(GD&TĐ) - Từ bao đời nay, dưới chân núi Cấn, ngọn núi cao và xa nhất tỉnh Phú Thọ có một bản người Dao định cư và sinh sống. Đó là bản Bến Thân (Đồng Sơn-Tân Sơn-Phú Thọ). Nghĩ đến bản Dao này, người ta lại mường tượng ra quãng đường xa và lầy lội, nhớ đến cái đói, cái nghèo đeo đẳng và cả câu chuyện học chữ của trẻ em Bến Thân.
Bản Dao nghèo dưới chân núi Cấn
Cách trung tâm huyện Tân Sơn gần 30km đường đèo dốc, cách trung tâm xã Đồng Sơn gần chục cây số, bản Bến Thân xa tắp phía núi Cấn cao sừng sững nơi lưng trời. Vào mùa này, tuy mùa đông chưa về nhưng Bến Thân đã bồng bềnh trong sương mù. Ngọn núi Cấn lúc nào cũng được bao bọc bởi sương trắng. Cái giá lạnh năm nào cũng về sớm ở bản Dao này.
Điểm trường tiểu học Đồng Sơn tại bản Bến Thân |
Ông Lý Văn Theng, trưởng bản Bến Thân cho biết Bến Thân từ lâu là bản định cư của người Dao. Năm 1974, theo lời vận động của cán bộ, mấy chục gia đình dân tộc Dao sống rải rác trên khu Rót, suối Trò, suối Lài xuống núi dựng nhà bên bờ suối lập nên bản Bến Thân. Cả bản có 111 nóc nhà với hơn 600 nhân khẩu. Bản xa trung tâm, nơi thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp nên nghèo khó lắm. Nương rẫy thì cao, trình độ canh tác thì lạc hậu nên cái đói, cái nghèo đeo đẳng Bến Thân trong suốt những năm dài. Cả khu chỉ có khoảng 8 ha ruộng xấu. Nhà nhiều được cả mẫu, nhưng cũng có nhà 6-7 khẩu mà chỉ được 1-2 sào. Vào dịp giáp hạt và cuối năm, Bến Thân heo hắt bởi cái đói. Cả bản 100% hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cuối năm có tới 70-80% số hộ thiếu ăn. Năm 2010, dịp cuối năm, chuẩn bị đón tết nhưng bản Dao không nén nổi nỗi buồn vì cả bản thiếu ăn. Khi ấy, hết lúa, hết ngô, hết sắn, đồng bào phải dắt díu nhau lên rừng đào măng, đào củ mài về ra chợ bán được 5000 đồng/1kg và ăn trừ bữa cho qua ngày. Nhưng rồi, “gạo rừng” đào mãi thì cũng hết nên đành bó gối nhịn đói. Trưởng bản Theng cho biết, cũng may là khi ấy tình hình của Bến Thân được cả nước biết đến nên Nhà nước đã cấp gạo về hỗ trợ cho từng người, từng hộ dân rồi các tổ chức cũng chung tay cùng Bến Thân vượt đói để đón tết.
Bữa ăn của học trò Bến Thân còn khá nhọc nhằn |
Con đường quãng chục cây số từ trung tâm xã Đồng Sơn vào Bến Thân lỏng cỏng tòan đá và đất nhão mỗi khi trời mưa. Nhiều khi mưa to gió lớn, đoạn đường biến thành ruộng lầy và Bến Thân dường như bị biệt lập với bên ngoài. Đường đi khó, người ta không xuống núi để đi chợ được và hàng hóa cũng khó lòng vào được bản Dao.
Đến nay, sau nhiều năm vật lộn với đói nghèo, Bến Thân được Nhà nước đầu tư, ủng hộ mọi mặt. Bản thuộc diện thụ hưởng chương trình 135 do vậy, đoạn đường vào bản hiện nay đã được đổ bê tông. Con đường rộng 3,5m, dài 5km, bê tông dầy 20cm với tổng kinh phí đầu tư khoảng 30 tỷ đồng nối Bến Thân với trung tâm xã đã được hoàn thành. Có đường, chắc chắn kinh tế sẽ phát triển, cuộc sống Bến Thân từ đó mà khấm khá hơn.
Nhọc nhằn con chữ
Bản nghèo, con chữ và chuyện học chữ nơi đây cũng khá nhọc nhằn. Những năm trước đây, vào mỗi vụ giáp hạt, thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em Bến Thân bỏ học nhiều. Cũng phải thôi, bởi khi cái bụng còn chưa no thì làm sao có thể học được chữ. Trẻ bỏ học lên núi theo cha mẹ đi làm nương rồi vào rừng đào củ mài, củ đao về chống đói.
Mỗi năm ở Bến Thân có gần 100 em học sinh ở các cấp học. Khi chưa có đường bê tông thì thực sự là khó khăn với dân bản và bọn trẻ nơi đây mỗi khi nghĩ về cái chữ và chuyện đi học. Cũng may là trường mầm non và trường tiểu học dựng phân hiệu ngay tại bản để bọn trẻ được đi học. Lúc đầu, lớp học chỉ làm bằng tre nứa tạm bợ nên rất đơn sơ. Phòng ở của thầy cô cắm bản cũng tềnh toàng không kém. Điểm trường chỉ cách con suối khoảng 30m, những ngày mùa đông, trời dày đặc sương mù, ngủ dậy, quầ tay ra là có thể vơ được sương rồi. Chính vì vậy, thầy cô lên bản dạy học cũng khá vất vả, cộng với việc học trò nghèo, thường hay bỏ học nên phải vận động cho các em đến lớp. Những ngày trời mưa, đường trơn như đổ mỡ, bùn đất nhầy nhụa đến tận điểm trường, có xe máy cũng không vượt qua được.
Những đứa trẻ ở Bến Thân |
Thầy Nguyễn Khánh Tường- Hiệu trưởng trường tiểu học Đồng Sơn cho biết hiện nay điểm trường Bến Thân đã được xây dựng phòng học và phòng ở cho giáo viên cắm bản nên đỡ đi sự vất vả. Hơn nữa, Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí, sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh nên bọn trẻ đỡ đi những khoản đóng góp. Năm học này, điểm trường Bến Thân có 2 lớp ghép và hai lớp đơn với 64 học sinh. Hai thầy cô cắm bản dạy chữ ở đây. Tuy trường gần bản nhưng sĩ số học sinh cũng có hôm vắng bởi bọn trẻ hay theo bố mẹ lên nương rẫy. Bây giờ có đường bê tông rồi, thầy cô đỡ vất vả hơn. Có khi dạy xong vẫn có thể về nhà được.
Học hết bậc tiểu học ở khu điểm trường, bọn trẻ ở Bến Thân lại tiếp tục hành trình đi học cấp 2. Trước đây, đường đi khó, hoàn cảnh khó khăn, số trẻ trong độ tuổi đi học THCS chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng rồi, thầy cô vận động, xã tuyên truyền, dân bản dần dần cũng hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ nên khăn gói cho con em mình xuống núi học chữ. Con đường tới trường THCS Đồng Sơn khá xa, phải qua nhiều con suối nên các em phải ở lại nhà bán trú của trường. Cuối tuần lại đi bộ về bản lấy thêm gạo và rau. Hiện nay, khu bán trú của trường THCS Đồng Sơn có 94 em học sinh ăn ở và học tập tại trường, trong đó phần lớn là học trò người Dao Bến Thân. Do thuộc diện bán trú dân nuôi nên các em chỉ được Nhà nước hỗ trợ phần nào còn việc ăn uống hằng ngày là do phụ huynh đóng góp. Khẩu phần ăn của các em có lẽ chỉ đủ no mà chưa đủ chất bởi có bữa chỉ có đậu phụ kho mặn và canh đu đủ nấu suông. Năm 2010, bản Bến Thân thiếu ăn nên các em cũng giảm khẩu phần. Có bữa chỉ với giá 2000 đồng.
Sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều học trò người Dao ở Bến Thân đã quyết tâm vượt dốc, vượt suối, vượt đèo để đi học chữ “to” mong sẽ tìm thấy con đường sáng láng hơn ở phía trước. Từ bản đến trường cấp 3 (trường THPT Thạch Kiệt) gần 40 cây số đường dốc, đèo khó đi. Vậy nên các em phải trọ học. Chính vì thế nên số học sinh đi học cấp 3 và học đại học ở Bên Thân chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuy xa, tuy khó khăn những đứa trẻ ở Bến Thân với khuôn mặt nhuốm đượm sương mù kia vẫn ham học lắm. Trưởng bản Theng và thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Khánh Tường cho biết bọn trẻ ở Bến Thân rất thích đi học, chúng chỉ nghỉ khi nhà quá khó khăn. Biết học trò ham học, mỗi dịp đầu năm học và cuối năm, thầy cô lại đến thăm và vận động, trao tặng sách giáo khoa để các em yên tâm đến trường.
Bến Thân hôm nay đã đổi thay nhiều so với trước. Tuy sương mù lạnh giá giữa mùa thu giăng kín đỉnh núi Cấn nhưng sắc mới từ những ngôi nhà lợp ngói, từ điểm trường xây khang trang và con đường bê tông rộng mở đã bọc lên bản Dao tấm áo mới ấm áp.
Vẫn còn đó ở Bến Thân sự nhọc nhằn của con chữ, vẫn còn đó niềm khao khát được đến trường của bọn trẻ. Thiết nghĩ, sự chung tay, giúp đỡ hơn nữa của Nhà nước và các tổ chức sẽ giúp cho những đứa trẻ như Lý Thị Bồng, Lý Văn Mưu, Lý Thị Mây và nhiều đứa trẻ ở bản Dao này vững bước chân tới trường.
Nguyễn Thế Lượng