Nhịp giáo dục bình thường mới

GD&TĐ - Nhịp sống thường nhật quay trở lại khi hầu hết học sinh các tỉnh thành trên cả nước được đến trường sau kỳ nghỉ Tết và nghỉ để phòng chống Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Năm nay, việc cho học sinh tạm dừng đến trường, rồi mở cửa trường học trở lại diễn ra “êm ả”, với sự chủ động của ngành Giáo dục; sự đồng thuận của dư luận xã hội, trong đó có cha mẹ học sinh. Nhiều phụ huynh mong ngóng ngày con đi học trở lại, đến mức nội dung này xuất hiện thành “trend” trên mạng xã hội với cách gọi vui là “ngày hội giải phóng phụ huynh”. Điều này một mặt cho thấy sự an tâm của cha mẹ khi Covid-19 được kiểm soát; sự thích nghi với điều kiện dịch bệnh; đặc biệt là niềm tin vào hệ thống giáo dục khi mục tiêu “kép” từng được hoàn thành xuất sắc. Qua những ngày này, vai trò của trường học càng được thể hiện rõ ràng, đậm nét hơn.

Để học sinh được đến trường, trọn vẹn với niềm vui gặp gỡ thầy cô, bè bạn, nhiều trường học đã hoạt động hết công suất trong ngày nghỉ để vệ sinh, khử khuẩn trường lớp; chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm đón học sinh trở lại. Những tin nhắn đầy yêu thương và trách nhiệm được gửi đến từng học sinh, phụ huynh thông báo ngày đến trường, kèm lời căn dặn để làm sao đi học an toàn và nhanh chóng ổn định nền nếp học tập…

Điều có thể thấy rõ là việc quay trở lại trạng thái bình thường mới của ngành Giáo dục, dù cẩn trọng nhưng rất chủ động, mạch lạc. Sự chủ động đến từ nhiều phía. Cơ quan quản lý kịp thời ban hành văn bản tạo hành lang pháp lý và hướng dẫn cơ sở giáo dục thích ứng với tình hình mới. Trường học nhanh chóng xây dựng kế hoạch giáo dục, bắt nhịp luôn với dạy học online, kiểm tra trực tuyến...; sử dụng nhiều giải pháp linh hoạt cho đối tượng nhỏ tuổi chưa tự sử dụng thiết bị công nghệ và học sinh khó khăn chưa có điều kiện học qua Internet… Dịch bệnh kéo theo nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đồng thời cũng giúp ngành Giáo dục hướng đến hiệu quả, thực chất hơn khi giảm bớt kiến thức hàn lâm, hoạt động không cần thiết. 

Với sự chủ động và kinh nghiệm phòng chống dịch năm 2020, hoạt động giáo dục được tiếp nối nhuần nhuyễn sau thời gian tạm dừng đến trường. Phần nào đã học trực tuyến, kiến thức nào cần củng cố, bổ sung; kết hợp học trực tiếp và trực tuyến như thế nào; nếu dịch bệnh lại phức tạp trở lại thì phương án ra sao… tất cả đều được dự trù và có giải pháp. Mục tiêu kép chắc chắn vẫn được đặt lên hàng đầu; do đó bên cạnh công tác phòng chống dịch, các trường đồng thời xây dựng chương trình ôn tập, củng cố kiến thức, kiểm tra, đánh giá học sinh sau thời gian nghỉ học; cùng với đó là triển khai chương trình giảng dạy theo hướng dẫn, chỉ đạo của ngành Giáo dục…

Kinh nghiệm mở cửa trường học trở lại từng được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á tại Diễn đàn chính sách trực tuyến chủ đề “Giáo dục trong thế giới hậu Covid-19”. Trong đó có việc bảo đảm chất lượng học tập để bù lại thời gian giãn cách xã hội; chú ý đến học sinh không quay trở lại trường học, hoặc những em quay lại trường học nhưng không bắt nhịp được với việc học; tập hợp các video bài giảng được thực hiện và chia sẻ bởi giáo viên để tạo thành  kho tài liệu số trực tuyến…

Mở lại trường học nhưng không chủ quan trước diễn biến dịch bệnh. Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Bộ GD&ĐT, người đứng đầu ngành Giáo dục cũng chỉ đạo: Mặc dù dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước, vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra kịch bản, phương án khác nhau, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay.

Trở lại trường, thầy trò cả nước còn một học kỳ để chạm vào vạch đích năm học 2020 - 2021, trong đó có những kỳ thi quan trọng đợi chờ phía trước (thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT...). Còn vô vàn công việc mà ngành, thầy cô phải to toan. Nhưng với kinh nghiệm, bài học của năm 2020 nói trên, chúng ta có cơ sở để tin tưởng mục tiêu kép một lần nữa sẽ được thực hiện tốt trong toàn ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.