Nước cơm có màu trắng sữa, nếu để nguội trên bề mặt sẽ quánh lại một lớp màng mỏng dính mà tưởng như có thể dùng tay lật lên được tựa thứ bột nước mịn màng, nhuyễn nhão mà người ta dùng để tráng bánh đa, bánh xèo, những thức quà quê thân thiết có khắp mọi miền đất nước.
Để có được bát nước cơm vừa ý, hôm nào mẹ cũng cất công ngồi canh lửa, cời than cho ngọn lửa luôn cháy đều dưới đáy nồi. Đến khi cơm sôi, mẹ lập tức bớt lửa rồi nhanh thoăn thoắt cầm lấy đôi đũa bếp, dùng hai tay kẹp chặt lấy hai quai rồi nghiêng nồi chắt nước cơm vào tô.
Thấy ánh mắt của chúng tôi hau háu nhìn vào tô nước cơm mẹ luôn ân cần, rằng những ngày thiếu thốn mẹ ở với bà ngoại, nước cơm chính là món canh trong bữa cơm hằng ngày. Cơm ăn với mắm, với muối rang có cảm giác khô rời nếu được chan vào vài muỗng nước cơm sẽ đỡ mắc nghẹn. Kể về ngày đói khổ bằng tâm thế tươi vui, mẹ ngầm nhắc nhở chúng tôi phải biết trân trọng thời khắc đó. Có trải qua thiếu thốn mới thấm thía lúc đủ no.
Nói về việc “đánh hơi” được mùi nước cơm thì không ai bằng được đám trẻ con chúng tôi. Dẫu đang chơi đánh khăng hay mải mê với trò ô ăn quan nhưng khi nhìn thấy trên mái tranh xuất hiện lấm tấm những ngọn khói tranh nhau rúc ra để chuẩn bị tan vào không gian là chúng tôi lập tức dừng lại mọi cuộc chơi để chạy về bên mẹ.
Vừa chạy, mùi gạo lúa mới lẫn quện với khói bếp xộc thẳng vào tâm tưởng làm cho bụng dạ cứ lồng lên sục sạo. Nước cơm chỉ cần nêm vào chút đường cát, còn không bỏ vào vài hạt muối trắng cũng đã khiến chúng tôi hả dạ gật gù. Con nít quê nghèo ngày trước làm gì có bánh kẹo xa xỉ mà mơ, chỉ ngóng mau đến hai bữa cơm để được húp lấy húp để tô nước cơm là hạnh phúc quá chừng rồi.