Nhiều vùng lãnh thổ phát hiện các hạt nhân phóng xạ

Nhiều vùng lãnh thổ phát hiện các hạt nhân phóng xạ
(GD&TĐ)- Chiều nay (28/3), Trung tâm dữ liệu quốc gia Việt Nam trong mạng lưới của Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) đặt tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam công bố Báo cáo về số liệu phóng xạ môi trường của ngày 28/3/2011

Qua bản Báo cáo này, CTBTO cho biết, đến ngày 25/3/2011, hầu hết trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ của Mạng lưới quan trắc hạt nhân phóng xạ quốc tế  của tổ chức CTBTO nằm ở phía bán cầu Bắc phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.
Cụ thể là xuất phát từ các phản ứng kích hoạt neutron và phản ứng phân hạch từ các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. 
Nhiều vùng lãnh thổ phát hiện các hạt nhân phóng xạ ảnh 1
Vùng Đông Nam Á: Đám mây phóng xạ các trong ngày 28, 29/3. Ảnh CTBTO

Báo cáo nêu rõ: trạm quan trắc JPP38 đặt tại Nhật Bản phát hiện được ít nhất 3 hạt nhân phóng xạ  từ phản  ứng kích hoạt và khoảng 13 hạt nhân phóng xạ  từ phản  ứng phân hạch. Trạm JPP38 nằm gần khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima nên chắc chắn sẽ ghi nhận được nhiều hạt nhân phóng xạ.

Các trạm quan trắc đặt tại Thái Bình Dương và trong lục địa của Hoa kỳ và Canada cũng đều phát hiện được các hạt nhân phóng xạ từ phản ứng kích hoạt neutron và nhiều hạt nhân phóng xạ từ phản ứng phân hạch vì hiện tại hướng gió vẫn đang đẩy đám mây phóng xạ di chuyển về phía biển Thái bình dương và tiến vào Hoa Kỳ và Canada và hiện đã qua Đại tây dương và chạm đến Châu Âu. 

CTBTO cho biết: hiện tại, các trạm đặt tại Châu Âu như Nga, Thuỵ Điển, Nauy, Iceland, Pháp có vẻ như chỉ phát hiện được I ốt phóng xạ (I-131). I-131 là hạt nhân phóng xạ được phát tán trong không khí rất nhanh nên mặc dù đám mây phóng xạ có lúc mới chỉ gần đến Châu Âu thì một số trạm quan trắc tại đây đã phát hiện được nó. 

Tại Đông Nam Á, hiện chỉ có 2 trạm của tổ chức CTBTO đưa số liệu đến Trung tâm dữ liệu quốc tế là trạm tại Malaysia và tại Phillipines. Trạm tại Phillipines đã phát hiện thấy các hạt nhân phóng xạ. Trạm đặt tại Malaysia đến ngày 25/3 vẫn chưa phát hiện được gì, vì đám mây phóng xạ vẫn chưa tới khu vực này. 
Nhiều vùng lãnh thổ phát hiện các hạt nhân phóng xạ ảnh 2
 Biển Thái Bình Dương: Đám mây phóng xạ trong các ngày 28, 29/3. Ảnh CTBTO

Số  lượng các trạm quan trắc phát hiện  được hạt nhân phóng xạ  vẫn tiếp tục tăng, tất nhiên là với nồng độ các hạt nhân phóng xạ khác nhau tuỳ khu vực, điều này chứng tỏ đám mây phóng xạ vẫn đang lan rộng trên nhiều khu vực.

Theo hình  ảnh mô phỏng  đám mây phóng xạ cho vùng  Đông Nam Á,  đám mây phóng xạ trong ngày 28 và 29 vẫn có xu hướng tiến đến Indonesia và Malaysia. Trên Vùng biển Đại Tây dương đám mây phóng xạ lan rộng về phía đông về Châu Âu và tại biển Thái bình dương đám mây ngày càng lan rộng thêm xuống phía nam và đi sâu vào Châu Mỹ và lên phía cực bắc.  

Đối với Việt Nam, theo mô phỏng đám mây phóng xạ trong ngày 28 và 29 nó vẫn chưa vào lãnh thổ Việt Nam và có xu hướng lan rộng ra và có vẻ như tiến gần Việt Nam theo hướng đông Nam và đến hết ngày 29 có thể có một vài  đám mây nhỏ nằm tản mạn sát phía bắc gần đảo Hải Nam Trung Quốc và phía Nam gần mũi Cà Mau và đảo Phú Quốc. Những ngày sắp tới đám mây này có lan rộng tới lãnh thổ Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào điều điện khí tượng của vùng Đông Nam Á. 
CTBTO đặc biệt lưu ý, nếu đám mây có đến Việt Nam thì rất khó phát hiện sự ảnh hưởng của nó đến nền phông phóng xạ hiện tại ở Việt Nam. 
Nhiều vùng lãnh thổ phát hiện các hạt nhân phóng xạ ảnh 3
 Biển Đại Tây dương: Đám mây phóng xạ trong các ngày 28, 29/3. ẢnhCTBTO

Để tránh nhầm lẫn, Báo cáo nhấn mạnh Mạng lưới Trạm quan trắc phóng xạ hạt nhân của Tổ chức CTBTO được xây dựng cho mục đích phát hiện các vụ thử nổ hạt nhân, do vậy nó rất nhạy và có thể phát hiện được các hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp trong bầu khí quyển và liều phóng xạ do các hạt nhân phóng xạ này gây ra rất thấp không ảnh hưởng sức khoẻ con người. 

"Số liệu chúng tôi (CTBTO) cung cấp trong trường hợp rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện  Fukushima này chỉ cho biết là các hạt nhân phóng xạ đã phát tán đến những khu vực hoặc vùng đặt trạm quan trắc chứ không ngụ ý về liều phóng xạ hoặc mức phóng xạ do đám mây phóng xạ gây ra. Và cần lưu ý rằng, mặc dù có thể phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ thông qua các trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ của CTBTO, nhưng chưa hẳn liều phóng xạ tại nơi đó đã ảnh hưởng đến sức khoẻ con người". CTBTO lưu ý.

Tổ chức CTBTO đặt tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sự di chuyển của đám mây phóng xạ từ số liệu của CTBTO được cập nhật hàng ngày. 
Giang Đông 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ