Năm nay, ý định về Tết đã định. Thế rồi đùng một cái, vợ lăn ra ốm, nên đành phải hủy bỏ chuyến đi. Ở lại Moskva cũng có năm mới, cũng có giao thừa lúc 8 giờ tối, vì lúc đó ở Việt Nam là 12 giờ khuya, cũng có các cú điện thoại chúc nhau... nhưng không thể gọi là Tết được.
Năm mới ở Moskva chỉ diễn ra ở hai nơi, hoặc là ở trong các ốp - các “chiến khu” của cộng đồng người Việt, hoặc là trong những căn hộ tập thể.
Rồi cũng có các cảnh ồn ào, ăn uống, chúc tụng bên những ngọn đèn xanh đỏ, những chai rượu ngoại đủ các mùi vị, nhưng đó vẫn là sự mô phỏng cái Tết dân tộc mà chỉ thực sự có trên dải đất Việt Nam. Cái miền tâm linh thẳm sâu mà người Việt có được, phải do phù sa chắt lọc muôn đời mới có.
Tôi đã từng ứa nước mắt khi từ Hà Nội về tay nhấc liếp tre gầy đầu ngõ, nhìn qua mảnh sân đất lá tre phủ xơ xác, thấy mẹ tôi một mình nhặt lá dong dưới ngọn đèn dầu.
Hỏi có ai là người Việt mà chưa từng ngồi bên mẹ cạnh nồi bánh chưng xanh? Đòn bánh chưng, mâm ngũ quả, nén hương trầm đặt lên bàn thờ, vị trí thiêng liêng nhất trong mỗi gia đình, là bức tranh điển hình nhất của ngày Tết.
Ở miền Trung, hiếm đào hơn ở miền Bắc, nhà nào sang thì có cành đào phai, còn như nhà tôi, thời đó, thì cắm vài ba chùm hoa giấy. Mứt ở xứ Nghệ là mứt gừng, mứt lạc nấu theo phong vị đồng quê, không được tỉa tót, cách điệu như ở xứ Bắc, nhưng dẫu sao sản phẩm chỉ xuất hiện mỗi năm một lần.
Khoản thịt, dưa, bánh thì Tết nào cũng có, nhưng khi tôi lớn lên, đủ hiểu biết thì các hội đu xuân, hội vật, lễ chùa của quê tôi chỉ còn trong hồi ức của các vị cao niên.
Tôi không được hưởng cái cảnh hội hè dân gian, nhưng thay vào đó, tôi cùng được ông chú đi dự cuộc gặp mặt đầu xuân của UBND xã. Ông Chủ tịch mặc chiếc áo đại cán, đội mũ biên phòng, trịnh trọng đọc lời chúc Tết dài, trong đó có cả lời chúc, có khẩu hiệu, có lời kêu gọi, có lời tuyên chiến với các hủ tục...
Đến khi ra Bắc, Tết nào tôi cũng đến các chùa dâng hương, hòa vào dòng người đi dự lễ Đống Đa và vòng quanh phố xem người ta trảy hội Tết. Tuổi trẻ thường đa cảm, nhìn những công tử, các kiều nữ Hà thành rong ruổi đạp xe qua phố trong những tà áo lộng lẫy, tôi hay chạnh lòng nghĩ đến những người lam lũ lối xóm quê tôi.
Xa quê từ nhỏ, nhưng quê hương gắn bó với tôi đến từng tế bào, thớ thịt; tôi vẫn là anh chàng xứ Nghệ có giọng nói trọ trẹ, chứ chưa bao giờ giả uốn éo vài dấu hỏi, dấu ngã để tập làm anh thành thị thạo đời. Có lần tôi về thăm quê vào chiều 30 Tết.
Dưới các mảnh ruộng xâm xấp nước, rét căm căm, những người phụ nữ quê tôi vẫn còn gắng cấy nốt mấy gánh mạ cuối cùng để về nhà trước khi cúng Tất niên. Niềm vui giản dị trong ngày Tết là được 2 ngày nghỉ ngơi, duỗi chân bên bếp lửa, để đến ngày thứ ba lại có mặt trong lễ xuống đồng "Ra quân cho mục tiêu 5 tấn".
Ở Việt Nam ta có một khoảng thời tiết mà dân ta gọi là rét ngọt rất đặc trưng giáp Tết. Rét ngọt, sau đó là mưa bụi lất phất; đủ để đánh thức những lộc non, mầm cây; đủ để chàng trai ngọt giọng choàng lên đầu các cô gái tấm khăn mỏng lấy lòng. Thiếu cái chất lạnh này là mất hết Tết.
Ngày Tết nắng thì rất vô duyên, mà mưa rét thì rất ảm đạm, mất hết sự thơ mộng, ngây ngất bên ly rượu, chén trà. Tôi thật sự thích ngày Tết có cái lạnh se se, man mác, với màn sương mờ ảo, kiểu như thơ Hồ Dzếnh: "Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung". Cái rét chỉ đến mức hiu hiu còn là cái Tết của những người không đủ khả năng sắm mua áo ấm...
Còn ngày Tết của người Việt ở Moskva cũng chẳng khác ngày thường là mấy, xuất hàng trong những ngày băng giá, phải phủ lên người đủ thứ áo lông, áo dạ, đi ủng lông, đội mũ sùm sụp; cũng ra đường nơm nớp sợ công an, quân cảnh.
Có khác chăng là trong mỗi nhà đều có hoa tươi và trên bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương, có mâm ngũ quả; ai khéo tay thì có cành đào giả dán giấy hồng. Các "tướng, soái" (những người Việt phất lên ở Nga) thì có cành đào Nhật Tân thứ thiệt bọc ni lông gửi sang theo chuyến bay gần nhất.
Bánh chưng, giò nạc thì những năm gần đây nhà nào cũng có. Tất nhiên bánh chưng xanh xuất hiện ở thủ đô Nga La Tư quốc này nằm trong mục đích thương mại, nhưng nó đã góp cho cộng đồng người Việt chút hương vị xứ sở quê nhà.
Người Việt hay sống thời gian ba chiều, quá khứ, hiện tại và tương lai, khác với người Nga là thả mình hoàn toàn trong hiện tại - hoặc do bản tính, hoặc do thời bao cấp đã trao cho họ một đầu óc vô lo.
Một năm đã trôi qua trên mái đầu của mỗi số phận, để lại dấu ấn thật nhất trong mỗi hầu bao của mỗi chủ gia đình. Kẻ cười, người khóc, bao nhiêu cuộc đời chia ly và bao nhiêu lần hội ngộ trên đất Nga này.
Ngày Tết là khoảng dừng lại trên chặng hành trình. Và lúc nào trong tim cũng khắc ghi, nhung nhớ: Ta còn có vòng tay đất mẹ Việt Nam!