Chia tay với tạp chí, với anh Trần Thanh Mại - Thư ký Tòa soạn, người lãnh đạo trực tiếp của chúng tôi, để anh về với hoạt động văn học – văn nghệ, môi trường nhà văn của anh, tôi không khỏi buồn pha chút hụt hẫng.
Bởi vì hai năm qua, từ một sinh viên sư phạm mới ra trường, về làm báo tôi có chút hiểu biết, vốn liếng gì về nghề đâu, nhưng anh Mại, nhà văn có tên tuổi trên văn đàn lại vào tuổi cha chú, đã thân tình coi chúng tôi như những đứa em và hết lòng chỉ bảo và tạo điều kiện cho chúng tôi rèn luyện.
Tôi xin kể một chuyện nhỏ: Ấy là lúc tôi về tạp chí chưa lâu, anh Mại gặp tôi và bảo: “Này, qua phòng tuyên truyền (do anh kiêm trưởng phòng) Báo Tiền phong có đặt cho ông Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng viết một bài về Cách mạng Tháng Mười Nga với Việt Nam, đặc biệt về giáo dục. Ông bận quá giao cho cậu chấp bút”. Tôi thực sự ngạc nhiên và có phần e ngại.
Biết thế, anh vừa cười thoải mái và bảo: “Sợ gì chứ. Các cụ cốp nữa vẫn phải có người viết thế. Ba năm học Văn học Nga cậu còn lạ gì tác phong, tư duy của thầy Toàn. Bây giờ cậu gặp thư ký của ông để xin một cái hẹn gặp, ông nói một số chủ ý của ông rồi về cậu tìm tư liệu mà viết”.
Theo lời anh, tôi đã dồn tâm sức để hoàn thành một bài báo dài, chủ đề rộng đầu tiên và rất may, khi duyệt lại ông đã không phải sửa gì đáng kể, tất nhiên bài báo đề tên Nguyễn Khánh Toàn.
Tôi cũng phải nói cho hết. Sau khi báo in, tòa soạn đã mang nhuận bút đến trao tận tay ông. Và hôm sau, ngay đầu giờ làm việc ông đã ghé qua tạp chí và dúi vào tay tôi chiếc phong bì:
“Đây là nhuận bút bài báo vừa rồi của cậu. – Ông vừa cười sảng khoái vừa đùa vui – Mình là tác giả còn cậu mới là tác thật”. Tôi luống cuống không biết phải thưa với ông thế nào.
Mở đầu bài báo này, tôi lan man mấy điều mong bạn đọc thứ lỗi. Vì ngoài chút tình sâu nặng đầu đời vào nghề vì nhiều lẽ, tôi còn muốn gửi gắm niềm tin rằng rồi đây khi ai đó nghiên cứu về lịch sử báo chí ngành Giáo dục Việt Nam, sẽ coi Tạp chí Giáo dục nhân dân là tiền thân của Báo Giáo dục & Thời đại
Báo Người giáo viên nhân dân khởi thủy do ông Nguyễn Khánh Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng làm Chủ nhiệm (tức Tổng biên tập), sau đó là các Thứ trưởng Võ Thuần Nho, Lê Liêm, Hồ Trúc cho đến cuối năm 1974 khi ông Tô Văn Của lên làm Chủ nhiệm, các ông mới thôi kiêm nhiệm chức đó.
Vậy là ngay từ đầu Báo đã được xác định là cơ quan trực thuộc Bộ, do một Thứ trưởng làm lãnh đạo. Ngay sau khi hoàn thành “bộ khung” mới của tờ báo, chúng tôi đã từ 31 Lê Thánh Tông dọn về trụ sở mới ở 14 Lê Trực. Ông Tô Văn Của, Phó chủ nhiệm, điều hành tòa báo bắt tay ngay vào mọi công việc chuẩn bị khẩn trương cho việc in ấn, phát hành.
Riêng tòa soạn, cánh phóng viên chúng tôi được ông giao cho một việc cụ thể: đi tìm hiểu bạn đọc. Ông nói: “Phải hiểu cho được bạn đọc cần cái gì, thì rồi khi mình viết, in ra, họ mới đọc, mới thích và việc mình làm mới có ích cho thầy giáo. Như vậy có thể coi đây là cuộc tổng điều tra đầu tiên về nhu cầu bạn đọc của Báo.
Sau này, trong mỗi dịp kỷ niệm Báo Người giáo viên nhân dân, đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo uyên bác của Đảng, gửi thư chúc mừng Báo và ảnh tặng bạn đọc của báo, đồng chí đã mong báo xứng đáng là người bạn đường thân thiết của giáo viên.
Càng ngày tôi càng hiểu ra cái ý sâu xa câu chúc, lời dặn dò của đồng chí là bạn đường thân thiết làm sao không hiểu biết cặn kẽ về nhau?
Và bây giờ, chúng ta đang ở vào thời kỳ kinh tế thị trường có hướng dẫn, người ta hay nói hình ảnh khách hàng là thượng đế. Báo chí không là ngoại lệ. Đáp ứng đúng, kịp thời nhu cầu chính đáng của bạn đọc, đó là con đường phát triển bền vững của tờ báo chúng ta.