Ngày chị chấp nhận lấy anh, họ hàng nhà chị ai cũng bảo chị đã quyết định sai lầm.
Ngày chị chấp nhận lấy anh, họ hàng nhà chị ai cũng bảo chị đã quyết định sai lầm. Chị gái chị còn lớn tiếng: "Mày bỏ vẫn kịp đấy em ạ, chứ nghề của nó nay đây mai đó, lúc mình chửa đẻ lấy ai chăm sóc con cái cùng. Thiên hạ đã hết đàn ông đâu". Nhiều người khuyên can, chị cũng hơi nhụt chí nhưng nếu từ bỏ chị lại thấy thương anh vì anh rất yêu chị. Cuối cùng thì chị chấp nhận đặt cược đời mình vào cuộc hôn nhân với anh.
Sau ngày cưới, thời gian anh chị gần nhau thì ít mà thời gian xa nhau thì nhiều. Song điều đó chẳng làm chị thấy buồn, trái lại chị thấy xa chồng cũng có cái hay. Hết giờ làm chị không phải vội vội vàng vàng về nhà lo cơm nước cho chồng như mấy chị cùng công ty mà có thể thong dong vừa lái xe vừa dạo phố ngắm nghía mọi thứ. Chị có thể xà vào một cửa hàng quần áo nào đó cả tiếng đồng hồ mà chẳng lo ai đó gọi giục giã về nhà... Nhưng từ khi có bầu, rồi sinh con chị mới thấm thía cái cảnh một thân một mình khi xa chồng.
Chị làm ở công ty tư nhân, sau hai tháng nghỉ sinh đành nhấp nhổm đi làm ngay, vì sợ người khác thế chân vào vị trí của chị. Trong khi đó chị chẳng thể nhờ được ai trông giúp con vì hai bên gia đình đều neo người, chồng lại đang có công trình kéo dài một năm ở trong Nam. Vậy là ngày con chào đời cũng là ngày chị quyết định nghỉ hẳn việc ở nhà trông con.
Anh rất hiểu tâm lý mong mỏi được đi làm của vợ khi mà một năm nay chị đã phải hy sinh tất cả để ở nhà một mình chăm con (Ảnh minh họa).
Những ngày vò võ chăm con một mình, chị bắt đầu cảm nhận thấy nỗi vất vả khi cả ngày phải quanh quẩn với nào là bỉm sữa, tã lót, rồi cho con ăn, chăm con ốm... Tất cả như cực hình vậy. Chị bắt đầu thấm thía câu nói của chị gái ngày trước.
Thấy em một mình nuôi con vất vả chị gái chị gọi điện lên bảo: "Gọi điện cho chú ấy về mà chăm vợ con chứ. Vợ con mình, mình không trông thì ai trông". Biết thế nhưng chị cũng chẳng dám kêu ca với anh, để anh yên tâm làm việc.
Không có mặt ở nhà anh chỉ biết điện thoại về nhà hỏi han tình hình của hai mẹ con và động viên chị cố gắng. Nhưng không phải lúc nào anh cũng dễ dàng gọi về cho chị được vì công việc của anh rất bận. Năm ba hôm anh mới gọi một lần. Nhiều đêm phải thức trắng để chăm con ốm, chị thấy mệt mỏi và tủi thân vô cùng. Bạn bè, người thân tới thăm ngọt nhạt nói với chị rằng: "Có chồng mà cứ như mẹ đơn thân, tự đẻ tự nuôi...". Nghe những lời đó, chị càng thêm rối. Chẳng lẽ chị đã sai lầm khi lấy anh thật sao?!
Một năm vất vả rồi cũng qua, đã đến ngày chị được gần anh. Khi chồng đã không phải đi xa nữa, chị bàn với anh: "Hay là mình gửi con cho chị Hoa đầu ngõ trông giúp để em đi làm. Mọi người trong ngõ nhà mình đều gửi con nhỏ cho chị ấy trông giúp khi phải đi làm mà. Chị ấy có tiếng mát tay trông trẻ". Anh lảng tránh câu trả lời của chị. Thấy chồng có vẻ không vui sau lời đề nghị của mình chị thầm trách chồng sao quá vô tâm.
Nhưng thực ra anh rất hiểu tâm lý mong mỏi được đi làm của vợ khi mà một năm nay chị đã phải hy sinh tất cả để ở nhà một mình chăm con. Đêm đến, khi con đã ngủ say, anh ôm ngang người chị, vuốt mái tóc dài mềm mại phủ trên vai chị và khẽ khàng: "Tóc vợ dạo này rụng nhiều quá. Hôm trước anh thấy mấy chị cùng cơ quan nói chuyện có cách ngăn ngừa rụng tóc cho các mẹ sau sinh đấy. Để mai anh hỏi giúp em, em thử áp dụng xem có hiệu quả không nhé". Chị khẽ "Vâng" một khi đã nằm trọn trong vòng tay anh.
Anh tiếp tục thủ thỉ: "Giờ anh đã về gần, em muốn đi làm anh cũng không có ý kiến gì. Em có thể gửi con cho chị Hoa, nhưng hãy để một hai tháng nữa khi con quen với chị ấy thì em hãy đi làm". Chị thấy ấm lòng vì có người chồng thương yêu và tâm lý với vợ, trách mình đã vội vàng nghĩ sai cho anh.
Nhìn những cử chỉ yêu thương anh dành cho vợ con chị thấy mình thật may mắn (Ảnh minh họa).
Trộm vía, con ngoan nên chỉ 2 tuần là con đã quen với bác trông trẻ, chị cũng đã trúng tuyển vào làm kế toán cho một công ty. Ngày chị nhận được quyết định đi làm anh đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời bạn bè thân của vợ chồng đến để cùng chia vui với anh chị, chị thấy mình hạnh phúc biết bao.
Từ ngày chị đi làm anh nhận hết phần chăm sóc con buổi tối để vợ được nghỉ ngơi và yên tâm làm việc. Buổi sáng, anh còn dậy sớm tận tay chuẩn bị hộp cơm cho chị mang đi ăn trưa. Lần nào anh cũng chuẩn bị thật nhiều thức ăn vào hộp cơm cho vợ, khi lại thêm quả cam, quả chuối...
Thấy anh ngày đi làm vất vả nhưng tối về vẫn giúp vợ việc nhà, có lúc chị đã bảo anh hãy nghỉ ngơi để chị làm nhưng anh chỉ cười và bảo: "Anh biết em đã phải vượt qua rất nhiều rào cản của gia đình khi chấp nhận lấy anh và sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho chồng con. Những công việc nhà này làm sao so sánh được với hàng "núi công việc" mà em phải làm khi vừa mới sinh con". Nhìn những cử chỉ yêu thương anh dành cho vợ con chị thấy mình thật may mắn. Trước đó, chị đã tin và quả quyết "dấn thân", gửi gắm cuộc đời mình vào cuộc hôn nhân với anh. Và cái "quyết định sai lầm" trong mắt mọi người giờ đã giúp chị có được người chồng như ý.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.
GD&TĐ - Ngày 25/11, ĐH Đà Nẵng khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc tiểu dự án 1 của dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc.