Nhồi học và phó mặc... gia sư

GD&TĐ - “Lười học lắm!” là câu cửa miệng của không ít bậc cha mẹ mỗi khi mắng con hay có ai hỏi về tình hình học tập của trẻ. Ham chơi hơn học là thực tế ở nhiều trẻ em hiện nay, khi mà các phương tiện giải trí phong phú, đa dạng... 

Nhồi học và phó mặc... gia sư

Bật tivi bất cứ lúc nào cũng có thể xem phim hoạt hình, thế giới game online lôi cuốn, Internet truy cập thuận tiện cả ở nhà và tại nhiều nơi công cộng... Làm thế nào để trẻ chăm học, trong không gian vô số trò giải trí như vậy? Dường như luôn là câu hỏi mà các bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi từ tiểu học đến hết phổ thông luôn muốn có câu trả lời tốt nhất.

“Nhồi học” vô tội vạ

Dù chưa chính thức bước vào thời gian quy định cho năm học mới 2017- 2018, tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ đã chạy đôn, chạy đáo tìm chỗ cho con học thêm, giao bài tập cho con làm đều đặn hàng ngày, không chỉ để tránh quên kiến thức của năm học trước, mà còn nhằm học trước, học ôn thi (đầu cấp, cuối cấp)... Thực tế mùa hè nghỉ ngơi, vui chơi thật sự không có trong khái niệm của rất nhiều con trẻ.

“Nhồi” con học ngày học đêm là thực trạng đang xảy ra tại không ít gia đình. Mới tháng 8 vừa rồi, ở Hà Nội, không ít trẻ tuổi tiểu học, THCS đã phải lao đầu đi học từ sáng tới tối ở trường, rồi lớp học thêm, trung tâm ngoại ngữ... Chị Nguyễn Ngọc Thu (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) có con năm nay mới lên lớp 6. Khi tháng 8 trường bắt đầu dạy, cô bé học sinh lớp 6 con chị Thu còn chưa hết bỡ ngỡ trường mới, lớp mới, bạn mới, thầy cô mới... thì đã đi học thêm Toán, Văn, Anh sau mỗi ngày học 2 buổi bán trú ở trường.

Đáng say ngẫm là cuộc đua thi cử và bệnh thành tích khiến nhiều bậc cha mẹ có con học bán trú ngày hai buổi ở trường, với số tiết học chuẩn bị sách vở và bài tập trên lớp có thể tới 8- 10 tiết/ngày, song vẫn chăm chăm tìm chỗ, tìm thầy cô cho con học thêm ngoài giờ học chính ở trường.

Trên diễn đàn thu hút sự tham gia của hàng nghìn phụ huynh của một trường liên cấp có cơ sở trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), mới tựu trường tuần đầu tiên đã có không ít phụ huynh lên diễn đàn nhờ sự giúp đỡ của các phụ huynh khác chỉ giúp GV dạy thêm để xin cho con học.

Có phụ huynh thì “muốn tìm lớp học thêm Văn” gần nhà cho con học lớp 6, có phụ huynh lại hỏi “ai biết địa chỉ thầy cô dạy Toán uy tín lớp 7” nhờ chỉ giúp... Đương nhiên, lời hỏi của các phụ huynh muốn tầm thầy cho con học thêm luôn được nhiều lời đáp của những phụ huynh nhiệt tình, có kinh nghiệm cho con học thêm. Nào thì có phụ huynh giới thiệu trực tiếp luôn cô giáo tên A, cô dạy ở địa điểm ngay đối diện trường và “học cô còn có cả camera cho phụ huynh tiện theo dõi con”.

Có phụ huynh còn tư vấn “tham khảo ở chỗ thầy S, chỗ thầy chuyên dạy nhóm nhỏ, chất lượng rất ổn...”. Còn có phụ huynh chia sẻ rằng đang “gom” các HS học Toán lớp 7 để nhờ “một thầy giáo già” về dạy ở ngay trong khu chung cư đang ở. Thậm chí là những lời giới thiệu như quảng cáo: “Chị ơi em đang dạy... lớp 7, năm trước em dạy 7 con thì 5 bạn được 9, 1 bạn được 9,5, một bạn được 8 (điểm) ạ. Nếu chị có nhu cầu thì alo em (số điện thoại), em sẽ kiểm tra và xếp con vào nhóm phù hợp”.

Phó mặc gia sư... “phương pháp” phổ biến của phụ huynh ở thành thị?

Chị Nguyễn Thị Hà (Giải Phóng, Hà Nội) mặc dù cho con học một trường tư với mức học phí và các khoản phí tổng cộng gần 10 triệu/tháng và nhà trường quán triệt giáo viên không dạy thêm cho HS, song lúc nào cũng ám ảnh về cậu con trai học lớp 7 thích chơi game hơn học, nên suốt mùa hè chị Hà phải kèn kẹt luôn miệng nhắc nhở con học ôn bài, học tiếng Anh.

“Bố mẹ bận đi làm cả ngày, suốt tháng 6, tháng 7 trường không tổ chức học hè, ông con tha hồ ở nhà chơi game, xem tivi. Đã cho học gia sư 2 giờ/ngày, các ngày còn lại giao bài tập ở nhà để học ôn cho đỡ quên kiến thức cũ, nhưng ngoài giờ học gia sư, thời gian còn lại bố mẹ cứ gọi điện thoại về nhà kiểm tra bất cứ lúc nào là thấy tiếng tivi mở to, hay con lý sự cãi “Con học xong rồi, mẹ cho con xem phim hoạt hình chứ, cho con chơi game tí không con tự kỷ chứ”. Tháng 8 nhà trường bắt đầu dạy trở lại, con đi học nhẹ đỡ cả người, nhưng vẫn tật lười học ham chơi cứ đi học về là ôm lấy cái tivi xem phim hoạt hình, hay nài nỉ mượn điện thoại của bố để chơi game”- Chị Hà than thở- “Để tránh tình trạng lười học, quen chơi dài những ngày hè, vào năm học phải ngay lập tức thiết lập giờ học buổi tối với gia sư. Trừ tối thứ 7, chủ nhật. Còn lại tuần 5 buổi phải nhờ gia sư “ốp” giúp, chứ bố mẹ đi làm về mệt không thể dạy con, còn để tự giác thì không bao giờ chăm học”.

Cũng chẳng đỡ lo lắng hơn chị Hà, anh Trần Việt Tiệp (Minh Khai, Hà Nội) gần như phải giao phó hai cậu con trai năm nay học lớp 3 và lớp 9 cho gia sư. “Kiến thức và cách thức trình bày, làm bài tập bây giờ khác ngày trước thời mình đi học phổ thông, nên làm sao mà dạy con được. Cứ dạy là con bảo: “Bố dạy không giống cô ở trường”, “Bố trình bày thế sai rồi, cô không cho điểm đâu”... Thành ra không cho con đi học ở lớp học thêm thầy cô ở trường dạy, thì phải tìm gia sư đến nhà ốp con học. Chứ cứ xểnh ra không để ý là sách vở lại tứ lung tung, học hành chểnh mảng, lười học đâu lại hoàn đấy”- Anh Tiệp kể lể.

Gia sư đến nhà dạy ban ngày dịp hè thì vào năm học bận không thể dạy vào buổi tối, thành thử giống như trước đây anh Tiệp lại tra trên Internet, trên mạng xã hội để tìm kiếm gia sư mới cho con. Chọn một số điện thoại trung tâm gia sư trên mạng, anh Tiệp gọi tới và nêu yêu cầu quen thuộc: “Cần gia sư dạy các môn Toán, Lý, Hóa và kiểm tra sách vở việc học hàng ngày. Cần sinh viên năm 3- 4, sinh viên ĐH Bách Khoa, hoặc ĐH Quốc gia... Nếu được sinh viên trường ĐH Y dạy thì tốt nhất... Con nhà anh lười học lắm. Chọn giúp cho bạn gia sư nào thật nghiêm khắc và có kỹ năng sư phạm nhé!”.

Đòi hỏi gia sư học các trường có tiếng tăm kèm con học các môn tự nhiên, nhưng mong muốn của anh Tiệp cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác thường yêu cầu sinh viên dạy kèm con mình phải “có kỹ năng sư phạm”, “có khả năng truyền đạt”, “áp dụng kỷ luật thép hiệu quả”, hay thậm chí là “phải điều trị được học sinh mắc bệnh lười học”.

Thầy Văn Như Cương (Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) từng chia sẻ với các bậc phụ huynh về việc học tập của con em. Theo thầy, cần chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ... Việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho HS: Tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi..

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ