1. Không kiến tạo, không bàn thắng suốt 7 trận được ra sân trong màu áo Incheon United, với người hâm mộ Công Phượng cũng như một vài chuyên gia, có khá nhiều lý do để giải thích cho điều đó, chẳng hạn như một BLV bóng đá khá cộm cán: "Cầu thủ Incheon United đá còn không bằng Công Phượng thì học cái gì?".
Đấy là tuyên bố "lạc quan" nhất, như một đồng nghiệp lão làng khác cũng từng tuyên bố: "Tôi không lạ nếu Buriram xây đội hình xung quanh Xuân Trường".
Song ngoài những tuyên bố lạc quan tếu ấy, vẫn có những lý do được đưa ra rằng Công Phượng bị cô lập trên sân, rằng HLV chưa dùng Công Phượng đúng vị trí, và rằng lối chơi của Incheon United không hợp với "Messi Việt Nam".
Rốt cuộc, sau khi được thử đủ các vị trí, từ tiền vệ cánh đến tiền đạo cắm - những vị trí mà Công Phượng từng chơi ở ĐTQG Việt Nam và U23 Việt Nam dưới trướng HLV Park Hang-seo, cho đến đá hộ công, rồi tiền vệ công, có một thống kê khiến bất cứ ai nhìn vào cũng phải giật mình: Kể từ lúc Công Phượng chạm bóng lần đầu tiên đến nay, Incheon United chỉ biết thua, không kiếm nổi điểm nào, thậm chí là không ghi nổi đến 1 bàn thắng.
Trước đó, Incheon United đá 2 trận, hòa 1 và thắng 1, được 4 điểm.
Xác suất để đạt được điều đó, có lẽ cũng khó ngang với việc thủ khoa trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 2018 - vừa bị phát hiện gian lận điểm, với điểm thực là Toán 1, Lý 0, Hóa 0. Nên nhớ, ở 3 môn này thí sinh phải trải qua tổng cộng 130 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó hai môn Lý và Hóa là 80 câu.
Màn trình diễn mới nhất của Công Phượng trong màu áo Incheon United - 45 phút hiệp 1 trận đấu với đội bóng đang đá ở hạng Tư của Hàn Quốc, thể hiện chính xác nhất hình ảnh của tiền đạo này: nỗ lực, nhưng thiếu sức mạnh, thể lực, cũng như kỹ năng xử lý bóng và sự tinh tế trong những đường chuyền cho đồng đội. Ở đấy, người ta ít nhiều nhìn ra lý do Incheon United toàn thua từ khi có sự "giúp sức" của Công Phượng.
2. Công Phượng và HLV Park Hang-seo có không ít điểm giống nhau, dù thuộc hai thế hệ cách xa, cũng như vị trí "thi đấu" - dưới sân cỏ và trên băng ghế huấn luyện.
Cả hai đều có những thành công đáng ngưỡng mộ khi bắt đầu sự nghiệp, dẫu cho không phải là chính thức. Ông Park chỉ là trợ lý HLV trong kỳ tích của ĐTQG Hàn Quốc ở World Cup 2002, còn Công Phượng thì trong màu áo U19, và chưa có được thành tích chính thức nào.
Họ đều từ bỏ môi trường quen thuộc của mình, để đặt chân vào thử thách khó khăn thực sự. Với HLV Park Hang-seo, đó là bóng đá Việt Nam - "nghĩa địa của những HLV nước ngoài". Công Phượng thì có phần thuận lợi hơn, khi đây đã là lần thứ hai "Messi Việt Nam" đặt chân đến một nền bóng đá hàng đầu châu lục.
Nhưng có một điểm khác nhau cơ bản giữa họ: HLV Park Hang-seo thành công ngay lập tức cùng bóng đá Việt Nam, và những thành công của ông chưa bao giờ thôi làm cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam cảm thấy ngập tràn hứng khởi và ngạc nhiên, còn Công Phượng thì niềm tin, sự kỳ vọng đặt vào anh của người hâm mộ cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc ngày càng phôi phai, chuyển từ háo hức sang chán nản, thất vọng.
Đấy là kết quả, còn nguyên nhân?
Trước khi đặt chân đến Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã trải qua 15 năm ngập tràn sự thất vọng của sự nghiệp, và ông chỉ có hành trang duy nhất để mang đến dải đất hình chữ S: khả năng cống hiến hết mình về mặt chuyên môn.
Khác với nhà cầm quân người Hàn Quốc, Công Phượng mang đến Hàn Quốc nhiều thứ, từ hình ảnh rạng ngời của một thần tượng, cho đến hình ảnh "ra tiền" giúp Incheon United quảng bá hình ảnh của mình thông qua ngôi sao bóng đá nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt và đạo đức sáng ngời là niềm tự hào của bầu Đức với những cầu thủ "con cưng" của mình.
Sự kỳ vọng lớn lao của người hâm mộ cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc một phần đến từ hình ảnh long lanh ấy của Công Phượng, và nó càng được bồi đắp khi truyền thông Hàn Quốc và Việt Nam đều tích cực lăng xê nhiệt tình cho những hình ảnh ấy, với những bài phỏng vấn công phu Công Phượng, rồi những hình ảnh ngoài lề, thậm chí là có phần hơi thái quá như ôm ấp bạn cùng phòng cũng được quan tâm nhiệt tình.
Nhưng những điều mà HLV Park Hang-seo cực kỳ chăm chú để làm "lưng vốn" khi chạm ngõ bóng đá Việt Nam như khả năng chuyên môn, sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo, ê kíp hỗ trợ sâu sát và sự tìm hiểu kỹ càng về cả chuyên môn lẫn tính cách, khả năng của các học trò, lại là điều mà Công Phượng hầu như không được chuẩn bị khi xuất ngoại lần thứ hai.
Thầy Park không cần khả năng ngoại ngữ, cũng chẳng cần một vẻ ngoài "sáng nước", càng không cần những hình ảnh mang tính quảng bá để đưa bóng đá Việt Nam tới thành công. Ngược lại, tính chuyên môn của ông và ê kíp của mình là cực kỳ cao.
Xét cho cùng, khả năng chuyên môn trên sân cỏ mới là yếu tố quyết định cao nhất đến thành công của một cầu thủ hay HLV. Đấy là điều mà cả Công Phượng, bầu Đức lẫn Incheon United coi nhẹ.
Trên đất Hàn, Công Phượng chưa hề có dấu hiệu được cải thiện ở điểm yếu thể lực của mình, cũng như khả năng chơi bóng thông minh, thay vào đó vẫn là những pha đi bóng "cắm mặt xuống sân" đầy ngẫu hứng, nhưng luôn khiến các đồng đội phải lo lắng. Trong trận đấu vừa qua, không ít lần Công Phượng cầm bóng, nhưng để đối thủ chạy từ phía sau lên cướp bóng dễ dàng. Tốc độ cũng đang là điểm yếu ngày càng lộ rõ với tiền đạo người Nghệ An này.
Nếu Incheon United là một đội bóng mạnh trong giải đấu mà mình tham gia như Buriram United của Xuân Trường, có lẽ những cầu thủ còn lại sẽ gánh đỡ được phần của Công Phượng trên sân cỏ. Nhưng đáng tiếc, họ lại không có được điều ấy, nhưng lại muốn "đi lên" bằng tên tuổi và hình ảnh của Công Phượng. Thất bại của Incheon United là điều dễ hiểu, và ở khía cạnh chuyên môn, lỗi lớn thuộc về họ, chứ chẳng phải của Công Phượng.
Nhưng dẫu sao đi nữa, đấy vẫn là lựa chọn của Công Phượng, cũng như của bầu Đức. Chẳng phải người Việt có câu: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhận" đấy sao?