Thế nhưng nguyện vọng không thành, tôi được phân về một nông trường. Sau vài tháng, tôi quay lại Sài Gòn, sống bằng nghề bán thuốc tây tại chợ trời Tân Định và Tân Bình để chờ được nhận vào một viện nghiên cứu theo lời hứa từ phòng tổ chức viện.
Cuộc đời tôi hẳn không biết trôi về đâu nếu một buổi chiều, cô giáo Lê Thị Nhứt Hoa kéo tôi ngồi xuống nơi bậc thềm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhẹ nhàng:
- Em định sống nghề chợ trời luôn hay sao?
- Em đang chờ chỉ tiêu ở trên xuống, lúc đó viện sẽ nhận em vào làm.
- Em chờ đến bao giờ? Thời gian không đợi em đâu!
- ?!
- Bản chất em nhanh nhẹn, xốc vác… Em rất thích hợp với nghề kinh doanh hoặc báo chí. Ngày trước dạy em ở trung học, cô biết em cũng giỏi Việt văn và sinh ngữ. Sao em không dạy kèm Anh văn, hay xin vào công ty kinh doanh hoặc tập tành viết báo đi.
- Chẳng lẽ gần 5 năm học nông nghiệp của em… - Tôi ngần ngừ.
- Em hãy nghĩ những năm tháng đại học chỉ để em có kiến thức, nhờ đó mà trình độ lĩnh hội khoa học của em nhanh hơn người bình thường khác. - Cô ngắt lời.
- Không gì tàn nhẫn bằng thời gian, hãy đánh cược cuộc đời mình một lần nữa bằng chính trình độ và sở thích của mình hơn là đốt chết tuổi xuân bằng những tháng ngày đứng chợ trời, hay ngồi chờ lời hứa hão của phòng tổ chức viện. - Giọng cô trầm xuống.
Cô như đưa tôi ra khỏi khối sương mù dầy đặc. Nhờ tổ chức từ thiện của giáo xứ mà đa số là giáo viên, gia sư, như tôi được dìu dắt vào nghề dạy tiếng Anh.
Sau đó tôi xin vào làm việc tại một công ty nước ngoài. Vừa đi làm, vừa dạy kèm, vừa học lấy bằng cử nhân Anh văn, tôi không còn thời gian thăm cô Nhứt Hoa, để rồi đau đớn nghe tin cô đã mất…
Công ty của tôi chuyển vốn đầu tư sang Campuchia. Đang do dự không biết nên cùng công ty sang Phnom Pênh, một ngày tôi theo cô bạn vào Sở GD&ĐT TPHCM, thấy ở đây đang tổ chức tuyển giáo viên tiếng Anh, tôi đăng ký và được phân về trường ở ngoại thành. Bên cạnh việc dạy học, tôi dịch bài và viết báo.
Giờ đây, nhận quyết định nghỉ hưu, một quá trình khá dài cho nghề dạy tiếng Anh với bao kỷ niệm vui buồn bên đồng nghiệp, học trò…, tôi vẫn tiếp tục công việc viết lách.
Một lần sau chuyến đi viết bài, tôi ghé tòa soạn một tờ báo tôi cộng tác, chợt cô biên tập viên của báo nhận xét: ""Chị ngoài 50 nhưng vẫn còn sự nhanh nhẹn, đúng tác phong của người viết báo…"".
Tôi giật mình nhớ lại buổi chiều định mệnh ngày xưa, mà nhờ đó, tôi đã mạnh dạn rẽ một bước ngoặt mới của cuộc đời. Chính cô đã cho tôi thấy sự tàn nhẫn của thời gian và khuyến khích tôi mau chóng đổi nghề, liệu tôi có là trợ lý kinh doanh một công ty nước ngoài, dạy Anh văn cấp 3 và có sách xuất bản chăng?
Tôi đã không còn cơ hội hỏi cô Nhứt Hoa nhìn vào đâu mà biết tôi thích hợp với nghề kinh doanh hoặc báo chí. Cũng như không thể cho cô biết: Nhờ cô tôi đã quý từng phút giây mình đang sống vì thời gian vô cùng tàn nhẫn, chẳng hề biết chờ đợi ai.