Nhiều ý kiến xung quanh Luật Trọng tài thương mại

Nhiều ý kiến xung quanh Luật Trọng tài thương mại

Tại Hội trường, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban TVQH.

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Trọng tài thương mại do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày đã tập trung giải trình về phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài, nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; tòa án từ chối thụ lý tranh chấp trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài; thương lượng, hòa giải trong tố tụng trọng tài...

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, phán quyết của trọng tài thương mại là một thủ tục dân sự thì việc hủy quyết định của trọng tài không được căn cứ trên một văn bản quy phạm pháp luật, mà chỉ dựa trên một số điều kiện được dự thảo Luật đưa ra sẽ không thống nhất với Bộ luật Dân sự.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, phán quyết của trọng tài thương mại là một thủ tục dân sự thì việc hủy quyết định của trọng tài không được căn cứ trên một văn bản quy phạm pháp luật, mà chỉ dựa trên một số điều kiện được dự thảo Luật đưa ra sẽ không thống nhất với Bộ luật Dân sự.

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP. Hồ Chí Minh), phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại như quy định tại dự thảo Luật đã tương đối rộng, khắc phục được hạn chế trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài giải quyết cả các tranh chấp thương mại với dân sự, bởi Tòa án đã thành lập bộ phận xử lý và thi hành án dân sự.

Đại biểu Quốc hội Trần Việt Hưng (đoàn Hòa Bình) cho rằng, nếu giới hạn thẩm quyền của trọng tài theo Luật Thương mại năm 2005 thì vừa làm giảm tính hấp dẫn của hoạt động này, vừa không thống nhất với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định những trường hợp tranh chấp tuy không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng các bên được quyền lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán...

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng nhấn mạnh, cần mở rộng thẩm quyền của trọng tài so với Luật Thương mại năm 2005 để dọn đường cho tương lai, và không phải sửa đổi Luật nhiều lần.

Về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trong thu thập chứng cứ, đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, quy định hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp không tương thích với quy định trong Bộ luật tố tụng Dân sự. Bởi Điều 85 Bộ luật tố tụng Dân sự quy định: chỉ khi đương sự có yêu cầu thì Tòa án mới thu thập chứng cứá. Ngoài ra không có một cơ quan, tổ chức nào được yêu cầu như vậy.

Mặc dù dự thảo Luật đã quy định Tòa án hỗ trợ Hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ, nhưng theo nhiều đại biểu Quốc hội, thực tế đã có trường hợp Tòa án triệu tập nhân chứng mà nhân chứng không đến thì cũng không thể cưỡng chế nhân chứng tham gia phiên tranh tụng bởi chưa có cơ chế xử lý. Do vậy, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, trong điều kiện cả Tòa án các cấp đều đang quá tải các vụ án dân sự thì chỉ quy định trong dự thảo Luật khi tổ chức được một bộ phận thẩm phán tại Tòa án tối cao có trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động trọng tài.

Nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về việc Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc hủy phán quyết của trọng tài chỉ là xem xét về hình thức, không đi sâu vào nội dung và bảo đảm nội dung phán quyết của trọng tài không thay đổi. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là “van an toàn” để nếu xảy ra trường hợp có sự không vô tư, khách quan của Hội đồng thẩm phán thì còn có cơ chế xử lý, bảo đảm sự công bằng và tính tôn nghiêm của pháp luật. 

Các đại biểu Quốc hội Võ Thị Thúy Loan (đoàn Tiền Giang), Trần Du lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh), Lê Văn Tâm (đoàn TP. Cần Thơ)... cho rằng, cần xem xét quy định này vì tố tụng trọng tài có tính đặc thù và cần được xem xét giải quyết nhanh chóng. Bên cạnh đó, phán quyết của trọng tài là một thủ tục dân sự thì việc hủy quyết định của trọng tài không được căn cứ trên một văn bản quy phạm pháp luật, mà chỉ dựa trên một số điều kiện được dự thảo Luật đưa ra sẽ không thống nhất với Bộ luật Dân sự. Đồng thời, sẽ buộc các doanh nghiệp phải theo một quá trình tố tụng ngoài ý muốn, kéo dài thời gian xử lý tranh chấp thương mại. 

Quang Anh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ