì học sinh cứ điền đầy đủ thông tin vào mục số 3 (tên trường, mã trường, mã ngành, khối thi), còn ở mục số 2 học sinh chọn một trường có tổ chức thi để mượn dự thi, tại đây học sinh điền đầy đủ thông tin (tên trường, mã trường, khối thi) và không ghi mã ngành thi.
Sau khi hoàn tất hồ sơ đăng kí dự thi, trước khi nộp hồ sơ, học sinh phải photo mặt trước của Phiếu đăng ký dự thi số 1 và nộp cùng với bộ hồ sơ đăng kí dự thi.
4. Nhóm câu hỏi về việc làm đầu ra
Đối với các câu hỏi thuộc nhóm này, tư vấn viên cần nắm vững quy mô cơ cấu nguồn nhân lực của địa phương và cả nước. Nếu có được các dự báo ngành nghề thì có thể tư vấn cho học sinh những ngành nghề đang cần đào tạo nguồn nhân lực (tra cứu trên google về đào tạo nguồn nhân lực) thì rất tốt.
Tư vấn viên cần vận dụng các lý thuyết hướng nghiệp để giải thích cho các học sinh về việc “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, học sinh cần chọn nghề phù hợp, học thật tốt thì sẽ có việc làm. Cần cũng cho học sinh nhận định hướng phát triển các nghề nghiệp sau 5 năm.
5. Nhóm câu hỏi so sánh trình độ đào tạo của các trường
Tư vấn viên nên cẩn thận khi trả lời các câu hỏi này, chúng ta cần nhận định chung và tránh trả lời theo quan điểm cá nhân. Nếu học sinh có hỏi sự so sánh giữa các ngành đào tạo trong cùng một trường đào tạo. Tư vấn viên nên giải thích kĩ nếu hiểu rõ về trường đó. Nếu học sinh có hỏi sự so sánh giữa các ngành đào tạo giống nhau tại các trường đào tạo khác nhau thì nên giải thích chương trình đào tạo của các trường đó nếu biết. Không nên so sánh trường nào hay hơn hoặc dở hơn vì rất khó.